Chùa Vàng trong tâm khảm người Myanmar
(Thethaovanhoa.vn) - Chùa Shwedagon, hay còn gọi là chùa Vàng, là chốn linh thiêng nhất ở cố đô Yangon của Myanmar. Đây cũng là ngôi chùa Phật giáo linh thiêng nhất đất nước này.
Trong cả ban ngày và đêm tối, ánh sáng từ ngôi chùa có thể được nhìn thấy từ mọi điểm trong thành phố cổ kính.
Blog du lịch Ursula’s Weekly Wanders gọi ngôi chùa là “trái tim của Myanmar”. Còn từ năm 1889, nhà văn Anh nổi tiếng Rudyard Kipling đã mô tả: “Và kia, một bí ẩn vàng kim tự nâng mình lên khỏi đường chân trời, môt kỳ quan lấp lánh sáng chói dưới ánh mặt trời, một hình dáng không phải là mái vòm Hồi giáo lẫn chóp đền đạo Hindu”.
Nữ du khách Carolina Ayerbe thì viết: “Khi tôi nhìn thấy hình ảnh của nó, tôi vô cùng kinh ngạc. Ngôi chùa trông như thể không thuộc về thế giới này”. Một vẻ đẹp tráng lệ không thể lẫn vào đâu được.
Không thể tả hết lòng tôn kính
Huyền thoại nói rằng ngôi chùa được xây cách đây 2.600 năm, và như vậy, được xem là ngôi chùa cổ xưa nhất thế giới. Đến thăm chùa, người ta cần tới hai lần vào ban ngày và ban đêm thì mới thấy vừa đủ vẻ đẹp.“Vừa đủ” chứ chưa hẳn là hết.
Bởi, Shwedagon có cả độ sâu rộng về diện tích, hình dáng lẫn lịch sử cùng những chi tiết phức tạp đến khó tin, đủ để người tham quan phải dành nhiều thời gian thưởng thức.
Riêng đỉnh tháp trung tâm được khảm 5.448 viên kim cương và 2.317 viên đá quý. Độ tinh tế còn được thể hiện ở chỗ, khi đứng vào vị trí có 5 ghi màu sắc tương ứng trên sân, người xem sẽ nhìn thấy viên đá quý trên đỉnh tháp phát ra màu đó.
Các nhà khảo cổ tin rằng bên trong những bức tường mạ vàng là một kiến trúc có lịch sử còn lâu đời hơn nữa. Đây cũng là nơi lưu giữ 8 sợi tóc của Phật Thích Ca.
Ngoài lịch sử, ảnh hưởng của chùa Shwedagon vẫn được thể hiện trong đời sống Myanmar đương đại. Sau khi Myanmar mở cửa đón du lịch, lượng du khách đến thăm chùa đã tăng từng năm, lên đến hàng trăm du khách mỗi ngày.
Đến thăm ngôi chùa này, du khách mặc váy ngắn hoặc quần đùi sẽ phải quấn thêm những tấm vải trông như sa rông để che đi đôi chân. Họ cũng phải bỏ giày dép và tất trước khi bước vào tham quan.
Lễ Hoa đăng cuối tháng 10 vừa qua, hàng nghìn Phật tử đã tề tựu tại chùa để cầu nguyện, thắp nến để tỏ lòng kính trọng các nhà sư và thả hoa đăng. Hàng triệu cây nến lung linh trong không gian chùa dát vàng tạo nên cảnh tượng lộng lẫy và kỳ ảo.
Sau 2.600 năm, ngôi chùa vẫn vươn cao kiêu hãnh, đặc biệt là qua những góc chụp hướng lên bầu trời, như một biểu tượng cho sự trường tồn và hy vọng vào tương lai của đất nước Myanmar.
Va chạm văn hóa đáng tiếc với Việt Nam
Ngôi chùa Shwedagon vừa được chọn làm họa tiết áo dài Việt Nam, trong bộ trang phục do người mẫu Hồng Quế mặc trên bìa tạp chí Heritage Fashion số tháng 11/2015.
Hình ảnh này bị cư dân mạng Myanmar phản đối dữ dội sau khi được một nhà sư đưa lên Facebook cá nhân. Nhưng trên Facebook này, khi bày tỏ sự tức giận, nhiều cư dân mạng Myanmar cũng cho thấy họ đánh giá thấp giá trị văn hóa của áo dài Việt Nam.
Trong thông báo xin lỗi và thu hồi số tạp chí này trên các chuyến bay, hãng hàng không Vietnam Airlines đã thừa nhận: “Chúng tôi có ý định tốt đẹp nhưng đã không nhận ra sự khác biệt trong thái độ tôn kính những biểu tượng tôn giáo ở mỗi quốc gia”. Nghĩa là, cũng là với thái độ tôn kính nhưng cách thể hiện lại gây ra sự đối chọi. Điều này để lại kinh nghiệm thấm thía cho những người làm văn hóa.
Trong va chạm văn hóa, vấn đề khó cắt nghĩa nhất là cùng một hành động lại có những ý nghĩa khác nhau với 2 nền văn hóa. Trong khi người Việt Nam cho rằng chọn họa tiết in lên áo dài là hành động tôn vinh và trân trọng, thì người Myanmar lại cho rằng ở đây, nhà thiết kế áo dài đã xúc phạm văn hóa của họ.
Điều ít nhất người dân ở những nền văn hóa khác nhau có thể làm là cố gắng tìm hiểu văn hóa của nhau để tránh va chạm. Nếu như một số người Myanmar gọi áo dài là “trang phục phụ nữ” với ý coi nhẹ, thì nhiều người Việt cũng chưa thấu hiểu giá trị của ngôi chùa vàng Shwedagon.
Nha Đam (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa