Sống chậm cuối tuần: Mã Pì Lèng thương yêu
(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Là một trong những người đầu tiên lên tiếng về công trình quán cà phê kiêm nhà nghỉ Panorama ở Mã Pì Lèng khi nó mới hình thành, họa sĩ Đỗ Đức kể: “Tôi đã đi qua con đèo này rất nhiều lần không thể nhớ được. Thức - ngủ của con đèo, tôi đều biết. Kể cả khi đầu năm 2018, móng cột đào bới xây khối nhà 7 tầng Panorama, tôi cũng đã đứng bên đường hỏi người trông nom thợ…”. Xin giới thiệu những trải nghiệm của ông về con đèo huyền thoại này.
Xem chuyên đề "Sống chậm cuối tuần tại đây"
1. Đèo Mã Pì Lèng (còn gọi là Mã Pí Lèng) nằm trên “con đường Hạnh Phúc” (QL 4D) ở Hà Giang, nối hai huyện Mèo Vạc và Đồng Văn, dài 14km trên độ cao 2.000 mét so với mặt biển.
Đèo cao dốc dựng thung sâu, dòng sông Nho Quế xanh màu ngọc bích mờ ảo trong nắng sớm chỗ ẩn chỗ hiện, óng ả như một dải lụa mà nàng tiên núi bỏ quên dưới thung. Cảnh thơ mộng biết bao.
Năm 2008, tôi đưa 4 người bạn Pháp sang nghiên cứu về nghệ thuật và tìm hiểu văn hóa Việt. Chuyến đi xuyên Tây Bắc sang Việt Bắc ấy, chỉ khi đến Mã Pì Lèng, 4 người bạn tôi, 3 nam 1 nữ, đã xuống xe để cuốc bộ qua con đèo, sau khi nghe tôi giới thiệu Mã Pì Lèng.
Khi hết con đèo, họ thật mãn nguyện. Một nhạc sĩ trong đoàn thổ lộ: Chúng tôi tự hào về dãy Pyrenees hùng vĩ (Pyrenees là dãy núi phía Tây Nam châu Âu tạo thành đường biên giới tự nhiên giữa Pháp và Tây Ban Nha, dài 430km), nhưng sang đây tôi thấy hình như Mã Pì Lèng tuyệt vời hơn ở độ hiểm trở và tính áp chế của thiên nhiên hơn là sự thơ mộng, hiền hòa của núi bên nước tôi.
Họ ấn tượng bởi dòng Nho Quế nằm sâu dưới khe vực Tu Sản êm ru như khúc nhạc trữ tình…
“Vâng” - nhạc sĩ nói tiếp- “Tôi đi qua con đèo này như đi qua khuông nhạc, lấp lánh trên từng bước chân là những tiếng hát thiên nhiên vi vút ẩn trong hơi mát đại ngàn. Rất tuyệt”!
Năm ấy đi cùng các bạn Pháp, tôi tự nhủ lòng, sao Nhà nước lại chưa xếp hạng di sản thiên nhiên số một này để bảo vệ? Lúc ấy con đèo còn hoang sơ lắm. Trong triền núi cách con lộ vài trăm mét có đôi ba ngôi nhà Mông nhỏ hẹp, đơn côi lẫn trong đá,có tường đá xếp, rêu đã lên xanh. Nhìn vẻ đẹp mong manh như một món đồ chơi xinh xắn hòa giữa thiên nhiên. Mãi đến 2009, Mã Pì Lèng được xếp hạng Danh thắng quốc gia, và năm 2010 thì UNESCO chính thức công nhận “Công viên địa chất toàn cầu” là vùng di sản địa chất đá vôinằm trên bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn. Mã Pì Lèng đã được nằm trong di sản của nhân loại.
2. Tôi đã qua nhiều nơi có núi non, phong thủy hữu tình trên khắp đất nước. Ở nhiều nơi, cuộc sống rục rịch chuyển động xây cất. Đã thấy những vết nham nhở của việc quy hoạch thiếu tầm nhìn, tự phát hơn là có bước đi thận trọng.
Trở lại cao nguyên đá Đồng Văn, sau ngày Công viên địa chất toàn cầu được xác lập, một nhà văn ở Ninh Bình lên thăm và viết một phóng sự dài ca ngợi Công viên trên báo cho rằng, rồi đây Hà Giang sẽ đổi đời, cuộc sống người dân trên Cao nguyên đá sẽ hướng về ánh sáng ấm no. Đọc xong tôi nửa mừng nửa lo. Vì những vùng đất du lịch đi qua đã cho tôi cái nhìn khác. Cái nhìn cảnh giác với cao nguyênđá có thể sẽ bị xâm hại, thì hôm nay, sự nghi ngờ ấy đã được chứng minh phần nào…
Chỉ gần chục năm, con đèo Mã Pì Lèng đã không còn yên nữa. Cái không gian trầm mặc ấy bắt đầu mất tiếng thì thào của gió ngàn bởi tiếng ồn ào của động cơ xe máy lấn át. Không sao, du lịch thì phải sử dụng phương tiện. Nhưng rồi cảnh vật bên đèo chuyển động biến đổi mới là đáng lo ngại. Bắt đầu xuất hiện những ngôi nhà nửa quán bên đường, nhỏ thôi, như chiếc răng sún trên hàm con trẻ. Tôi ái ngại chẳng biết nói cùng ai.
Hôm nay thì mọi việc ở tòa nhà Panorama xong rồi, hay dở cũng không thể làm lại. Nhưng cái gai bê tông 7 tầng ngó xuống vực Tu Sản trấn vào đúng mốc giới đánh dấu vị trí giữa đỉnh đèo, nơi có thể quan sát toàn bộ cảnh hùng vĩ của con đèo mới thật kinh hoàng.
Tôi đã không nhớ bao lần vượt qua con đèo từ Đồng Văn sang Mèo Vạc. Lần nào cũng cho cảm giác khác lạ. Có hôm trời nắng chang chang, đứng trên đèo mà nhìn sát đáy vực, có hôm trời mù chỉ thấy một biển mây trắng, có hôm đi trong mưa rào tầm tã, chỉ lo tụt núi đá lăn, có hôm qua vào buồi chiều, nắng quái dát vàng lên mép núi trong vắt…Chỉ có cái tĩnh lặng của con đèo mới cho cảm giác tuyệt vời đó. Nếu ồn ào chợ phiên thì qua đây bị phân tán chẳng còn thấy gì. Thật thế đấy.
Người Việt Nam ta có cái tâm lý thích “tiện”. Vâng, đúng thế, tiện thể, tiện chân, tiện lợi cho chính mình mà quên đi cái lớn lao hơn. Vì tiện mà người ta muốn phục vụ tại chỗ, nghỉ ở đỉnh đèo cơm bưng nước rót, không cần leo, ngả ngốn trước lan can bê tông mép núi mà seo-phi (selfie), vừa nhâm nhi cà phê,vừa ngắm cảnh, chỉ cần xả tiền ra! Ôi, hai chữ tiện chết tiệt nó làm cho thói ích kỷ trong mỗi con người trỗi lên, và người kinh doanh đọc vị được ngay thói quen vị kỷ đó để kiếm tiền.
Thế là nơi thì cáp treo đưa người lên tận đỉnh, còn đây thì nhà nghỉ quán ăn đóng đinh ngay lên mặt di sản, ăn đâu, chơi đâu, bày đấy. Vận động để từ bỏ thói quen đó với một lớp người đương đại là quá khó. Tôi đã lường trước những rắc rối này từ mấy năm trước và giờ thành hiện thực giống như hiện hình của tấm ảnh trong chậu thuốc rửa!
3. Hơn chục năm nghỉ hưu, tôi lên Hà Giang theo một dự án của nhóm từ thiện đã làm cho Đồng Văn - Mèo Vạc đến nay được10 điểm trường mẫu giáo cho các bản sâu trong núi, gần 400 cháu được học tại bản. Cuối năm nay sẽ là điểm thứ 11.Tôi nhắc lại không phải để khoe, mà vì việc đó tôi đã đi qua con đèo này rất nhiều lần không thể nhớ được. Thức ngủ của con đèo tôi đều biết. Kể cả khi đầu năm 2018 móng cột đào bới xây khối nhà 7 tầng Panorama, tôi cũng đã đứng bên đường hỏi người trông nom thợ, thì ông ta bảo: Tỉnh có chủ trương xây một điểm dừng chân trên đèo Mã Pì Lèng để phục vụ du lịch hẳn hoi đấy và công trình này được xã hội hóa đấy…
Cũng không ngờ khi hoàn thành nó đồ sộ thế. Họ xây với tốc độ không bị ngăn trở. Tháng 4/2019, tôi qua, nó đã gần hoàn thành.
Bâng khuâng trong nhiều kỷ niệm về con đèo thần thánh này, năm 2014, trò chuyện với Phó Chủ tịch huyện Đồng Văn, chị Lý Trung Kiên, tôi đã gợi ý cho trồng đào suốt bên bờ vực 14 km đi để Mã Pì Lèng thành đường hoa đào khi mùa Xuân đến. Việc đó trong tầm tay, vì giống đào quả ở đây hợp thổ nhưỡng, rễ cắm xuống đất là mọc vù vù, 3 năm đã cho hoa kết quả.
Hóa ra mọi ý định vẫn thua tự phát. Tinh thần tự phát mọc nhanh như cỏ dại, chỉ thoáng cái bên sườn đèo đã lổm ngổm mấycái “hộp” nửa nhà, nửa lều “xí chỗ”, riêng cái Panorama là bề thế hoành tráng nhất nên người ta xô mắt vào nó thôi.
Nghĩ thương con đèo từ khi được là di sản cũng là lúc nó tuột dốc dần vẻ đẹp hùng tráng và cả cái không gian đầy huyền bí. Giờ đây nó bắt đầu chịu sự tác động của thị trường kinh doanh khai thác với cách làm thô bạo, không cần giữ gìn ý tứ, không ngại cả quy định pháp luật.
Hãy chung tay giữ lấy con đèo di sản, hãy vì Mã Pì Lèng thương yêu.
Quan điểm của Bộ VH,TT&DL về tòa nhà Panorama Bộ VH,TT&DL thống nhất quan điểm và phương hướng giải quyết của UBND tỉnh Hà Giang liên quan đến công trình Panorama, đề nghị tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý các sai phạm theo đúng quy định của pháp luật; tham vấn ý kiến chuyên gia để có giải pháp khắc phục phù hợp theo hướng: Cải tạo, chỉnh trang thành điểm dừng chân ngắm cảnh cho khách du lịch với quy mô, kiến trúc phù hợp, không làm ảnh hưởng đến tầm nhìn toàn cảnh, đảm bảo an toàn, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, không gây tác động tiêu cực đến môi trường, phù hợp với bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc ở Hà Giang; đồng thời phải thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án theo đúng quy định của pháp luật trước khi triển khai thực hiện. |
Họa sĩ Đỗ Đức