Từ những 'cú vấp' văn hóa
(Thethaovanhoa.vn) - Toàn bộ ấn phẩm tháng 11 của tạp chí Heritage Fashion (thuộc Vietnam Airlines) đã bị thu hồi sau khi có phản ứng từ một hành khách nước ngoài khi người mẫu trên bìa tạp chí trong bộ áo dài có in hình ngôi chùa được cho là Chùa Vàng - chùa thiêng ở Myanmar.
- Chùa Vàng trong tâm khảm người Myanmar
- Vụ chùa Vàng trên áo dài: Cần tôn trọng tập tục, văn hóa của nước bạn
GS Hoàng Chương (Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn & Phát huy văn hóa dân tộc): Hiểu người cũng là một cách hiểu mình
Khi đến với những nền văn hóa khác, câu chuyện luôn bắt đầu ở chính chúng ta - trong cách hiểu, cách nghĩ và trong sự trải nghiệm để biết bạn bè thế giới muốn được thấy gì, xem gì, chia sẻ gì ở mình. Nhiệm vụ ấy phức tạp và không bao giờ có chỗ cho sự dập khuôn, máy móc. Và càng không có chỗ cho sự cải biến, bắt chước theo văn hóa của nước bạn một cách vụng về.
Tháng trước, tôi được xem hình ảnh một “cô búp bê” khổng lồ mặc áo dài Việt Nam tại Nhật Bản, trong sự kiện quảng bá của một hãng hàng không Việt Nam. Điều đáng nói: những “búp bê” ấy ngộ nghĩnh bao nhiêu khi khoác những bộ đồ hiện đại của Nhật Bản thì lại trở thành kệch cỡm, cứng nhắc bấy nhiêu trong tà áo dài Việt Nam. Bởi, sự mềm mại, duyên dáng của áo dài không có “đất” trình diễn ở những mô hình cỡ lớn, tạo dáng theo phong cách công nghiệp và hiện đại như thế.
Mỗi nước có một cách hiểu, một cách nhìn riêng về văn hóa. Không chú ý tới sự khác biệt ấy, chúng ta rất dễ rơi vào cảnh giới thiệu văn hóa Việt một cách dễ dãi, hời hợt. Chẳng hạn, từng đưa văn hóa Việt sang giao lưu tại Romania, Nga và Mỹ, tôi nhận thấy khán giả tại đây rất hào hứng thích thú nếu chúng ta để những cô gái bản địa (Romania hoặc Mỹ) khoác tà áo dài Việt Nam lên mình. Nhưng tại Nga, với cách nhìn riêng của họ về trang phục truyền thống, hình như họ lại thích nhìn tà áo dài trên mình những cô gái Việt.
Hoặc, trong những lần đưa nghệ thuật tuồng sang giới thiệu tại Mỹ, tôi nhận ra: điều mà khán giả quan tâm nhất ở loại hình sân khấu này là câu hỏi: Tuồng Việt Nam khác với kinh kịch Trung Quốc và kịch noh Nhật Bản thế nào - khi tất cả đều nằm trong một mặt bằng của sân khấu phương Đông? Diễn giải và trả lời được câu hỏi ấy là điều quan trọng nhất, thay vì giới thiệu quá lê thê, dài dòng về lịch sử của tuồng.
Tương tự, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo là trích đoạn hay được biểu diễn tại nước ngoài nhất. “Chìa khóa” để có được sự đồng cảm từ khán giả thế giới là ý nghĩa triết học của nó: sự biến đổi đau đớn từ con người thành con vật khi đánh mất “phẩm chất” người của mình. Thế nhưng, có những nghệ sĩ chỉ mải “biểu diễn” phần lăn lộn, biến hình của Hồ Nguyệt Cô mà không chú trọng tới những giằng xé đau đớn về nội tâm của nhân vật này.
Về âm nhạc, có những thời điểm, chúng ta có thể biểu diễn piano, violon để chia sẻ với bè bạn quốc tế về khả năng của Việt Nam trong dòng âm nhạc hàn lâm. Nhưng, nếu giao lưu và chơi những bản dân ca, dân vũ truyền thống của họ, nhạc cụ truyền thống lại vô cùng hữu dụng.
Tôi đã từng thấy những khán giả Mexico và Mỹ phấn khích vô cùng, khi chứng kiến các bản dân ca truyền thống của mình được chơi chỉ bằng một cái cần (đàn nhị) hoặc mấy ống tre (đàn t’rưng).
Về ẩm thực Việt, chúng ta hay nói nhiều tới nem rán. Nhưng, nem rán Việt Nam chỉ phù hợp để giới thiệu với bạn như một món “ăn chơi”, nếm vài ba chiếc đủ để thực khách ấn tượng và… thòm thèm. Dọn cho họ một đĩa nem tú ụ, và là loại nem “công nghiệp” làm sẵn hàng loạt, tôi e rằng đó là cách làm hơi nặng tính thương mại và dễ dãi.
Mỗi quốc gia đều có một nền văn hóa riêng. Và, dù rất đặc sắc, văn hóa Việt Nam vẫn chỉ là một con thuyền nhỏ, giữa biển văn hóa khổng lồ của nhân loại. Tôi vẫn nói vui rằng chúng ta muốn giới thiệu, muốn quảng bá về văn hóa Việt thì phải bơi trên con thuyền nhỏ ấy để tới các bến bờ.
Trần Việt Anh (chàng trai 25 tuổi đang đạp xe vòng quanh Đông Nam Á): Thiếu hiểu biết nên thiếu ý thức bảo vệ văn hóa dân tộc
Qua phản ứng của hành khách Myanmar về tấm hình trên tạp chí của Vietnam Airlines, có thể thấy ngay việc người Myanmar có ý thức giữ gìn hình ảnh di sản văn hóa của họ.
Bất cứ ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy bản sắc Myanmar khi mới đặt chân tới đất nước này. Nhưng mặt trái của nó là kinh tế và cơ sở hạ tầng kém phát triển. Nhìn lại đất nước mình, tôi nghĩ nghìn năm đô hộ, nhiều thế kỷ bị xâm chiếm và quá trình hội nhập đã khiến bản sắc phai nhạt.
Trần Việt Anh
Người trẻ như tôi không còn nghĩ nhiều về việc gìn giữ và bảo vệ bản sắc nữa. “Bản sắc văn hóa của người Việt là gì?” - câu hỏi này tôi cũng không rõ phải trả lời thế nào. Ngoài áo dài, nón lá... Vì sự thiếu hiểu biết ấy, tôi nghĩ nó dẫn đến sự thiếu ý thức bảo vệ văn hóa dân tộc.
Sự thiếu hiểu biết này có nguyên nhân chính là không được giáo dục. Phụ nữ Lào, Campuchia họ vẫn mặc váy cổ truyền mỗi ngày. Còn đất nước mình, vì đa dân tộc, đa bản sắc nên hơi khó để chọn ra văn hóa chung cho người Việt. Các dân tộc khác ở Việt Nam gìn giữ rất tốt, như người H’Mong, Thái đen, Dao... ở vùng cao. Nhưng cũng rất nhiều di sản đang dần mai một như cồng chiêng ở Tây Nguyên.
Về bản thân tôi, khi đạp xe qua các nước Đông Nam Á, tôi treo lá cờ đỏ sao vàng trước xe vì đó là Quốc kỳ, thứ giúp người dân các nước dễ nhận ra Việt Nam nhất. Còn bạn tôi, cô ấy cũng sắp đi du lịch các nước Đông Nam Á và mang theo áo dài để chụp ảnh ở mỗi quốc gia cô ấy đi qua. Hay các bạn trẻ trong nước đi phượt, đi du lịch bụi, họ mặc áo cờ đỏ sao vàng. Những người trẻ chúng tôi cũng ý thức về việc giữ gìn hình ảnh và thể hiện tình yêu Tổ quốc đấy chứ.
Chỉ có điều, chúng tôi mong có nhiều cơ hội để hiểu rõ hơn bản sắc văn hóa Việt, đưa những hình ảnh đẹp đẽ ấy đến với bạn bè thế giới và tôi tin rằng những người bạn quốc tế cũng sẽ rất thích Việt Nam như tôi thích người Myanmar mặc longyi, bôi samakha, nhai trầu mỗi ngày.