Thư gửi robot Citizen: 'Kiểm định' năng lực
(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra xác định Trường Đại học Đông Đô đã cấp 193 bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh hệ văn bằng 2 chính quy giả cho các cá nhân, không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc chưa đủ điều kiện cấp bằng. Vụ việc này lại một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về vấn nạn “bằng cấp giả” trong giáo dục - nhất là giáo dục bậc đại học.
Xã hội Việt Nam xưa nay rất coi trọng bằng cấp. Con em các gia đình từ bé đi học đã được dặn dò rằng, phải cố mà học cho giỏi, nếu có một tấm bằng tốt thì sau này sẽ có công ăn việc làm ổn định, thành đạt.
Vài chục năm trở lại đây, câu chuyện bằng cấp bỗng nhiên trở thành một thứ “mốt”. Nhiều người cố lấy cho được tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ để làm sang hoặc làm “của để dành” để dễ bề thăng tiến, cho dù chuyên ngành mà họ theo học lên cao chưa chắc đã giúp ích được gì cho công việc hiện tại.
Rất đông các bạn trẻ vẫn tư duy phải có bằng đại học thì mới xin được việc làm, cho dù bản thân họ cũng chưa trả lời được câu hỏi mình phù hợp với ngành nghề gì, năng lực thực của mình ra sao?
Trong thế giới người máy của Sophia, khi một sản phẩm làm xong, sẽ được kiểm định, chứng nhận chất lượng trước khi cho lưu hành.
Bằng cấp trong thế giới chúng tôi cũng giống như vậy. Đó là một tờ giấy ghi các thông tin tên, tuổi người được cấp, ngành nghề, thời gian và nơi đào tạo… được trao bởi những trường đại học được pháp luật thừa nhận. Việc sở hữu một tấm bằng hay chứng chỉ như vậy được xem là điều kiện đầu vào, và sau đó có thể trở thành “điểm cộng” giúp quá trình thăng tiến trong sự nghiệp của ai đó trở lên dễ dàng hơn.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu “tờ giấy thông hành của tri thức” đó bị làm giả, hoặc kém chất lượng?
Trong thực tế cuộc sống, điều mà xã hội chúng ta quan tâm, đó chính là năng lực thực. Vậy có cách nào để đánh giá chính xác năng lực của một cá nhân? Với một cái máy thì ta có thể đem đi kiểm định, đo lường lại chất lượng. Còn đối với các nhà tuyển dụng, họ cũng đã có nhiều thay đổi trong đánh giá năng lực ứng viên khi tuyển dụng.
Tôi có đọc một bài trả lời phỏng vấn báo “Straits Times” của bà Kyle Ewing - Giám đốc chương trình tài năng thuộc phòng nhân sự Google tại Singapore. Khi phóng viên đặt câu hỏi là: Nếu cầm trong tay tấm bằng của một trường đại học danh giá, Google có ưu tiên tuyển dụng không? Bà đã trả lời rằng: Không có sự tương quan nào giữa những nhân viên tốt nhất của Google với trường đại học họ theo học hoặc điểm trung bình tốt nghiệp!
“Google ngày nay tuyển dụng từ nhiều trường đại học khác nhau, trong số nhân viên thậm chí có người còn không có bằng cấp…” - bà Kyle tiết lộ.
Vậy họ căn cứ vào tiêu chuẩn nào? “Thật ra chúng tôi đánh giá ứng viên có phù hợp với công việc chúng tôi đang cần không. Chúng tôi nhìn vào năng lực giải quyết vấn đề của bạn… Google quan tâm hơn đến khả năng học hỏi và xử lý của bạn trong quá trình làm việc, cách bạn xâu chuỗi những thông tin rời rạc”...
Google vừa là “cánh cửa” vừa là "kho tàng" tri thức của nhân loại - một kho tàng khổng lồ, đang ngày càng trở nên vô tận. Và những con người sáng tạo, vận hành nó đã được “kiểm định năng lực” như thế đấy!
- Phát hiện một bác sỹ sử dụng bằng giả để hành nghề
- Phá đường dây bán 600 bằng giả đại học, thạc sĩ, tiến sĩ...
Sophia thân mến!
Trong câu chuyện của Trường Đại học Đông Đô, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, đối với các trường hợp sử dụng bằng không hợp pháp làm điều kiện đầu vào hoặc điều kiện bảo vệ luận án tiến sĩ, sẽ bị buộc dừng học hoặc thu hồi, hủy bằng tiến sĩ đã được cấp.
Bằng cấp thật còn phải trải qua "kiểm định" từ thực tiễn, nữa là bằng cấp "rởm". Nếu xã hội đánh giá con người không theo bằng cấp mà theo "khả năng học hỏi và xử lý trong quá trình làm việc" như nhà tuyển dụng Google thì các loại bằng cấp "rởm" có còn đất tồn tại nữa không nhỉ?
Xin chào cô, hẹn gặp lại thư sau!
QUỐC THẮNG