Chuyện Hà Nội: Hà Nội và áo dài
(Thethaovanhoa.vn) - 1. Tôi tin trong lịch sử văn hóa Hà Nội có di sản trang phục. Mà áo dài phụ nữ cho đến bây giờ vẫn là một trang phục truyền thống nhưng mang vẻ đẹp rất hiện đại.
Tôi cũng đồ rằng nếu trên đường phố Hà Nội, ở đường Thanh Niên bên Hồ Tây hay quanh Hồ Gươm mà vắng bóng những tà áo dài thướt tha thì...buồn như thiếu vắng một nét đẹp vô cùng quyến rũ của Hà Nội. Trong vẻ thanh lịch, dịu dàng người Hà Nội xưa nay có bóng dáng tà áo dài vờn bay. Và trong nỗi nhớ Hà Nội bao giờ cũng có nỗi nhớ tà áo thân quen ấy.Chiếc áo dài, như một đặc ân ban tặng người phụ nữ, bởi khi mặc vào người, nó góp phần tôn lên vẻ đẹp hình thể. Phần trên ôm sát thân làm nổi bật đôi bờ vai nhưng hai vạt buông thật mềm mại che đôi ống quần rộng. Hai tà áo kín đáo khép lại và buông ra theo nhịp chân để lộ vòng eo đầy nữ tính.
Áo dài cổ điển là kiểu cổ đứng, ôm sát vào làm tôn thêm cái cổ cao - vốn là một tiêu chuẩn vẻ đẹp thiếu nữ. Áo dài là trang phục mang vẻ đẹp huyền bí là vì nó vừa kín vừa hở.
Kín bởi vì nó che toàn bộ thân hình người con gái, tôn lên những đường cong mềm mại của cơ thể. Nó hở có tí chút, nhưng đó là cả một khoảng bí ẩn làm bao nhiêu tao nhân mặc khách ám ảnh đến bâng khuâng.
Năm 1934, ở Hà Nội, họa sĩ Lê Phổ sáng tạo mẫu áo dài mang tên ông từ áo dài Cát Tường Le Mur. Từ đây, áo dài Việt Nam đã tìm được chỗ đứng chuẩn mực của nó khó thay thế trong trang phục phụ nữ. Du khách nước ngoài ngơ ngẩn trước những tà áo dài nữ sinh thướt tha giữa mùa Xuân hay mùa Hạ trên đường Hà Nội mang vẻ đẹp lãng mạn và hồn nhiên dễ thương...
2. Viết về áo dài, tôi lại nhớ nhạc sĩ Hoàng Dương trong bài hát “Hướng về Hà Nội” viết trong những ngày xa thành phố đi kháng chiến:“Hà Nội ơi, hướng về thành phố xa xôi/ Ánh đèn giăng mắc muôn nơi, áo màu tung gió chơi vơi…”.
Và tôi cũng nhớnhạc sĩ Thanh Tùng,với anh áo dài là “Một thoáng quê hương”: “Ta nghe từng bước chân em, xôn xao đường về phố nhỏ/Tung bay tà áo thân quen, cánh chim vẫy chào ngọn gió/ Ta nghe từ trái tim em tiếng hát ngập tràn yêu thương/ Mai đây dù có đi xa trong tim là cả quê hương”…”.
Hình ảnh chiếc áo dài đi vào lịch sử hội họa là trong bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ” của họa sĩ Tô Ngọc Vân. Hơn 70 năm nay, nó đã trở thành kiệt tác, giờ nghe nói bức tranh đang lưu lạc tận Singapore và giá chuyển nhượng lên đến 200.000USD. Hình ảnh người thiếu nữ duyên dáng trong tà áo dài nghiêng xuống bông hoa trắng đã đi vào lịch sử hội họa thế giới. Nó vừa tạo được vẻ trẻ trung, khả ái, rất hiện đại nhưng cũng rất truyền thống, rất…Hà Nội.
Không nghi ngờ gì nữa, áo dài đã là một phần của văn hóa ăn mặc Hà thành. Tôi tin vẻ đẹp ấy khó tàn phai, dù thời hiện đại người ta đang chuộng trang phục gọn nhẹ, tân kỳ. Bạn đừng quá lo lắng vì bên hồ Gươm, cạnh hàng liễu rủ thi thoảng vẫn gặp những tà áo dài thướt tha của thiếu nữ, làm thổn thức bao trái tim du khách, làm tốn bao nhiêu là phim ảnh...
Sẽ ra sao nếu Hà Nội thiếu vắng tà áo dài? Tôi ủng hộ việc các trường học khuyến khích nữ sinh mặc áo dài vào những dịp lễ, tết. Tôi ủng hộ các cô dâu chọn thêm áo dài truyền thống, bên cạnh trang phục váy cưới trong ngày vui trọng đại của mình...
Không có trang phục nào đã đi vào thơ, ca, nhạc, họa nhiều như áo dài.Hãy tôn vinh, bảo vệ áo dài trong di sản trang phục Việt. Đó cũng là một cách bảo tồn văn hóa truyền thống, giữ gìn vẻ đẹp văn hóa mà cha ông đã sáng tạo, gìn giữ cả ngàn năm...
Tân Linh
Thể thao & Văn hóa