Rác thải sinh hoạt ở đô thị: 'Cứ vứt xuống sàn, lát nữa chúng em dọn'
(Thethaovanhoa.vn) - Tiếp theo bài “Tập quán… dọn rác” trên Thể thao và Văn hóa ( phản ánh về tập quán xử lý rác thải rất tốt ở nông thôn xưa. Ở kỳ này, chúng ta hãy bàn về thói quen dọn rác và xả rác ở đô thị. Mà dễ thấy nhất là cảnh bà chủ quán ăn trả lời khách về chỗ vứt rác: “Cứ vứt thẳng xuống sàn, tí nữa chúng em dọn”!!!
Xem chuyên mục "Sống chậm cuối tuần tại đây"
Hãy thử xem xét sự biến đổi trong cung cách xử lý rác thải sinh hoạt của người Hà Nội trong vài chục năm lại đây ta cũng đã thấy có rất nhiều thay đổi. Điều đó có ý nghĩa thời sự rất sâu sắc trong các chiến dịch phòng chống rác thải hiện nay, đặc biệt là rác thải nhựa
Nhiều thay đổi
Vào những năm 40 của thế kỷ trước, ngoài các khu biệt thự của người Pháp là có những hệ thống nhà vệ sinh tự hoại, cống rãnh và nơi thu gom rác được quy hoạch, phần còn lại, dân cư sống trong những điều kiện vệ sinh thấp kém. Nhà xí thường là xí thùng và được đổ phân vào mỗi buổi tối.
Rác rưởi trong các khu phố hầu hết là rác hữu cơ và được các công nhân dọn rác đổ đi hàng ngày. Trong các khu lao động nghèo của đô thị thì rác rưởi đổ bừa bãi thành đống ngoài bờ đê hay các bãi trống.
Sau năm 1954, khi tiếp quản Hà Nội, chính quyền cách mạng đã phải huy động toàn dân thanh toán những núi rác khổng lồ ở các vùng ven nội thành. Tuy nhiên, lúc bấy giờ dân số Hà Nội chưa đông lắm và rác thải sinh hoạt của Hà Nội cũng không có nhiều vật khó tiêu hủy như bao ni-lông, vỏ đồ hộp như ngày nay.
Sống trong thành phố nhưng thức ăn thừa, nước vo gạo, cọng rau muống...vẫn được tập trung dồn vào cái vại sành để ngày ngày có người ở ngoại thành vào lấy nước gạo về nấu cám lợn. Dăm bữa nửa tháng, người thu gom nước gạo lại mang đến gửi cho chủ nhà dăm chiếc chổi lúa tự tay họ bện từ rơm mới đem ở quê lên.
còn nhớ ở một vài phố ở Hà Nội như đoạn đầu đường Bùi Thị Xuân bây giờ, có cả một cửa hàng chuyên mua bán các vỏ chai rượu, vỏ đồ hộp... Những thứ vỏ "Tây quăng" ấy đối với nhiều người vẫn là những vật đựng xa xỉ. Người ta không vứt đi hay bỏ vào thùng rác như bây giờ.
Tập quán dọn rác - nhìn từ… tiếng rao đồng nát
Hãy thử điểm lại cách rao hàng của những người mua bán hàng rong hay thu mua phế liệu ở Hà Nội từ xưa đến nay ta cũng đã thấy các loại rác thải sinh hoạt của người Hà Nội xưa nay nó biến đổi như thế nào.
Ngày xưa, các bà các chị ở Hà Nội để tóc dài, mỗi lần chải đầu, có sợi tóc rối tóc rụng đều vê lại để vào một chỗ. Thỉnh thoảng, lại có người quẩy đôi quang gánh trong có chiếc nồi đựng kẹo mạch nha đi quanh các ngõ phố vừa đi vừa rao "Tóc rối đổi kẹo". Nghe tiếng rao là lũ trẻ vội chạy về thu đám tóc rối trong nhàđem ra đổi lấy que kẹo mầm và khoái chí mút dè từng tí một. Hồi nhỏ, tôi cũng nhiều lần được thưởng thức kẹo mầm được đổi từ mớ tóc rối của bà tôi và mẹ tôi gom lại. Cho đến bây giờ, tôi vẫn băn khoăn, không hiểu người ta mua tóc rối để làm gì? Có người bảo tôi rằng: tóc rối mua về được chải thẳng ra rồi bó lại làm thành cái độn tóc bán cho các bà các chị dùng khi vấn khăn. Chẳng biết có đúng không nhưng có điều là Người Hà Nội xưa biết tận thu từ chút cặn nước gạo đến sợi tóc rối để sử dụng lại cho nhiều mục đích. Hầu như người ta chẳng bỏ phí cái gì.
Quen thuộc hơn là tiếng rao "Ai chai chè đồng nát bán đây". Thời ấy, người Hà Nội đun nấu bằng nồi đồng, siêu đồng, sanh đồng. Nồi đồng thủng thì gọi thợ vào hàn lại. Hàn đi vá lại cho đến khi chiếc nồi, chiếc sanh nát ra không dùng được nữa thì người ta đem bán cho người thu mua đồng nát để đem nấu lại. Chai chè là những chai thủy tinh trắng đục dùng để đựng chè mạn. Người tiêu dùng uống hết chè thì đem chai bán lại cho người thu gom.
Người làng Triều Khúc nay thuộc quận mới Thanh Xuân thì hay vào phố thu mua lông gà lôngvịt. Từ những mớ lông gà lông vịt, qua bàn tay khéo léo của người thợ thủ công đã làm ra những chiếc chổi phất trần vừa đẹp vừa tiện dụng.
Có lúc người ta còn sơ chế và xuất khẩu lôngvịt ra nước ngoài làm nguyên liệu chế ra những loại vải và đồ dùng cao cấp. Không hiểu sao ngày nay người thu mua lông vịt đã vắng hẳn trên đường phố Hà Nội. Người Hà Nội cũng đã quen mua vịt làm sẵn từ chợ, ít người còn giữ thói quen giết mổ gà vịt tại nhà.
Giấy báo, giấy cũ khoảng hơn chục năm trước vẫn là một thứ nguyên liệu có giá trị. Sách vở lúc ấy phải in bằng những loại giấy đen xì. Muốn in báo, in sách phải xin chỉ tiêu giấy rất khó khăn. Chiếc kẹo bán ngoài cửa hàng cũng được gói bằng giấy vở học trò còn nguyên dòng chữ bằng mực tím...Lúc ấy, người ta giữ gìn giấy vụn để đem bán.
Ngày nay tâm lý tiêu xài giấy một cách xa hoa lãng phí đang trở nên phổ biến ở thành thị và cả ở nông thôn. Các loại bao bì in màu quá xa xỉ có mặt khắp nơi. Tuy vậy, ở thành thị hiện nay, giấy cũ, bìa cát-tông vẫn luôn là một trong những thứ rác thải được thu gom.
Kinh tế thị trường ngày càng mở mang khiến cho việc tiêu dùng của người thị thành cũng thay đổi hẳn. Rác thải thời mở cửa cũng phong phú hơn nhiều so với trước. Ngày nay, không thấy ai rao "tóc rối đổi kẹo" mà người ta rao mua hàng loạt các thứ đồ cũ đồ hỏng thuộc dạng xa xỉ trước đây như "Ai bán tivi cũ, xe đạp cũ, quạt máy, bàn là, bếp điện, máy bơm, mô-tơ... đây"!
Đồ dùng đô thị đã phong phú hơn, nhu cầu thay đổi đồ vật cũng ngày càng tăng và muôn ngàn dạng bao bì mới xuất hiện khiến cho nhiều thứ trước kia những người thu gom tái chế cho là hiếm là quý thì nay bị vứt thải bừa bãi khắp nơi mà điển hình hơn cả là những chiếc túi ni-lông bay lả tả khắp nơi từ chợ quê cho đến hè đường đô thị.
Thói quen xả rác
Từ cảnh phải xếp hàng chầu chực, chen chúc mới mua được chút đồ ăn, cốc bia đến chỗ nhà hàng, tiệm ăn, quán bia hơi cơm phở mọc ra như nấm khắp nơi làm cho thói quen tiêu dùng cũng thay đổi và tập quán thải rác tiêu dùng cũng đổi theo.
Nếu ăn uống ở nhà, từng gia đình thường giữ lề thói gọn gàng, sạch sẽ. Xương gặm xong thì để vào đĩa để đổ đi, không ai vứt xương ngay xuống nền nhà của mình. Thế nhưng, khi đi ra quán ăn nhậu thì như một thói quen tự nhiên người ta mặc sức vứt lá gói nem chua, vỏ lạc, xương xẩu, tàn thuốc ngay dưới chân bàn mà không cần phải suy nghĩ.
Có lần tôi đề nghị bà chủ quán xin cái đĩa đựng xương, bà chủ cười mà rằng: Bác cứ vứt thẳng xuống sàn, tí nữa chúng em dọn!!!
Chẳng hiểu cái tập quán này từ đâu ra? Phải chăng nó hình thành từ văn hóa ăn uống hàng quán trong các chợ quê xưa hay nó xuất phát từ cái thói ích kỷ: Không phải nhà mình thì cứ việc vứt tự nhiên, mất tiền mua hàng thì cứ thoải mái mà xả rác cho chủ họ dọn?
Quá trình đô thị hóa cũng khiến cho một số lớn dân cư từ các vùng nông thôn đổ về sinh sống trong các đô thị. Những người dân từ nông thôn ra đô thị mang theo thói quen thải rác của môi trường nông thôn.
Thói quen này có thể không có hại đối với hệ sinh thái nông thôn nhưng không thể áp dụng vào hệ sinh thái đô thị được. Người ở nhà một tầng có ao sâu vườn rộng có thể vứt rác ra hố sau vườn nhà nhưng khi chuyển sang căn hộ nhiều tầng thì không thể bỏ rác vào túi rồi vứt xuống sân chung đất trống sau nhà được. Do vậy, hướng dẫn các quy định văn minh vệ sinh đô thị cho mọi người và cho dân mới nhập cư cũng là điều cần thiết.
Ở một số đô thị lớn, những cơ quan, công ty quản lý rác thải đã cho đặt rất nhiều loại thùng rác khắp nơi để nhân dân vứt rác vào thùng. Có nhiều thùng rác được làm rất cầu kỳ, tốn kém bằng những vật liệu đắt tiền. Quanh thùng rác là những khẩu hiệu rất kêu và thùng rác có cả ổ khóa như khóa tủ trong nhà. Thế nhưng, người ta vẫn không bỏ rác vào thùng.
Vũ Thế Long