Thư gửi robot Citizen: Chỉ cần biết thương nhau!
(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Sài Gòn vẫn yên lặng quá. Thi thoảng tiếng còi xe cứu thương lại rú lên khiến cả con phố như giật mình bừng tỉnh.
Tôi viết thư này khi đang ngồi một mình trong căn phòng trọ, mân mê từng con chữ được nhắn gửi kèm gói bưu phẩm mà nước mắt nhòe mi: “Thương gửi em, cựu sinh viên đang giữa tâm dịch, từ hậu phương Báo chí Huế!”.
Những hộp cá cơm rim lạc mà một số thầy cô khoa Báo chí Đại học Khoa học Huế tự tay làm, đóng hộp kỹ càng theo chuyến xe sớm vào Sài Gòn. Có lẽ đấy là 1 trong những món quà ấn tượng nhất trong đời tôi. Nó đến trong lúc tôi cũng như nhiều người đang khó khăn nhất vì sự hoành hành của dịch. Khi tôi đang nhớ Huế cùng những kỷ niệm cứ luôn nhảy múa trước mắt. Mùa tựu trường sắp đến, Huế của tôi ơi! “Mùi quê hương”, gói quà - một sợi dây liên kết thiêng liêng khiến tôi nghẹn ngào…
Sophia biết không, không chỉ riêng thầy cô giáo của tôi, 2 tuần nay, bao hình ảnh được thấy và những câu chuyện được kể về tình cảm của bà con xứ Huế dành cho Sài Gòn nói chung, những người con tha hương như tôi, rất nhiều trên các phương tiện truyền thông. Những cuộc gọi từ bạn bè, người thân trong gia đình thì không đếm hết. Với Sài Gòn, tấm lòng người Huế rất mộc mạc. Đấy là những chuyến xe chở từng củ gừng, sả, quả bầu, bí… nhà trồng, hải sản xóm biển đánh bắt… đến nồi cá kho, những hũ ruốc sả, ruốc thịt thơm lừng… được gom góp gửi theo xe lăn bánh liên tục vào miền Nam thương yêu.
Trong tôi cũng dấy lên niềm tự hào khi Huế của tôi cũng có “chuyến bay nghĩa tình” chi viện 127 bác sĩ, y sĩ, nhân viên và sinh viên tình nguyện vào Sài Gòn, Đồng Tháp để hỗ trợ chống dịch Covid-19. Đoàn tham gia hỗ trợ công tác xét nghiệm và điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại các bệnh viện...
“Ai qua Trường Tiền trông vời phương Nam/ Nhạc Trịnh vấn vương tiếng chuông Thiên Mụ/ Huế như không ngủ, Sài Gòn yêu ơi…”, đấy là những từ rất lay động của ca khúc “Huế gửi Sài Gòn” đầy tâm tình thổn thức, do nhạc sĩ Lê Thống Nhất và thầy giáo Hoàng Ngọc Quý sáng tác, cũng là tiếng lòng của người Huế với Sài Gòn.
Huế đối đãi với nhau bằng tình yêu thương. Tương thân tương ái với thành phố bạn và dang tay đùm bọc, sẻ chia với người dân quê mình khi quyết định đón những công dân có nhu cầu từ Sài Gòn trở về địa phương, miễn giảm toàn bộ chi phí vận chuyển, xét nghiệm và cách ly tập trung. Dõi theo cả quá trình chống dịch, từ lúc khởi phát, tôi chứng kiến nỗi vất vả tột cùng của các anh chị trong Hội đồng hương Huế tại TP.HCM, họ tỏa đi khắp nơi để giúp đỡ đồng hương mình có thể.
Sophia thân mến!
Tôi vẫn tự hỏi, giờ này, bao nhiêu người con xứ Huế chưa về kịp như tôi, đang nghĩ gì. Lo lắng, dĩ nhiên là vậy bởi ngay cả người Sài Gòn cũng nào yên. Nhưng, tôi không quá bi quan bởi trong khó khăn tôi đã thấy tình người lại càng nở hoa. Mọi người trong khu trọ chia nhau từng miếng ăn, nhúm rau.
Chưa bao giờ tôi cảm thấy thương Sài Gòn đến thế. Sài Gòn đã cưu mang bao phận đời vất vả. Sài Gòn đang vẽ cho tôi giấc mơ khởi nghiệp. Chính tình thương, hành động tử tế giữa mùa dịch dã như thế này là một thứ “thần dược” tăng sức đề kháng, tăng hệ miễn dịch, thêm lạc quan, vững niềm tin cho tất cả chúng ta.
Chỉ cần biết thương nhau, chúng ta sẽ sống với nhau những ngày tháng bi tráng nhất trong cuộc đời. Chỉ cần biết thương nhau, bão giông nào ta cũng sẽ vững tâm bước qua và hướng về một ngày mai tốt đẹp. Rồi dịch sẽ qua, mọi thứ sẽ lại trở về trạng thái bình thường nhưng câu chuyện yêu thương vẫn còn đó, nhân rộng và vươn xa.
Tạm biệt Sophia, hẹn gặp thư sau!
Đặng Việt Trinh