Thư châu Âu: Một góc bánh chưng giữa trời Âu
Chẳng mấy hôm nữa, tôi lại có bánh chưng. Cán bộ các cơ quan đại diện của Việt Nam bên này cũng thế. Mỗi gia đình dăm ba chiếc, vuông vức, xanh màu lá dong và thơm mùi nếp, đúng kiểu Việt Nam, nghĩa là lá dong được chuyển từ nhà sang, lạt buộc cũng thế, người gói đương nhiên là người Việt, cái nồi tám to đùng, củi đun cũng như cái đêm dăm ba người ngồi trông nồi bánh trong bếp sứ quán cũng cũng giống như ở nhà. Có khác chăng là thịt lợn Italy, và cái khác lớn nhất, xung quanh là bầu không khí khác, họ khó có thể chia sẻ với ta về văn hóa liên quan đến nồi bánh chưng.
Đã qua rồi cái thời háo hức canh nồi bánh ngày giáp Tết. Trời rõ lạnh, nồi bánh sôi lục bục, phải ngồi canh để biết khi nào nước sắp cạn thì đổ thêm vào. Lũ thanh niên ngồi co ro bên bếp lửa mà kể đủ thứ chuyện đời, chuyện học, chuyện yêu đương và cả chuyện ma. Thế rồi có đứa ngủ thiếp lúc nào không biết nữa. Nhà tôi ngày xưa cũng luộc, nhưng bằng nồi áp suất. Xong mẻ nào mẹ cho lên mâm, bố lấy một đống từ điển dày cộp để đè lên trên. Thuở túng thiếu ấy cái gì cũng quý, và giờ đây, khi cái Tết không còn là một gánh nặng quá lớn như trước nữa, thì những ký ức ngày ấy lại ùa về khi chứng kiến mọi người đang hào hứng gói bánh chưng trong sứ quán.
Mấy năm trước, khi mới về nước, cái Tết đầu tiên của gia đình nhỏ của tôi cũng quanh một nồi bánh chưng luộc trong đêm 28 Tết trên sân thượng. Không phải vì tôi quá thèm bánh chưng - chủ yếu để con gái tôi hiểu về văn hóa dân tộc. Lúc ấy con bé mới 7 tuổi, và đã ra nước ngoài theo gia đình khi mới lên 3. Mà ở bên Italy này, người Việt mình ít, chỉ vài nghìn, không đông như ở Pháp, Đức hay các nước Đông Âu, nên cái Tết cũng buồn hơn.
Tết bây giờ ở Việt Nam chẳng thiếu thứ gì về vật chất, thì các gia đình lại thiếu những đứa con đang ở xa, đi học hay công tác hàng năm trời. Những đứa con xa ấy, như tôi, cũng đã đủ đầy về vật chất, đã không còn phải sống qua cái cảnh suốt ngày hóng bố mẹ mang về nào là mứt với trứng chim trong những hộp giấy đen xì, những cái bóng bì màu đùng đục xâu xấu buộc ở ghi-đông xe đạp, những cân thịt phải tem phiếu mới có được hoặc ở quê mang lên, thì lại cần những cái bánh chưng để cảm thấy mình ở gần bên quê hương, bên gia đình.
Chợt nhận ra là những giá trị về tinh thần luôn quý giá và đôi khi, có thể gợi nên những tiếc nuối. Những người ở nhà thì tiếc những gì không còn nữa, hoặc đang mai một phai nhạt dần. Những người xa xứ thì lại nhớ những gì họ không có, hoặc đúng hơn, cái cảm giác vui vẻ đầm ấm sum họp mà ở nhà hàng triệu người đang có, còn mình ở bên này thì không. Nhưng cảm giác nhớ ấy nhanh chóng được khỏa lấp bởi một suy nghĩ khác: thế giới rộng mở và chúng ta đi. Cái Tết vẫn là một phần máu thịt của những người Việt xa xứ và họ luôn nhớ về, nhưng họ cũng trực tiếp được hưởng những cái Tết khác ở nơi họ sống: Giáng sinh, năm mới, những ngày lễ hội ở địa phương... Tết trở thành một phần trong hành trang của cuộc đời.
Đối với tôi, nỗi nhớ không hẳn là thế. Khi những chuyến đi xa không ít, những cái Tết xa nhà cũng nhiều, nỗi nhớ cũng khác hơn. Tự dưng nhớ hình ảnh của những con phố mờ mịt sương sớm mồng 1 Tết, với vỉa hè đỏ xác pháo như trong một bức ảnh của anh Dương Minh Long chụp hơn 20 năm về trước, nhớ những tiếng rao “Khúc ơ” da diết vang lên từ dưới đường vắng trong những đêm khuya của một thời ôn thi đại học...
Hẹn gặp lại quý anh chị trong những thư sau.
Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần