Góc nhìn 365: Niềm vui từ công viên địa chất
(Thethaovanhoa.vn) - Chúng ta vừa đón một tin vui vào đêm muộn ngày 7/7 theo giờ Việt Nam: tại trụ sở ở Paris, UNESCO vừa chính thức ghi danh công viên địa chất Đắk Nông của Việt Nam vào mạng lưới 141 Công viên Địa chất Toàn cầu (CVĐCTC) trên thế giới.
Và cũng rất thú vị: Tròn 10 năm sau thời điểm có CVĐCTC vào năm 2010 với trường hợp của cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), chúng ta đã lần thứ 3 sở hữu danh hiệu này. Trước đó, năm 2018, công viên địa chất Non Nước (Cao Bằng) cũng đã được UNESCO ghi danh.
Quãng đường 10 năm ấy đã đánh dấu những thay đổi khá quan trọng tại Việt Nam trong cách tiếp cận với mô hình này.
Cần nhắc lại, khái niệm CVĐCTC của UNESCO mới ra đời được hơn 20 năm, nghĩa là bằng phân nửa thời gian so với sự tồn tại của các danh hiệu về Di sản văn hóa. Và vào năm 2010, khi cao nguyên đá Đồng Văn lần đầu nhận danh hiệu này, sự chú ý của dư luận dành cho nó không quá nhiều, khi khái niệm “địa chất” phần nào tạo ra định kiến về phạm vi hạn chế của một chuyên ngành hẹp.
Còn ở thời điểm hiện tại, công viên địa chất là mô hình thu hút sự quan tâm và hào hứng của rất nhiều địa phương. Bởi thế, tại đề án “Bảo tồn di sản địa chất, phát triển và quản lý mạng lưới công viên địa chất ở Việt Nam” (được Chính phủ phê duyệt vào năm 2014), chúng ta từng đặt ra cái đích: Tới năm 2030, Việt Nam sẽ có mạng lưới khoảng 25 - 30 công viên địa chất quốc gia, tại hơn 20 tỉnh khác nhau.
Riêng ở góc độ danh hiệu cấp thế giới, ngoài 3 trường hợp hiện có, một số địa phương như Gia Lai, Phú Yên, Quảng Ngãi… cũng đã lên kế hoạch xây dựng hồ sơ trình UNESCO để công nhận một CVĐCTC cho mình. Trong đó được chú ý nhiều nhất là trường hợp Công viên địa chất Lý Sơn tại Quảng Ngãi.
Không khó hiểu về điều ấy, khi du lịch địa chất là một xu hướng đang ngày càng phát triển trên thế giới. Và, câu chuyện ấy lại càng có ý nghĩa với những địa phương vốn nghèo về kinh tế, nhưng lại có sẵn những điểm địa chất đạt giá trị quốc tế về thẩm mỹ, về sự hiếm có và giàu ý nghĩa giáo dục mà thiên nhiên đã ban tặng.
***
Với trường hợp của công viên địa chất Đắk Nông, ngay từ khi xây dựng hồ sơ trình UNESCO và lập quy hoạch, các chuyên gia đã lưu ý: sự tồn tại của hệ thống 5 núi lửa (đã ngừng hoạt động) tại đây chính là điểm độc đáo nhất trong quần thể.
Đơn cử, chỉ riêng hệ thống các hang động núi lửa tại đây đã có tổng chiều dài ước tính lên tới hàng chục ngàn mét, trong đó nổi bật là hang C7 với chiều dài hơn 1km, được xác định là hang động dung nham dài nhất Đông Nam Á.
Hoặc, tại hang C6.1 (dài gần 1km) chính là nơi giới khoa học tìm thấy di cốt và các dấu tích hoạt động của người tiền sử vào năm 2018 và mở ra một cột mốc quan trọng: Lần đầu tiên, một quốc gia Đông Nam Á phát hiện di cốt người tại hang động của núi lửa, thay vì hang đá vôi như trước đó.
Với việc hầu hết các hang này đều còn nguyên sơ, cũng không quá lời khi có chuyên gia gọi khu vực này là “Sơn Đoòng” của Tây Nguyên.Và cộng cùng hệ thống các miệng núi lửa, thác nước, hệ sinh thái rừng nhiệt đới đa dạng,rõ ràng chúng ta có thể lạc quan về tiềm năng của CVĐCTC Đắk Nông trong thời gian tới.
Chỉ có điều, cũng đừng quên, chúng ta còn cả một chặng đường dài trước mắt, với việc đầu tư để vừa bảo tồn, vừa khai thác đúng tiềm năng của quần thể vừa được vinh danh. Bởi, với diện tích rộng tới 4.700km2 (hơn 40% tổng diện tích tỉnh Đắk Nông) và có tới 44 điểm đến được lên kế hoạch phát triển, chắc chắn đó không thể là câu chuyện của một sớm một chiều.
Chặng đường ấy không chỉ đòi hỏi một nguồn kinh phí khổng lồ, mà ở đó, vai trò của nguồn lực xã hội hóa không thể bỏ qua. Xa hơn, nó còn đòi hỏi sự đổi mới trong cách tiếp cận và khai thác tài nguyên thiên nhiên vào mục đích phát triển du lịch sao cho vừa bền vững, vừa hiện đại và hấp dẫn, thay vì cách làm theo kiểu “ăn xổi” vốn cũng đang phổ biến…
Sơn Tùng