"Chúng ta chưa thắng được chính mình"
* Chị là người mang tấm huy chương lịch sử về cho đoàn TTVN tại Olympic Sydney 2000. Nghĩ lại, bí quyết nào giúp chị vượt qua những đối thủ lớn để đạt tấm HCB?
- Con đường đến với thành công tại Olympic 2000 của tôi chẳng có bí quyết nào lớn cả. Đối với bất cứ VĐV nói chung, hay một võ sĩ thi đấu đối kháng trong môn taekwondo nói riêng, muốn thành công phải có được sự toàn toàn diện trong tâm lý, tính cách và chuyên môn. Để đạt được những yêu cầu khắt khe như thế, ngoài tài năng còn phải có đam mê, nỗ lực quyết tâm phải phi thường. May mắn chỉ là điều kiện sau cùng. Khi đã bước lên sàn đấu ở một kỳ Thế vận hội, nếu chuẩn bị tốt, tinh thần vượt khó, có thêm may mắn đến với mình, cộng với ý chí “thép” mới có thể hy vọng có huy chương được.
Cựu võ sỹ Trần Hiếu Ngân hy vọng trong tương lai taekwondo Việt Nam sẽ lại giành huy chương Olympic
* Theo chị, ở môn taekwondo, một VĐV VN cần những yếu tố gì để đối đầu được những đối thủ có thể hình, thể lực tốt hơn trong môn có tính đối kháng cao như taekwondo?
- Theo kinh nghiệm cá nhân tôi, điều quan trọng cho một VĐV phải biết được mình hay điểm nào, dở điểm nào. Từ đó, phát huy những cái hay nhất, tinh túy nhất cho thành vũ khí. Làm một võ sĩ chuyên nghiệp phải có cá tính, biết rõ sở trường rồi cả sở đoản để dụng thân khi thi đấu. Để tôi luyện phẩm chất, ý chí phải thông qua quá trình tập luyện cực khổ lắm mới có sự sắc bén, khi tung đòn linh cảm được có ghi điểm hay không. Thời điểm tôi đạt HCB tại Sydney 2000, cũng nhờ quá trình hoàn thiện rất dài. Tôi luôn tự tin vào bản thân mình, sở trường của mình, cho dù gặp đối thủ giỏi hơn.
Qua nhiều giải đấu cũng có lúc thành công hay thất bại. Nếu sở trường mình thua thì cần tìm hiểu nguyên nhân, hệ quả vì sao lại thế. Rõ ràng sở trưởng của mình chưa hoàn thiện, còn nhiều sai sót để đối phương tận dụng và thắng mình. Tôi nghĩ việc này phải tự VĐV nghiên cứu thì sẽ hiệu quả chứ không thể lúc nào làm thầy mới chỉ ra được. Đã có lúc tôi thất bại, rồi trăn trở thậm chí ăn ngủ được. Trong đầu luôn tưởng tượng ra cách đánh trả những đòn tấn công ra sao hay phản công trở lại đối phương thế nào hiệu quả. Đó là quá trình trải nghiệm, tự vận động dài qua nhiều năm, nhiều giải đấu chứ không đơn giản,
* Chị đang công tác ở đội trẻ taekwondo TP.HCM, vậy trăn trở chị trong nghề ra sao để taekwondo trở lại là ''mỏ vàng'' cho TTVN ở các giải đấu lớn? Việc tăng kinh phí, hay sàng lọc VĐV ngay từ tuyến trẻ... hay những lý do gì nào khác?
- Chuyện kinh phí, sàng lọc VĐV, tập huấn chỉ là một vấn đề. Tôi nghĩ đây là vấn đề thuộc thượng tầng, cần nghiên cứu để xây dựng lại chiến lược, đầu tư từ cấp lãnh đạo ngành. Chúng ta cần có nhiều giải đấu, thậm chí đi ra quốc tế, để thi đấu cọ xát. Còn cá nhân các VĐV trẻ cần tự cố gắng, tích lũy và tìm động lực phát triển, có thế mới tiến bộ được.
- Thành công trong quá khứ cũng từ khổ luyện, chứ tài năng chỉ là một phần nhỏ. Đi ra ngoài thế giới mới thấy nhiều lối cách, phong cách, thậm chí sự đa dạng, mở mang kiến thức võ học. Từ điểm nhìn ấy càng khổ luyện, tập luyện nhiều hơn để có thể so tài với đối thủ. Tâm nguyện tôi khi đi làm dạy VĐV trẻ cũng muốn bồi dưỡng cho những thế hệ VĐV trẻ phát triển. Nhưng nhìn lại số VĐV đàn em, tôi vẫn chưa thấy một cá nhân nào nổi trội. Cuộc sống bây giờ có nhiều sức hút khiến các VĐV không phải lúc nào cũng tập trung hoàn toàn cho việc trau dồi. Chưa kể họ chưa thực sự xây dựng cá tính, lối đánh của riêng mình. Đó thực sự là điều tôi chưa vui vào lúc này.
* Nhìn Huỳnh Châu và nhất là Diệu Linh thất bại quá nhanh chóng, dù nhận được kỳ vọng có huy chương, chị tiếc nhất cho cả 2 điều gì? Theo chị, tại sao Huỳnh Châu và Diệu Linh lại nhập cuộc thiếu tính tự tin đến thế?
- Diệu Linh tuổi mới 18, lại chịu áp lực có huy chương nên không dễ gì. Linh còn non kém về trận mạc nên thua trước đối thủ vô địch châu Âu không quá khó hiểu. Còn VĐV Huỳnh Châu thì tự tin, mạnh mẽ hơn. Dù đã cố gắng những cả 2 còn ở khoảng cách so với đối thủ.Nhưng thật ra đấu trường Olympic đâu phải đơn giản, tất cả đối thủ đều bằng mình và giỏi hơn mình. Hy vọng từ thất bại nặng nề ở Olympic, cả Huỳnh Châu và Diệu Linh tự đúc rút kinh nghiệm để bước tiếp. Riêng chúng ta cần phải tạo điều kiện nhiều hơn cho các em tham gia các giải thi đấu lớn, để tích lũy kinh nghiệm cũng như tâm lý.
* Trở lại mcột chút đời sống cá nhân, sau tấm HCB Olympic 2000 đến nay, cuộc sống của chị ra sao? Không chỉ gia đình mà công việc thực sự an tâm chưa?
- Sau Olympic 2000, tôi cũng chính thức kết thúc sự nghiệp VĐV. Tôi lập gia đình rồi chuyển công tác ở phòng tài chính tại Trung tâm đào tạo VĐV võ thuật TP.HCM và tham gia huấn luyện VĐV trẻ. Tất nhiên trong lòng còn có dự định, hoài bão lớn. Nhưng nhìn chung tôi vẫn hài lòng với những việc mình đã làm.
- Tôi đã có 8 năm trong ĐTQG và đóng góp không ít thành tích cho thể thao nước nhà. Đã có 3 lần dự định xin nghỉ vì các lý do như là chấn thương, chuyện kinh doanh của gia đình. Tuy nhiên tình yêu với thảm đấu níu kéo tôi ở lại. Tôi đã quyết định thi đấu xong Olympic Sydney 2000, dù có huy chương hay không thì tôi cũng nghỉ. May mắn trước khi giã từ sàn đấu mà mình được quá toại nguyện với tấm HCB lịch sử. Qua nhiều thăng trầm với nghề, tôi chỉ mong cuộc sống cứ bình thường như mọi người. Còn sự nghiệp đào tạo trẻ, tôi mong tìm VĐV có tố chất, tài năng để hướng đến hy vọng một ngày nào đó TTVN sẽ có được huy chương tại Olympic. Nếu đó là HCV thì quả thật tuyệt vời cho sự nghiệp gõ đầu trẻ ở môn taekwondo của tôi.
* Xin cảm ơn chị về cuộc trao đổi và chúc chị hạnh phúc tiếp tục có nhiều đóng góp cho taekwondo VN!
Bảng thành tích của cựu VĐV Trần Hiếu Ngân: HCV SEA Games 18 (1995), HCB châu Á, HCV Đông Nam Á (1996), HCĐ SEA Games 19 (1997), HCV châu Á, HCĐ Asian Games 1998, HCB SEA Games 20 (1999), HCB Olympic Sydney (2000). |