Thư gửi robot Citizen: Lời ru nơi tuyến đầu
(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Tôi xin mượn tên ca khúc vừa sáng tác của nữ trung tá quân nhân chuyên nghiệp Vũ Thị Huyền Ngọc (Nhà Văn hóa, Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), lấy cảm hứng từ hình ảnh cô bé 20 tháng tuổi òa khóc, dang tay về phía mẹ đang xuất hiện trên truyền hình để đòi bế, khiến bao người rơi nước mắt. Người mẹ đó là nữ điều dưỡng Phùng Thị Hạnh (Bệnh viện Quân y 103) xung phong vào tuyến đầu chống dịch ở Bắc Giang.
"Ngủ đi con yêu đêm nay mẹ không về/ Nơi tuyến đầu Tổ quốc gọi tên/ Ngủ đi con yêu bao bệnh nhân nguy kịch từng giờ/ Từng mạng sống đang cần mẹ, con ơi!...”.
Những ngày này, khó có thể kể hết những trường hợp bi tráng như chị Hạnh. Cả nước đã và đang cử người đến những nơi dịch hoành hành. Những người tình nguyện trên tuyến đầu, ngoài chuyên môn, phải có lòng dũng cảm lớn lao, bởi những chuyến đi vào điểm nóng, phải nói thẳng là, không hẹn ngày trở về. Bởi, như chúng ta đã biết, số ca lây nhiễm đang gia tăng rất nhanh. Bắc Giang đã đưa 4.000 người đi cách ly tập trung. Hà Nội xây dựng phương án đáp ứng khả năng cách ly đến 4 vạn người ở xa trung tâm thành phố. TP.HCM vốn được đánh giá an toàn trong các đợt dịch trước, thì đùng một cái, số ca nhiễm tăng vọt.
Làm sao có thể yên tâm rời nhiệm vụ trở về với gia đình trong bối cảnh đồng bào mình đang oằn mình chống dịch. Đấy là chưa kể nguy hiểm luôn thường trực với bản thân các tình nguyện viên.
Hãy đặt mình trong hoàn cảnh các anh chị, thì mới thấm hết sự hy sinh to lớn của những người đã tự nguyện “gác tình riêng vì dân vì nước”.
Sophia thân mến!
Khi những cánh phượng hồng rực cháy báo hiệu mùa Hè đã sang, đồng nghĩa là mùa lãng mạn, mùa cho những chuyến nghỉ ngơi, nạp thêm năng lượng cho một chu kỳ mới của năm. Nhưng, còn có một thông điệp lớn lao “Mùa hè xanh”, ghi dấu ấn bằng những công trình của tuổi trẻ Việt Nam. Những chàng trai, cô gái đôi mươi háo hức tỏa đi khắp đất nước, nhất là những vùng sâu, xa, khó khăn để nhen lên những ngọn lửa yêu thương cho đồng bào.
Mấy chục năm rồi, thực tế, dấu ấn của các “chiến sĩ áo xanh Đoàn Thanh niên” rất rõ nét trong nỗ lực chung của toàn xã hội.
Chiều 2/6, Trung ương Đoàn tổ chức “Hội nghị trực tuyến giao ban công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi cụm Đoàn trực thuộc” 6 tháng đầu năm 2021. Tôi để ý đến thông báo của BTC: Gần 300 nghìn lượt đoàn viên thanh niên quân đội trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại 175 điểm cách ly cho 183.968 công dân; thực hiện nhiệm vụ hơn 1.600 chốt kiểm tra, kiểm soát đường mòn, lối mở ngăn chặn nhập cảnh trái phép... trong 6 tháng đầu năm 2021.
Tuổi trẻ Công an cũng tổ chức cho gần 1.000 cán bộ, y bác sĩ, đoàn viên thanh niên tăng cường tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh. Đấy là chưa kể đến đóng góp rất lớn của đoàn viên thanh niên các Bộ, ngành, địa phương… cho cuộc chiến chống dịch.
Sophia biết không, Đà Nẵng, thành phố thân yêu của tôi đã từng trải qua 2 đợt dịch bùng phát cực kỳ phức tạp. Tháng 7 năm ngoái, chúng tôi từng được chi viện từ đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai, các chuyên gia đầu ngành, các địa danh như Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Hải Phòng, Nghệ An. Tất cả cùng vào cuộc để rồi Đà Nẵng đã bình an trở lại.
Hiện nay, dịch đã bị đẩy lùi một cách ngoạn mục ở thành phố xinh tươi bên sông Hàn. Phải qua hiểm nghèo mới xác lập được kỹ năng chống dịch. Tôi nghĩ Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM sau đợt này rồi cũng ổn, mạnh mẽ lên nhiều.
Ngày đó vẫn còn phía trước, bây giờ, có lẽ trong những ước mong dung dị nhất của các anh chị nơi tuyến đầu, là có được giấc ngủ ngon. Bởi nắng nóng như mấy ngày qua, thực sự là cực hình với họ. Mai này tan dịch rồi, hãy tri ân họ thật xứng đáng, không chỉ là những tấm bằng khen.
Tạm biệt Sophia và hẹn thư sau!
Hữu Quý