Văn hóa xếp hàng phải bắt đầu từ ai?
(Thethaovanhoa.vn) - Đầu năm mới, chứng kiến cảnh chen lấn, xô đẩy ở khắp nơi, người ta lại bàn về văn hóa xếp hàng của người Việt mình.
- Chen lấn trong đêm Giao thừa: Thiếu quảng trường hay kém ý thức nơi công cộng?
- Chen lấn, xô đẩy vay tiền đầu năm
Một hình thức chen lấn kinh hoàng nhất, là nguồn gốc của hầu hết các vụ tai nạn thương tâm, đó là chen lấn trên đường đi. Đường xá có luật lệ hẳn hoi, có quy tắc nhường đường, ai cũng biết, nhưng dù bạn đi thế nào thì vẫn thường xuyên gặp những kẻ bóp còi inh ỏi, nháy đèn loạn xạ phía sau bắt bạn phải nhường đường.
Tôi đã từng làm một trắc nghiệm: đi trên đường cao tốc, đúng làn đường của mình, đi vừa hết tốc độ tối đa. Vậy mà vẫn có xe xin vượt. Những xe xin vượt đó đương nhiên đã đi quá tốc độ mà không cần phải dùng súng bắn tốc độ cũng biết.
Nhưng xin hỏi, bạn đã từng chen lấn, xô đẩy chưa? Nếu bạn nói chưa bao giờ thì quả thực tôi không tin lắm.
Có lần tại một hội chợ Noel ở Berlin, tôi vào một quầy bán đồ ăn nhanh. Tất nhiên, tôi đã được “giáo dục cấp tốc” một khóa về văn hóa xếp hàng ở nước bạn để không vô tình hay cố ý làm “nhục quốc thể”. Quầy bánh mỳ kẹp xúc xích chỉ mỗi một người đang chờ mà có tới 2 người bán hàng. Thấy một trong 2 người bán có vẻ đang “nhàn rỗi”, tôi táp vào gọi một suất. Anh ta lạnh lùng nói “You, second” (bạn thứ 2). Tôi mới hiểu ra rằng, cả 2 người bán hàng khi đó đều phục vụ cho người đến trước (Một người mổ bánh mỳ, một người rán xúc xích). Chỉ khi xong người đến trước thì mới đến người đến sau. Họ không vội vã. Không chiều khách, thỏa mãn khách bằng mọi giá.
Rõ ràng, ở đây không chỉ có cái văn hóa xếp hàng mà còn có cả cái văn hóa bán hàng nữa. Từ bài học đó, giờ đây, khi vào quán ăn, khi thấy quán đông khách, tôi không dám quát tháo, thúc giục người phục vụ nữa. Mình là Thượng đế, nhưng còn có những Thượng đế đến trước.
Không phải ai cũng thiếu ý thức xếp hàng. Tất cả chúng ta đều đã học bài tập đọc “Lênin trong hiệu cắt tóc”, kể lại việc Lênin thong thả đợi đến lượt mình. Chỉ đến khi một trong số các anh công nhân trong quán cắt tóc phải kêu lên “Đồng chí Lênin giờ đã đến lượt tôi. Tôi thà để 5 năm không cắt tóc chứ không để đồng chí đợi thêm một phút nào nữa. Tuy đồng chí không muốn làm mất trật tự, nhưng tôi có quyền nhường chỗ và đổi chỗ cho đồng chí. Đó là quyền của tôi”. Lúc đó Lênin mới chịu ngồi vào ghế cắt tóc.
Thế nhưng, tại sao, trong khá nhiều trường hợp, chúng ta cũng phải chặc lưỡi chấp nhận chen lấn?
Là bởi vì việc xếp hàng không đến từ một phía, những người sử dụng dịch vụ, mà còn phải đến từ cả phía bên kia, người cung cấp dịch vụ. Nếu quầy vé không phát số hoặc không tổ chức cho người mua xếp hàng theo đường zích zắc vào quầy. Quầy vé chỉ có một cái cửa tò vò bé tí, trong đó có quá ít nhân viên thò tay ra thu tiền, trả vé, thì đương nhiên hàng trăm hàng ngàn người cần mua vé sẽ phải bu lại xung quanh.
Hay ở bệnh viện, người nhà bệnh nhân chạy như ong vỡ tổ không biết phòng nào ra phòng nào, mà quầy nào cũng bu kín toàn người. Không xông vào thì liệu đến tối, người nhà chúng ta có đến lượt khám không?
Văn hóa xếp hàng phải bắt đầu từ cơ chế xếp hàng. Tiếp đó phải có sức mạnh tổ chức để giám sát cơ chế đó. Khi người phục vụ vì nể nang, vì quen biết, hoặc vì tùy tiện giải quyết cho một trường hợp phá hàng sẽ gây bức xúc cho những người còn lại.
Nói chung, không quá khó khăn để mọi người bình tĩnh xếp hàng, nếu họ hiểu rằng, cứ xếp hàng thì sẽ đến lượt mình, và không có ai phá hàng cả, không có sự bất công ở xung quanh.
Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa