'Thủ phạm' là chiếc ô tô hay xe máy?
(Thethaovanhoa.vn) - Vừa rồi, xã hội bùng lên tranh cãi về Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc trên địa bàn thành phố" do Sở GTVT Hà Nội đưa ra lấy ý kiến các chuyên gia.
Giao thông hai đô thị lớn nhất nước là Hà Nội và TP. HCM nhiều năm qua thực sự đã trở thành cơn "ác mộng" đối với cư dân 2 thành phố. Sau nhiều năm, nhiều tiền và nhiều giải pháp được đưa ra vẫn không thể "giải cứu" người dân khỏi ma trận giao thông.
Ai sống các đô thị này đều thấy, sau 8 giờ vàng ngọc, nếu đi xe máy về đến nhà theo đúng giờ cao điểm thì thực sự nghẹt thở sau trận tắc đường nồng nặc khói bụi. Quá nhiều xe máy, mạnh ai nấy chen. Nhiều tờ báo Tây đăng bài, ảnh gọi đó là “ác mộng giao thông” ở Việt Nam. Họ gọi một “biển” xe máy hỗn loạn như một "đặc sản" rất Hà Nội.
Nhiều tuyến đường ở Hà Nội thường xuyên tắc nghẽn. Ảnh: Vietnam+
Nhưng thủ phạm chắc chắn không chỉ xe máy, tình hình còn có thể tồi tệ hơn với ô tô. Ngày hôm qua, trên tạp chí kinh tế uy tín nước Anh "The Economist", các chuyên gia kinh tế nước ngoài nhận định nạn tắc đường tại TP. HCM, Hà Nội sẽ trầm trọng hơn trước sự bùng nổ doanh số ô tô hiện nay.
Họ cho rằng TP. HCM, Hà Nội khá chật chội so với những đô thị ở các nước láng giềng. Cơ sở hạ tầng không theo kịp tiến độ phát triển. Viễn cảnh tắc cứng đường sá, giao thông tê liệt hoàn toàn sẽ là một thực tế không xa trong tương lai.
Và cũng hôm qua, trên báo Tây, tờ Wallstreetdaily nói rằng các nhà sản xuất xe hơi lớn thế giới như Mercedes, Toyota khá sững sờ trước sự bứt phá về doanh số bán xe hơi của Việt Nam trong 3 năm trở lại đây. Trong khi năm 2011, Ngân hàng Thế giới từng cảnh báo chỉ cần lượng xe hơi ở Việt Nam đạt mức vừa phải như tại Malaysia, toàn bộ giao thông tại Hà Nội sẽ rơi vào tình trạng tê liệt.
Xe máy dù sao cũng đã ở mức bão hòa, mỗi người một chiếc, mỗi nhà vài chiếc rồi. “Kẻ thù tương lai” của giao thông Hà Nội là những chiếc xe hơi đời mới bóng loáng.
Với độ thoải mái và an toàn, sự nhìn nhận về địa vị, những chiếc xe hơi đã trở thành giấc mơ của nhiều người. Mơ cũng phải, khi mà xe máy là phương tiện nguy hiểm nhất trên đường. Bây giờ, tai nạn giao thông, nạn nhân chủ yếu đi xe máy. Truyền hình với sự tài trợ của công ty bán xe máy lớn nhất, có phát “Tôi yêu Việt Nam” bao nhiêu năm nữa cũng chưa thể thay đổi được điều đó.
Bất chấp thuế, phí cao như cắt cổ người ta vẫn mua xe hơi rầm rầm. Thêm nữa, dân mình lòng tự ái cao. Họ hàng có ôtô thì mình cũng phải có, đồng nghiệp có ô tô thì mình cũng phải có. Không chỉ là phương tiện đi lại, đấy là đẳng cấp, khi nhìn người bước xuống từ chiếc xe 4 bánh khác hẳn người chạy xe máy. Ở Hà Nội bây giờ có mốt, trong nhiều sự kiện, thiên hạ thà đi taxi còn hơn là phải lao xe máy đến. Vừa sang chảnh, vừa an toàn dù có tốn kém.
Nhưng lấy đâu ra đất cho xe hơi. Hà Nội, TP. HCM đang hở là xây. Những khu đô thị mới với những tòa chung cư đông nghịt, chất chồng. Người ngoại tỉnh ùa về kiếm sống. Rồi lại mua nhà, mua xe, rồi lại cùng nhau đổ ra các ngã tư đường phố. Dân thì cứ bám mặt đường mà họp chợ. Cái gì cũng muốn tiện, chỉ muốn ghé xe, nhấc mông móc ví và đi luôn.
Con đường giải quyết "ác mộng giao thông" đã tắc từ quy hoạch đến ý thức, chứ không phải do chiếc xe.
Thảo Vy
Thể thao & Văn hóa