Quyền anh Mỹ thất bại tại Olympic London 2012: Đế chế suy tàn
(TT&VH Cuối tuần) - Trên đất Canada 36 năm về trước, làng quyền anh Mỹ như đi trên mây khi năm trong tổng số sáu tay đấm góp mặt trong trận chung các nội dung nam mang về cho tổ quốc huy chương vàng tại Olympic Montreal 1976. Nhưng giờ đây, người ta chỉ còn biết hoài niệm về một quá khứ lẫy lừng.
Chuyện khó tin… nhưng có thật
Từng được xem như mỏ vàng sản sinh ra những huyền thoại trong làng quyền anh thế giới như Floyd Patterson, Muhammad Ali, Joe Frazier, George Foreman, Ray Leonard, Leon và Michael Spinks, Evander Holyfield, Pernell Whitaker, Oscar De La Hoya, Riddick Bowe hay Floyd Mayweather, quyền anh Mỹ từng có thời thống trị tuyệt đối ở các kỳ Thế vận hội. Nhưng Olympic London 2012 lại kết thúc trong nỗi thất vọng không sao tả nổi với các tay đấm Hoa Kỳ. Lần đầu tiên trong lịch sử Olympic, toàn bộ các võ sĩ nam của Mỹ không giành nổi một tấm huy chương, điều chẳng khác gì Brazil bị loại ngay từ vòng đấu bảng World Cup.
Quyền anh Mỹ đã từng rất thành công trong giai đoạn 1984-1996, khi bốn kỳ Olympic liên tiếp, các võ sĩ Mỹ thống trị sàn đầu với 14 huy chương vàng. Tuy nhiên, ba kỳ Thế vận hội sau đó là khởi đầu cho những nỗi thất vọng, dù rằng họ vẫn có huy chương. Để rồi Olympic London 2012 là dấu chấm hế thực sự cho môn thể thao từng một thời giúp Mỹ xưng hùng xưng bá toàn cầu: cả chín tay đấm nam góp mặt tại Olympic London 2012 đều lần lượt gục ngã và thành tích tốt nhất chỉ là tứ kết. Vì đâu nên nỗi?
Tự bó hẹp… vì lợi nhuận
Ngày xưa, các khán giả Mỹ được thoải mái theo dõi những trận so găng nảy lửa trước màn ảnh nhỏ tại nhà, miễn phí. Nhưng hiện giờ, muốn xem một trận quyền anh trên truyền hình, bạn phải mất tiền. Nhà báo Michael Wilbon của kênh truyền hình thể thao ESPN cho rằng việc thu tiền truyền hình các trận đấu quyền anh là một bước đi “quẩn trí” nhất từ trước tới nay của môn thể thao này. Dần dần, quyền anh Mỹ biến thành sản phẩm độc quyền của các nhà đài để rồi từ đó trở thành món ăn chỉ dành phục vụ cho tầng lớp lắm tiền nhiều của.
Trong khi truyền hình qua từng năm tháng đang siết chặt hơn các trận quyền anh vì lợi nhuận, xuất hiện song song đó lại có nhiều hơn những môn thi đấu võ thuật khác cũng không kém phần hấp dẫn xuất hiện, và đặc biệt hoàn toàn miễn phí. Hệ quả tất yếu là khán giả Mỹ dần quay lưng với môn thể thao từng một thời được yêu thích nhất tại đất nước coi trọng sự tự do và cạnh tranh sòng phẳng này. Lâu ngày, quyền anh gần như bị gạch tên khỏi thực đơn chính của những người yêu thể thao.
Một khi công chúng quay lưng, nguồn tài trợ và đầu tư cho quyền anh cũng cạn kiệt, ảnh hưởng trầm trọng đến cơ hội có huy chương Olympic của đội tuyển Mỹ.
Số tiền tài trợ dành cho quyền anh Mỹ bị cắt giảm mạnh trong thời gian gần đây. Năm 2007, Liên đoàn quyền anh Hoa Kỳ còn nhận được 1,1 triệu USD từ Ủy ban Olympic Mỹ (USOC). Nhưng ba năm sau, con số này giảm xuống đến hơn phân nửa, chỉ còn 482.000 USD, thấp hơn cả những môn thể thao còn lạ lẫm và ít gặt hái được thành công trong các cuộc tranh tài đỉnh cao với người Mỹ như taekwondo (608.000 USD), bi đá trên băng (703.000 USD)… Cho nên, nỗi thất vọng của quyền anh Mỹ ở Olympic 2012 là hoàn toàn dễ hiểu.
Tiền ít, công tác đào tạo trẻ không đủ sức thuyết phục để thu hút vận động viên khiến suốt một thập kỷ qua nước Mỹ không sản sinh ra được một tay đấm nổi trội nào.
Tại anh, tại ả, tại cả…
…bộ máy điều hành quyền anh Mỹ! “Màn trình diễn nghèo nàn tại London phản ảnh cách vận hành tệ hại như thế nào của liên đoàn suốt bốn năm qua”, cựu thành viên Liên đoàn quyền anh Mỹ, Al Valenti ngao ngán nói. “Họ đang gặp muôn vàn rắc rối với trong việc thuê giám đốc điều hành, huấn luyện viên cho đội tuyển và cả khâu tuyển chọn nhân tài cho các sự kiện quốc tế. Nói chung, quyền anh Mỹ đang lâm vào cảnh dột nhà từ nóc”. Cũng theo Valenti, đã có 11 giám đốc điều hành và ba giám đốc tạm thời đến rồi đi kể từ năm 1998 đến nay, tức trung bình mỗi năm trôi qua, chiếc ghế điều hành ở liên đoàn lại đổi chủ!
Sự bất ổn từ ghế chỉ đạo tối cao dẫn tới sự bất ổn trên băng ghế huấn luyện, khi mà các huấn luyện viên được coi là cực kỳ quan trọng trong thành bại ở môn quyền anh. Theo ESPN, Liên đoàn quyền anh Mỹ đã chẳng buồn… thuê một huấn luyện viên chính thức, làm việc toàn thời gian, cho đội tuyển suốt từ năm 2000 đến 2004. Chưa hết, tuyển Mỹ phải thay đến bốn huấn luyện viên cho đội tuyển quốc gia trong vòng 12 năm qua. Thậm chí chỉ vài tuần trước khi Olympic London 2012 diễn ra, đội tuyển quyền anh Mỹ mới có huấn luyện viên trưởng. Tệ hại hơn, người được bổ nhiệm, Basheer Abdullah, lại không thể… chỉ đạo trong các trận đấu do từng làm việc với võ sĩ chuyên nghiệp trong năm nay.
Sự chắp vá còn nằm ở chỗ trong khi Abdullah là huấn luyện viên cho quyền anh chuyên nghiệp, quyền anh nghiệp dư thi đấu ở Olympic hoàn toàn khác hẳn, “như một môn thể thao khác”, theo lời Mayweather, người từng thượng đài cả ở Olympic và trên võ đài chuyên nghiệp. Tại Olympic, điểm số được dựa trên kỹ thuật và độ chính xác trong khi phần đông các tay đấm Mỹ chỉ quen với kiểu huấn luyện chuyên nghiệp, tức sức mạnh và tỷ lệ ra đòn mang tính quyết định.
Thầy giỏi không có đã đành, mối quan hệ giữa các huấn luyện viên và Liên đoàn quyền anh Mỹ cũng “cơm chẳng lành, canh không ngọt”. Trước đây, huấn luyện viên nổi tiếng Freddie Roach, thầy của Manny Pacquiao (vô địch tám hạng cân khác nhau), Amir Khan (cựu vô địch thế giới), Julio Cesar Chavez (giữ đai WBC hạng trung)… từng đề xuất ý tưởng mỗi tay đấm được chọn để tranh tài ở Olympic nên có huấn luyện viên riêng, thay vì một người dạy tất cả. Nhưng kinh phí hiện giờ cho quyền anh khiến đó chỉ là một giấc mơ xa xỉ.
Tình hình thêm hỗn loạn khi khâu tuyển chọn vận động viên tranh tài ở Olympic London 2012 vừa qua cũng gây ra nhiều tranh cãi. Trong một bài đăng trên báo Boston Herald, cây bút Ron Borges tiết lộ chuyện động trời rằng những tay đấm giỏi nhất sở dĩ thất bại trong việc đáp chuyến tàu đến London không phải vì trình độ thua chín tay đấm nam được cử đi tranh giải, đằng này, đó là vì lý do chính trị và một số vấn đề “thâm cung bí sử” diễn ra trong Liên đoàn quyền anh Mỹ. Ví dụ, Rau’Shee Warren được trao cơ hội dự Olympic đến ba lần liên tiếp chỉ vì từ chối chuyển lên thi đấu chuyên nghiệp. Dù vậy, anh lại toàn thua ở các kỳ Thế vận hội!
HUỲNH NGỌC