'Cây đời mãi xanh' ngoài sách giáo khoa
(Thethaovanhoa.vn) - Hôm qua, đại diện Bộ Giáo dục & Đào tạo đã có động thái “nói lại cho rõ”, về hiểu lầm “lệnh cấm” dạy ngoài sách giáo khoa (SGK). Nhưng thử hỏi, nếu không bị chính người trong ngành giáo dục- nhiều chuyên gia, thầy cô giáo, phản ứng, chắc dư luận không biết một sự việc rất có vấn đề.
"Tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa”, đấy là một trong những nội dung được đề cập trong công vănsố 4612/BGDĐT-GDTrH ngày 3/10/2017, của Bộ GD&ĐT. Công văn này hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh, từ năm học 2017 - 2018.
Để rồi hôm qua, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học - Bộ GD&ĐT đã phải thanh minh, Bộ không hạn chế giáo viên chỉ dạy học với nội dung trong SGK. Câu này chỉ "nhằm nhấn mạnh yêu cầu không dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành".
Tuy nhiên, việc diễn đạt trong văn bản chỉ đạo mới đây đã gây ra hiểu lầm là Bộ cấm dạy ngoài SGK. Điều này không đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ.
Chúng ta cùng bắt đầu một câu chuyện cũ. Chiều ngày 14/2/2016, thầy giáo dạy văn Nguyễn Duy Khánh - giáo viên Trường THPT An Thới, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang,bước vào lớp lớp 10C5. Thầy Khánh hỏi học trò của mình, gần đây có những ngày quan trọng nào. Cả lớp đa số đồng thanh nhắc: ngày 14/2 (Lễ Tình nhân).
Dù thoáng buồn, nhưng không ngạc nhiên, thầy giáo trẻ đã kể cho cả lớp nghe sự kiện ngày 17/2/1979,chiến tranh biên giới phía Bắc. Chiến sĩ, đồng bào 6 tỉnh đã anh dũng chiến đấu và hàng ngàn người đã ngã xuống để ngăn bước, đẩy lui quân thù.
Tiếp đó, thầy Nguyễn Duy Khánh đã cùng học trò của mình đứng trang nghiêm dành một phút mặc niệm những người con đất Việt đã ngã xuống. Những tiết học sau đó ở các lớp khác, thầy Khánh cũng dạy bài học đặc biệt mà trong SGK chỉ vẻn vẹn 11 dòng. Bức ảnh thầy Khánh cùng học trò đứng dậy dành 1 phút mặc niệm, đã gây nhiều xúc động.
Tôi tin rằng, trong số các độc giả, quãng đời học sinh trong veo, ai cũng đã từng được thọ giáo không ít thầy, cô có những bài giảng quan trọng liên quan đến tri thức, nhân cách sau này, mà dữ liệu không có trong SGK, tựa như thầy Khánh ở câu chuyện trên.
***
Nói thế không có nghĩa là đánh giá thấp vai trò của SGK. Bởi, đâylà tư liệu học tập quan trọng nhất đối với hoạt động dạy và học. Luật Giáo dục cũng đã quy định "sách giáo khoa là tài liệu quan trọng,mang tính pháplýtrong dạy và học”. Nhưng, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, nhiều bộ SGKhệ phổ thông, nội dung và hình thức bộc lộ sự lạc hậu, xơ cứng, không tương thích với thời đại.
Đấy cũng là lý do khiến chúng ta mong mỏi Ban chỉ đạo đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông của Bộ GD&ĐT làm việc thật trách nhiệm, nhằm ra đời bộ SGK tối ưu nhất, sau bao lần bổ sung, hiệu đính, chỉnh sửa. Để khi đưa vào áp dụng chương trình, SGK mới (dự kiếntừ năm học 2019-2020) sẽ tạo ra một cuộc cách mạng giáo dục ấn tượng, hiệu quả nhất trong lịch sử, góp phần đưa giáo dục đất nước vượt ra khỏi sự trì trệ.
Nhưng, nên nhớ, dù SGK giáo khoa có là “khuôn vàng, thước ngọc” đến đâu, thì“Mọi lý thuyết đềulà màu xám, chỉ cây đời là mãi mãi xanh tươi” (Goethe). Có nghĩa, đổi mới giáo dục nếu thầy trò chỉ duy ý chí, bê nguyên việc dạy-học theo sách giáo khoa, khó tạo ra sự khác biệt.
Đấy là chưa kể để sự nghiệp đổi mới giáo dục thành công, dứt khoát cần sự vào cuộc đồng bộ. Một hệ thống còn nhiều bất cập phải được căn chỉnh, như đầu vào ngành sư phạm phải cao hơn, cơ chế đãi ngộ giáo viên phải tốt hơn... Tất nhiên, lãnh đạo ngành giáo dục các cấp phải là những tinh hoa thực sự, có tinh thần “kiến tạo”!
Hữu Quý