Thể thao Đức thất bại tại Olympic 2012: Nhà giàu cũng thiếu tiền
(TT&VH) - Năm 2004, đoàn thể thao Đức xếp thứ Sáu tại Athens với 13 huy chương vàng (HCV), bốn năm sau leo lên một bậc với 16 HCV. Tại London 2012, thành tích của đoàn thể thao Đức đã bất ngờ giảm mạnh, chỉ giành được 11 HCV. Một vài vận động viên (VĐV) vừa giành huy chương tại Thế vận hội vừa qua cho rằng cách đầu tư nhỏ giọt của Đức là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.
Robert Harting, vừa giành HCV ném đĩa, cho biết nếu chỉ chơi thể thao, anh không đủ tiền để trang trải cuộc sống. So với các quốc gia khác, Đức không trợ cấp nhiều cho thể thao. Theo một nghiên cứu của Đại học Thể thao Cologne thực hiện hai năm trước, một VĐV trung bình nhận được 2.360 USD mỗi tháng, tức 28.320 USD một năm. Số tiền này còn thấp hơn cả GDP bình quân của người Đức năm 2009 (34.800 USD) trong khi các VĐV phải lao động cật lực hơn, luyện tập tới 60 giờ mỗi tuần. Cũng do thiếu tiền, thể thao Đức không thể chiêu mộ được các huấn luyện viên (HLV) giỏi. Lutz Buschkow, giám đốc thể thao của Liên đoàn Bơi lội, cho biết: "Chúng tôi đang rất thiếu các HLV cho đội trẻ và cho các VĐV đỉnh cao".
Harting giành HCV Olympic nhưng không sống được nhờ thể thao - Ảnh: Getty
Để có tiền, ngành thể thao của Đức sẽ phải trông chờ từ những nguồn thu khác. Hiện nay, Quỹ hỗ trợ Thể thao Đức, hợp tác với các doanh nghiệp lớn như Deutsche Bank, Lufthansa hay Deutsche Telekom, đang tài trợ cho các VĐV đỉnh cao 1.500 euro mỗi tháng. Ông Michael Illgner, một thành viên của Quỹ này, cho biết đã nghiên cứu kỹ trường hợp của Anh, nơi đã đầu tư rất nhiều cho thể thao và đang gặt hái những thành công lớn (xếp thứ Ba toàn đoàn với tổng cộng 65 huy chương trong đó có 29 HCV): "Chúng tôi có một nền văn hóa khác với họ nhưng phải phát triển, phải học những điều mới".
Tuy nhiên, theo ông Illgner, tiền chỉ là một yếu tố, biện pháp tốt nhất cho thể thao Đức đó là tổ chức Olympic: "Chúng ta đang không quan tâm tới việc đưa Thế vận hội trở lại Đức. Nếu được đăng cai, điều này sẽ thực sự giúp chúng tôi và tạo ra động lực cho các môn thể thao thuộc Olympic và sau đấy, giúp mọi người hiểu tầm quan trọng về mặt chính trị-xã hội của thể thao".