Cờ bạc tại gia
Hầu như đi đến nhiều làng quê, nhiều gia đình đều có “chiếu” mi ni. Chơi nhỏ thôi, vui là chính nhưng từ đó, “máu đỏ đen” thấm vào đầu, thành nghiện lúc nào không hay. Ở trong môi trường như vậy, con trẻ cũng bị kéo vào cuộc và chịu ảnh hưởng “gien” cờ bạc từ bố, mẹ, anh em, chú bác...
Nhiều trai làng đi làm công nhân bên ngoài nhưng vì ham chơi mà bỏ luôn ý định trở lại làm việc sau Tết, khiến không ít doanh nghiệp thiếu lao động trầm trọng... Cũng vì ham cờ bạc ăn thua, nhiều người dốc đến những đồng bạc cuối cùng vào đỏ đen, thậm chí lấy cắp tiền gia đình, không có thì đi trộm để có tiền chữa cơn “khát nước”... kéo theo hậu họa nghèo khó và tệ nạn xã hội...
Về lại phố phường ngỡ nhịp sống khác nhưng ở không ít gia đình, vẫn có chiếu bạc giữa nhà. Đánh bài, đánh cờ tướng, đánh tổ tôm... kiểu gì cũng “vui chơi có thưởng” và xung quanh “sới” là đàn trẻ con nô đùa thi thoảng ngó nghiêng kết quả... Môi trường ấy rõ ràng có thể sẽ làm những đứa trẻ lớn lên nhiễm “máu đỏ đen” và lớn lên chút nữa chúng thành con bạc là điều khó tránh...
Nạn bài bạc đầu năm hình như nhiều nơi đang thả nổi, coi như là một kiểu “vui Tết đón xuân”. Dẹp bài bạc ở nơi công cộng các địa phương mùa này làm ráo riết, nhưng tại các gia đình, trong những ngôi nhà ấm áp ấy, hỏi đã mấy ai quan tâm chấn chỉnh?
Mỗi gia đình hãy nói không với những trò chơi cờ bạc vô bổ, cũng là cách để làm thay đổi cuộc sống và số phận con em mình...
Báo Văn hóa