Djokovic đang thiếu tự tin khi bước vào Roland Garros 2024?
Chỉ có một câu trả lời cho quyết định ấy: Djokovic cảm thấy anh chưa "làm nóng" đủ cho Roland Garros 2024. Ngoài ra, một danh hiệu ở thời điểm này – dù chỉ cấp độ ATP 250 – là rất đáng quý với Nole.
Khởi đầu chậm chạp của Djokovic
Mùa giải sắp trôi qua nửa chặng đường, Djokovic vẫn chưa giành được chức vô địch nào. Đó là một dấu hiệu tương đối đáng lo đối với một chuyên gia săn danh hiệu như anh.
Djokovic đến Melbourne với tư cách đương kim vô địch và là ứng viên số một của Australian Open. Nhưng tham vọng lần thứ 11 đăng quang của anh đã chấm dứt ở bán kết khi thua Jannik Sinner – tay vợt sau đó lên ngôi. Sau một quãng nghỉ để tiêu hóa thất bại ấy, Djokovic trở lại ở Indian Wells Masters để rồi nhận thêm một cú sốc khác: Bị tay vợt hạng 123 thế giới Luca Nardi đánh bại ở vòng 3.
Phong độ bất ổn của Djokovic đã lan sang cả mùa giải đất nện. Anh bị Casper Ruud loại ở bán kết Monte Carlo Masters, và mới đây nhất bị đối thủ ít tên tuổi Alejandro Tabilo loại ở vòng 3 Rome Masters.
Từ đầu mùa, thành tích của Djokovic là 12 thắng – 5 thua, và anh không lọt vào nổi một trận chung kết nào, chứ đừng nói vô địch. Tính riêng ở mùa giải đất nện, thành tích của Nole là 4 thắng – 2 thua. Đó rõ ràng không phải là phong độ của tay vợt đang xếp số một thế giới, và đang nắm giữ kỷ lục 24 Grand Slam.
Mới mùa giải trước thôi, Djokovic còn giành 3 Grand Slam cộng thêm một chức vô địch ATP Finals. Anh là người mạnh mẽ nhất còn trụ lại của Big Three, và được coi như cái bóng quá lớn với thế hệ kế cận.
Nhưng dường như đã có những dấu hiệu của tuổi tác khi anh sắp bước sang tuổi 37 (vào ngày 22/5). Cần nhắc lại rằng, cả Federer và Nadal đều không giành thêm danh hiệu Grand Slam nào sau khi bước qua tuổi 36. Nole cũng không phải ngoại lệ?
Bài test cuối ở Geneva?
Đây mới là lần đầu tiên Djokovic tham dự giải Geneva Open, giải đấu khai mạc chỉ một tuần trước khi diễn ra Roland Garros. Anh đã chấp nhận suất wild card của ban tổ chức và dĩ nhiên là ứng viên số một, trên những Casper Ruud, Taylor Fritz, Ben Shelton, Jack Draper, Andy Murray. Nicolas Jarry, người vừa về nhì ở Rome, là đương kim vô địch nhưng quyết định không tham dự để giữ sức cho Roland Garros.
Ngoại trừ nhất quyết chuyện tiêm vaccine ngừa Covid-19, Djokovic không phải người quá cố chấp. Anh dám thay đổi khi cần thiết, và việc tham dự giải ATP 250 này là một minh chứng. Đơn giản vì Djokovic cần một bài test nữa trước thềm Roland Garros.
Dù thi đấu ở Geneva Open có thể tiềm ẩn một số mối lo, nhất là về thể trạng, do nó quá cận kề Roland Garros, nhưng để lấy lại phong độ, Djokovic chấp nhận rủi ro ấy.
Thực tế thì do phong độ không tốt ở mùa giải này nên Djokovic cũng không bị rơi vào trạng thái phải cày ải với mật độ dày. Ở trận thua gần nhất tại vòng 3 Rome Masters, anh thậm chí còn chỉ ở trên sân đấu vỏn vẹn 67 phút.
Nếu thi đấu đủ 4 trận ở Geneva, đó sẽ là một cơ hội tuyệt vời để Nole lấy lại cảm giác. Và với việc có khá nhiều tay vợt tên tuổi tham dự, chưa chắc đây đã là màn dạo chơi của Djokovic. Anh có thể đụng Andy Murray ngay vòng 2, còn tại vòng 3 có thể là Denis Shapovalov. Vòng bán kết có thể là một thử thách mang tên Taylor Fritz, còn đến chung kết, có lẽ Casper Ruud hoặc Ben Shelton sẽ chờ anh ở đó.
Thực ra, đây không phải lần đầu tiên, Djokovic tham dự một giải khởi động sát với Roland Garros. Năm 2021, sau khi thua Nadal ở chung kết Rome Masters, Djokovic quyết định dự giải ATP 250 ở quê nhà Belgrade và vô địch mà chỉ thua đúng một set.
Đó là bước chạy đà hoàn hảo để ngay sau đó, Nole vô địch Roland Garros 2021 (thắng Tsitsipas ở chung kết). Trái với mùa giải này, ở năm 2021 ấy, Djokovic chơi cực ấn tượng khi lọt vào cả 4 trận chung kết Grand Slam và 3 lần vô địch.