Đoàn TTVN tổng kết Olympic vào ngày 22/8
Ngành thể thao Việt Nam sẽ tổng kết, mổ xẻ thất bại ở Olympic 2012 trong 2 ngày 22 và 23-8. Ngay sau đó, Tổng cục TDTT sẽ chủ trì một hội thảo khoa học quốc tế để hoạch định lại con đường đi cho thể thao nước nhà.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT kiêm trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic 2012 - ông Lâm Quang Thành - khẳng định: “Chắc chắn sẽ phải thu hẹp diện VĐV đầu tư để giành huy chương Olympic, tuy nhiên, nếu thể thao học đường không được đầu tư, các liên đoàn không thể xã hội hóa thì rất khó để có được vinh quang ở Olympic”.
Ông Thành thừa nhận thực tế khá phũ phàng là rất nhiều tiền của đầu tư cho các VĐV Olympic chỉ là để đạt được mục tiêu “có chuẩn B” hoặc vượt qua vòng loại. “Nếu muốn giành huy chương thì phải đầu tư với số lượng VĐV ít hơn và thời gian dài hơn”- ông Thành nói.
Sau thất bại tại Olympic London 2012, TTVN sẽ hoạch định lại chiến lược đầu tư và phát triển thế thao đỉnh cao
Theo ông Thành, có những sự đầu tư của ngành thể thao cho Olympic bị “sai địa chỉ” nhưng đó là những sai số vì lý do khách quan. Ông Thành lấy dẫn chứng: “Bắn súng chúng ta đầu tư cho Hà Minh Thành thì cuối cùng Hoàng Xuân Vinh và Lê Thị Hoàng Ngọc lại có vé. Điền kinh đầu tư rất nhiều cho Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng nhưng cũng không thể có vé đến Olympic”. Không nói đến chuyện giảm lượng để tăng chất nhưng ông Thành cho rằng: “Nếu vẫn quanh quẩn với chuyện giành chuẩn để đi Olympic thì rất khó có cơ hội giành huy chương”.
Ngành thể thao cho rằng một trong những lý do khiến nguồn lực đầu tư bị dàn trải là vì các liên đoàn, hiệp hội thể thao hiện nay còn yếu, không lo cho được VĐV của mình. Sắp tới, Tổng cục TDTT cũng sẽ họp bàn với Bộ Nội vụ để giúp các liên đoàn thể thao quan trọng phát huy sức mạnh.
Về việc chọn mô hình thể thao nhà nghề của các nước phát triển để thay đổi bộ mặt thể thao đỉnh cao thay vì áp dụng mô hình “nuôi gà chọi” kiểu như thể thao Trung Quốc, ông Thành nói: “Con đường nào cũng phải căn cứ trên điều kiện kinh tế-xã hội. Mô hình hiện nay tạm được xem là phù hợp nhưng đầu tư thế nào để có hiệu quả lại cần tính toán kỹ”.
Lãnh đạo ngành thể thao cho rằng đầu tư vào thể thao học đường cũng là một cách để hướng tới sân chơi Olympic. Tuy nhiên, hiện nay thể thao học đường do Vụ Công tác học sinh - sinh viên của Bộ GD-ĐT quản lý.
Cơ sở vật chất và mức độ quan tâm của trường phổ thông đến cấp đại học cho lĩnh vực thể thao vẫn còn rất hạn chế, phần lớn cũng vì chúng ta thiếu tiền. Đây là điều không quá mới bởi nhiều trường còn thiếu phòng, chỗ cho việc dạy và học, phải đi thuê thì lấy đâu quỹ đất, tiền để chăm lo thể thao học đường.
Theo Người lao động