Hà Nội mạnh tay xử lý các vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm
(Thethaovanhoa.vn) - Đóng cửa 52 cơ sở vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm; xử phạt vi phạm hành chính 1.251 cơ sở với số tiền hơn 4,8 tỉ đồng; tiêu hủy sản phẩm của 133 cơ sở trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019 là kết quả cho thấy các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã mạnh tay xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm.
Nhờ tăng cường kiểm tra, xử lý cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp nên công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố đã chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, vấn đề an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều bất cập.
Những bất cập cần tháo gỡ
Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thành viên Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội cho biết, hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm và công tác thanh kiểm tra trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm đã được đẩy mạnh. Tuy nhiên, một bộ phận chủ cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm còn chưa có ý thức về sức khỏe cộng đồng, chạy theo lợi ích trước mắt, vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
Theo đại diện Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, ngành nông nghiệp đang gặp phải những vướng mắc cần sự giúp đỡ của các cơ quan Trung ương, thành phố và sự phối hợp thực hiện của các cơ quan, ban, ngành, quận, huyện... Bộ máy quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm nông nghiệp cấp quận, huyện, xã, phường chưa được hoàn thiện, thiếu cán bộ chuyên trách, cán bộ có chuyên môn phù hợp và thường xuyên thay đổi. Kinh phí triển khai công tác an toàn thực phẩm tại cấp quận, huyện, xã, phường còn gặp nhiều khó khăn. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đa số có quy mô nhỏ lẻ, phân tán, phân phối qua nhiều khâu trung gian…
Việc thay đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tăng số lượng cơ sở không thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, cũng khó khăn trong việc quản lý. Đa số các cơ sở quản lý bằng hình thức cam kết, chưa có hướng dẫn về việc quản lý các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp.
Việc quản lý an toàn thực phẩm thông qua các tiêu chuẩn/quy trình kỹ thuật, nhưng hiện nay nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm vẫn chưa có tiêu chuẩn/quy chuẩn để áp dụng. Chi phí đánh giá chứng nhận và duy trì các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO 22000… hiện nay cao, trong khi đầu ra vẫn khó tiêu thụ nên chưa khuyến khích được nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện.
Việc triển khai quy hoạch giết mổ gặp nhiều khó khăn, vẫn còn tồn tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư, chưa đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, môi trường theo quy định. Công tác quản lý chợ đầu mối nông sản còn gặp nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng các chợ đã xuống cấp, không đáp ứng điều kiện an toàn thực phẩm. Ban quản lý chợ còn hạn chế trong việc kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là kiểm soát nguồn gốc xuất xứ sản phẩm kinh doanh tại chợ… Một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng còn dễ dãi trong việc lựa chọn thực phẩm, chưa phản ánh với cơ quan quản lý.
Lực lượng kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm rất mỏng; cơ sở dịch vụ ăn uống chủ yếu nhỏ lẻ, nhiều cơ sở thuê địa điểm kinh doanh, cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu, việc cải tạo còn khó khăn. Hơn nữa, các cơ sở thường xuyên biến động nên việc đầu tư cơ sở vật chất cũng như việc hướng dẫn thực hiện các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, kiểm soát của các cơ quan quản lý còn khó khăn.
Bên cạnh đó, vấn đề dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, hóa chất bảo quản trong nông sản, thực phẩm như rau, quả, thịt gia súc, gia cầm, hải sản; vấn đề rượu không rõ nguồn gốc, rượu pha cồn công nghiệp… vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Việc chế biến thực phẩm còn nhiều hạn chế do trình độ, quy mô sản xuất, chế biến thực phẩm ở nước ta với gần 90% là chế biến thủ công, hộ gia đình, cá thể.
Vì vậy, điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm của các cơ sở chế biến thực phẩm loại này hầu như không đạt yêu cầu. Thực phẩm bán trên thị trường vẫn chưa được kiểm soát hiệu quả nên thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm nhập lậu còn lưu thông trên thị trường. Vấn đề phụ gia thực phẩm, hóa chất bảo vệ thực vật và thuốc thú y nhập lậu qua biên giới diễn biến rất phức tạp, đang là vấn đề gây nhức nhối, bức xúc cho các cơ quan quản lý và xã hội. Trong khi đó, ý thức chấp hành pháp luật về vệ sinh, an toàn thực phẩm của một số tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng còn chưa cao…
Đánh giá về kết quả Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu yêu cầu, sau Tháng hành động, công tác quản lý an toàn thực phẩm tiếp tục tăng cường, nhất là tuyến quận, huyện, xã, phường cần có những giải pháp đồng bộ và sâu hơn, trong đó tập trung hạn chế tối đa thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, các chất bảo quản, chất tạo màu độc hại… lưu thông trên thị trường. Cùng với đó, ngành chức năng tăng cường kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng tiêu thụ, vận chuyển lợn nhiễm bệnh trên thị trường.
Đẩy mạnh thanh tra chuyên ngành, kiểm soát từ "gốc"
Để tăng cường xử lý vi phạm an toàn thực phẩm, Hà Nội đang chuẩn bị triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm bắt đầu từ ngày 10/7/2019 đến 10/7/2020 tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung, lực lượng được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tuyến xã, phường, thị trấn khoảng 3.340 người, trong đó tuyến quận, huyện khoảng 210 người và 3.130 người tuyến xã, phường. Tính đến ngày 12/6, thành phố đã tổ chức 32 lớp đào tạo cho 2.676 cán bộ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm. “Do số lượng công chức, viên chức đủ điều kiện giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ở tuyến xã ít, phải đảm nhiệm nhiều công việc nên việc cử công chức, viên chức cấp xã đi đào tạo, tập huấn gặp nhiều khó khăn”, ông Trần Văn Chung cho biết.
Về công tác triển khai mở rộng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu đề nghị, tại các quận, huyện, xã, phường, không thể để thiếu cán bộ thanh tra. Riêng tuyến phường, phải bảo đảm 4 cán bộ thanh tra/phường. Thêm vào đó, công tác đào tạo chuyên môn cho lực lượng này cũng phải được tăng cường. Để công tác thanh tra mang lại hiệu quả, đạt chất lượng, cần bảo đảm đủ người có chuyên môn, trình độ.
Hà Nội tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhằm bảo đảm sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chất lượng, an toàn, góp phần nâng cao sức khỏe người tiêu dùng; đồng thời kêu gọi doanh nghiệp, cộng đồng, các tổ chức đoàn thể, xã hội cùng chung tay góp sức vì thực phẩm sạch, chất lượng, an toàn; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại địa phương và tăng năng lực của đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác an toàn, vệ sinh thực phẩm.
Trong đó, ngành nông nghiệp tiếp tục đưa ra các giải pháp trong công tác chỉ đạo, điều hành cũng như hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao năng lực quản lý về an toàn thực phẩm, nông lâm thủy sản; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, phát triển sản xuất, hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm...
Kiểm soát từ “gốc” là khâu quan trọng trong quy trình giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngành nông nghiệp sẽ tăng cường lấy mẫu giám sát thực phẩm nông lâm thủy sản trên diện rộng; phát hiện, truy suất nguồn gốc và yêu cầu khắc phục các vi phạm về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên rau, củ, quả, chè, kiểm soát tồn dư hóa chất, kháng sinh, chất bảo quản, phụ gia trong các loại sản phẩm thịt, thủy sản...
Đồng thời, ngành tăng cường thanh kiểm tra, hậu kiểm, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm về chất lượng, an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật. Cùng với đó, ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phối hợp với các cấp chính quyền trong việc thu hẹp tiến tới chấm dứt hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, sản xuất, kinh doanh không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.
Ngành cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thuộc Công an thành phố, quản lý thị trường, phát hiện, điều tra, thanh tra đột xuất, triệt phá dứt điểm các đường dây nhập lậu, tàng trữ, lưu thông, buôn bán chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi ngoài danh mục được phép sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Tuyết Mai