Khi rượu 'uống'… người
(Thethaovanhoa.vn) - Cho đến hôm qua, một số người dân thôn Pà Păng, xã Cà Dy, Nam Giang, Quảng Nam bị nghi ngộ độc rượu vẫn phải nằm viện điều trị. Vụ việc xảy ra vào ngày 13/3, đã cướp đi tính mạng của 3 người và hơn 20 khác phải nhập viện cấp cứu, sau khi dự đám tang của một người trong thôn.
- Cảnh báo tình trạng ngộ độc rượu ngâm củ ấu tàu
- Vụ ngộ độc rượu tập thể tại Lai Châu: Hầu hết các nạn nhân tử vong do Methanol vượt ngưỡng
Trước đó, ngày 12/3, tại Nghệ An, có 4 người được người thân chở tới Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cấp cứu trong tình trạng nôn mửa, khó thở, để rồi 3 người đã tử vong.
Hai câu chuyện đau lòng trên, xảy ra với đồng bào người vùng sâu, vùng xa. Tất nhiên, đấy không phải là việc hy hữu, để đến lúc này mớicần phải gióng lên cảnh báo về cơn ác mộng ngộ độc rượu không chỉ ở các làng quê.
Khi viết những dòng này, tôi vẫn nhớ cảm giác như in ký ức về tuổi thơ xem mẹ nấu rượu ở quê. Đấy là khi mẹ nấu cơm, để nguội, cho trộn men vào và ủ. Vài ngày sau, khi mở ra, đưa cơm vào nồi nấu rượu, một mùi thơm ngào ngạt dậy lên cả nhà. Lúc đó, mẹ thưởng cho anh em một bát cơm rượu, trộn ít đường hoặc mật mía. Bọn tôi hí hửng đón lấy, múc ăn từng chút, từng chút một, cứ sợ hết.
Từng muỗng cơm rượu ngon ngất ngây, hơi cay cay nồng nồng se đầu lưỡi tan ra trong miệng, nuốt vào tới đâu trong bụng nóng lên biết tới đó. Kể cả khi rượu đã nấu xong, cơm chỉ còn cái xác (gọi là hèm) thì cái hèm đó ăn cũng rất ngon.
Rượu thì khỏi phải nói về độ chuẩn. Ngon vì nguồn nước, vì men chuẩn, hay vì xuất xứ nguồn gốc an toàn càng tăng độ tuyệt hảo của rượu “mẹ nấu”? Có lẽ là cả 3, chúng ta có thể “nhét” chúng vào một nội hàm: đạo đức kinh doanh.
Nhưng đạo đức kinh doanh rượu trở nên xa xỉ, khi người ta không thể đủ kiên nhẫn để làm đúng quy trình ủ men lẫn sự an toàn, khi tỷ lệ người sử dụng quá lớn, cần thúc đẩy tốc độ rượu ra lò, càng nhanh càng tốt.
Nếu có dịp đến các vùng sâu, xa, mục sở thị các quầy tạp hóa nghèo nàn ven đường cái quan, nhưng quán không thể thiếu một vài can rượu cỡ lớn để phục vụ các “vương tửu” trong vùng, mới cảm nhận hết được mức độ rủi ro, nguy hiểm do hàm lượng cồn, methanol quá cao mà đồng bào đang đối diện hàng ngày. Chưa kể các loại củ, rễ được người dân bày bán đầy rẫy trên đường.
***
Ngay cả thành phố cũng đâu tránh khỏi rủi ro, nhất là các sinh viên, người nghèo thu nhập thấp. Thời sinh viên, có cậu bạn đi mua rượu gạo bà cụ bán đầu dãy nhà trọ, rồi chọc: “bà ơi, bán cho con một lít rượu, về bọn con hòa thêm… cồn và nước vào để uống chứ sinh viên nghèo”. Bà cụ kéo cậu lại gần nói nhỏ: “này, bà bỏ nhiều cồn vào rồi đấy, bọn bây đừng cho cồn vào thêm nữa”. Câu chuyện không phải là tiếu lâm.
Các thành phố lớn đang đau đầu cuộc chiến chống “rượu đểu”. Bạn có tin được không khi Hà Nội hiện có số nạn nhân ngộ độc rượu, tử vong do rượu cao thứ 2 trong cả nước. Hà Nội đã từng tuyên bố sẽ chống ngộ độc rượu mạnh như “ra quân vỉa hè”. Nhiều người bạn thi thoảng phải mua cả mấy chục lít rượu từ quê ra để uống, hoặc ngâm, thì mới yên tâm.
Tết về, ngắm bộ đồ nghề mẹ nấu rượu đã cọ bóng loáng kê trên chạn, lại bồi hồi luyến nhớ. Mẹ tôi tủm tỉm nhai trầu và nói: “Bây giờ, tao thấy bọn trẻ chúng mày uống rượu vào tâm tính thay đổi, dễ nổi nóng, lúc nào cũng manh động quá”.
Lại giật mình, có thể thế chăng? Câu chuyện rượu kém chất lượng hình như không thể không liên quan đến kỷ lục mỗi Tết gần đây: số lượng người cấp cứu do đánh nhau (phần lớn có liên quan đến rượu), luôn gia tăng ở mức “ổn định”.
Hữu Quý