Điện Biên Phủ - nguồn cảm hứng bất tận: Việt Nam trên hành trình của Roman Karmen
"Khoảng 7 tháng ở Việt Nam, thời gian trôi nhanh đến mức không kịp nhận ra những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh đã qua, những ngày hòa bình đầu tiên đã đến. Lần đầu tiên trong đời, tôi đến đất nước này và suốt đời tôi còn yêu mến nó" - đạo diễn Roman Karmen đã viết như vậy về những ngày ở Việt Nam để thực hiện bộ phim Вьетнам (Việt Nam, hoặc Việt Nam trên đường thắng lợi)... Cùng với 40.000 m phim do ê-kíp của mình thực hiện; ông còn ghi lại gần 500 trang bút ký và xuất bản cuốn sách Ánh sáng trong rừng thẳm.
Bộ phim tài liệu Việt Nam dài 70 phút (thuyết minh bằng tiếng Việt và tiếng Nga) do Roman Karmen - nhà quay phim tài liệu, thời sự nổi tiếng của Liên Xô (cũ) viết kịch bản, đạo diễn, dẫn chuyện cùng đồng nghiệp thực hiện năm 1954 và phát hành năm 1955. Phim Việt Nam do Xưởng phim Tài liệu Trung ương Liên Xô sản xuất đã khái quát một giai đoạn lịch sử của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp; thời gian đầu hòa bình sau Hiệp định Geneve...
Những thước phim tư liệu quý giá được quay vào vào thời khắc quan trọng nhất của giải phóng Điện Biên Phủ, tiếp quản Thủ đô... đã khắc họa chân thực, sinh động đất nước và con người Việt Nam kiên cường, quả cảm, anh dũng đứng lên bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện để giành lấy nền tự do độc lập cho dân tộc.
Những cảnh chân thực nhất, quý giá nhất
Vào những ngày cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ (5/1954), đạo diễn Roman Karmen cùng hai các nhà quay phim Vladimir Yeshurin và Yevgeny Mukhin được giao nhiệm vụ sang Việt Nam ghi lại những hình ảnh vào thời điểm hào hùng nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đoàn làm phim đã đến chiến khu Việt Bắc và nhiều địa phương khác.
Sự kiện này đã được đạo diễn Roman Karmen ghi trong nhật ký của mình: "Chúng tôi hiểu rõ rằng thực hiện nhiệm vụ này hết sức khó vì đoàn làm phim chúng tôi sẽ sang một đất nước hoàn toàn xa lạ, mặc dù về tinh thần và tình cảm rất gần gũi với người Liên Xô. Hơn nữa, thiếu sách báo để làm quen và tìm hiểu đất nước Việt Nam, chỉ có một cuốn sách của tác giả người Pháp...".
Để hoàn thành bộ phim tài liệu quý giá này, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo, yêu cầu các địa phương tạo điều kiện tốt nhất cho đoàn làm phim người Nga. Các đơn vị được giao đã phối hợp đã tích cực giúp đoàn thực hiện bộ phim này tại Điện Biên, Việt Bắc, Hà Nội và một số địa phương khác. Cùng hỗ trợ, giúp đỡ đoàn làm phim có các nghệ sĩ của ngành điện ảnh Việt Nam như Phạm Văn Khoa, Mai Lộc, Hồng Nghi, Quang Huy, Nguyễn Tiến Lợi... Nhà văn Nguyễn Đình Thi tham gia với vai trò cố vấn văn học và viết lời bình.
Để tác nghiệp nhanh, đoàn làm phim hội ý, triển khai kế hoạch, chia làm ba nhóm: đạo diễn Roman Karmen phụ trách nhóm thứ nhất lên chiến khu Việt Bắc quay các nhân vật nhân vật quan trọng như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Tôn Đức Thắng, Phạm Ngọc Thạch, Tố Hữu... Nhà quay phim Yeshurin phụ trách nhóm hai quay cảnh cuộc sống của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở khu IV. Nhà quay phim Mukhin, nhà văn Nguyễn Đình Thi và quay phim phụ Nguyễn Khắc Lợi tham gia nhóm ba chuyên quay về quân sự lên Điện Biên. Nhóm nhà quay phim Yeshurin vào Nghệ An đã quay được cảnh con hổ vô cùng quý giá do chính người dân dàn dựng. Đạo diễn Phạm Văn Khoa dặn dò Nguyễn Khắc Lợi: "Có một số nhà quay phim của ta đang ở Điện Biên. Nhớ phối hợp thật tốt để giúp đoàn làm phim và qua đó học hỏi kinh nghiệm thực tế chiến trường".
Nhiệm vụ giao cho mỗi nhóm rất rõ ràng. Lên đến Điện Biên, nhóm ba bắt tay quay cảnh trận địa sau trận đánh. Để có mặt kịp thời quay cảnh trao trả tù binh Pháp, nhóm đã phải đi bộ vượt đường rừng đầy nguy hiểm, phải đi đường tắt mới kịp quay. Nhóm lạc vào bãi mìn do trời mưa, chỗ đánh dấu bị xóa, đạo diễn Nguyễn Thụ dẫm phải mìn bị nát bàn chân.
Khi lên chiến khu Việt Bắc, gặp cảnh Bác Hồ nói chuyện với bà con nông dân, nhà quay phim Mukhin đã tác nghiệp rất nhanh để có thước phim quý giá đó...
Cả ba nhóm cùng háo hức chờ đợi, hẹn nhau tiến về Hà Nội quay cảnh Việt Minh tiếp quản Thủ đô. Lại tiếp tục chia làm 3 nhóm, nhóm ba của Mukhin tiến về Hà Nội sớm nên may mắn ghi lại được hình ảnh quân đội Pháp rút quân ở cầu Long Biên, cảnh đoàn quốc tế giám sát, cảnh người dân Hà Nội vui mừng tay cầm cờ hoa đón chào đoàn quân chiến thắng trở về... Đây là bộ phim đã quay được những cảnh chân thực nhất, quý giá nhất mà không một ngôn từ nào có thể diễn đạt được đầy đủ khi "Trăm nghe không bằng mắt thấy".
Phim chiến tranh chạm vào trái tim khán giả
Trước đây, khán giả Việt Nam mới được xem phim tài liệu nổi tiếng Việt Nam của Roman Karmen qua bản đen trắng do nhà văn Nguyễn Đình Thi viết lời bình. Sau nửa thế kỷ với bản phim gốc đen trắng đó, năm 2004, phim Việt Nam trên đường thắng lợi phiên bản màu với lời bình của chính tác giả Roman Karmen đã được Đài Truyền hình Việt Nam mua lại bản quyền để phát sóng trên truyền hình nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2004).
Phải đến năm 2015, hậu trường bộ phim mới được nhiều người biết tới khi đạo diễn Roman Karmen cho ra mắt cuốn sách Ánh sáng trong rừng thẳm (dịch giả Thúy Toàn).
Phim của Karmen đã kết hợp giữa những cảnh quay thực và cảnh dàn dựng, nhưng nguyên tắc là phải bám vào sự thật lịch sử. Với cách làm phim chiến tranh chạm đến cảm xúc, trái tim khán giả, đạo diễn luôn tôn trọng sự thật lịch sử. Kể cả có phải hư cấu thì vẫn phải dựa trên nền cốt của sự thật. Đơn cử, cảnh bắt sống tướng De Castries quay tại Tuyên Quang kết hợp với phim tư liệu thật cảnh binh sĩ Pháp kéo cờ hàng ở Điện Biên Phủ. Đại cảnh tù binh Pháp được quay ở khu vực Trại giam Lý Bá Sơ (Tuyên Quang) kết hợp với cận cảnh quay sự thất thần, khiếp hãi, hoảng loạn của tù binh Pháp quay tại chiến trường Điện Biên Phủ... Về những đại cảnh này, nhà nghiên cứu điện ảnh Nga A.Sokolov cho biết "cảnh hàng nghìn tù binh Pháp lũ lượt diễu qua ống kính như biểu tượng thất bại của chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung".
Khán giả Việt Nam xem phim đã cảm nhận được sự gần gũi, thân thiện, kỳ công, bám sát hiện thực cuộc sống, con người Việt Nam về nông nghiệp, khoa học kỹ thuật, giáo dục, nghệ thuật... để có những thước phim chân thực nhất, sống động nhất. Trong phim có nhiều cảnh cảnh quân ta mang máy móc rời Thủ đô đi kháng chiến; cảnh kéo pháo vào trận địa; trận chiến giữa ta và địch ở Điện Biên Phủ; họa sĩ Trần Văn Cẩn đã vẽ những bức tranh cổ động lớn tại chiến khu Việt Bắc; kỹ sư Trần Đại Nghĩa chế tạo các loại vũ khí DKZ (đại bác không giật), SKZ (súng không giật); GS Tôn Thất Tùng thực hiện những ca mổ phức tạp trong điều kiện hết sức khó khăn ở chiến khu; GS Hồ Đắc Di say sưa giảng bài cho sinh viên Trường Y... Cảnh GS Đặng Văn Ngữ đã chế ra nước lọc penicillin từ giống nấm mang về từ Nhật Bản và chính nhờ thuốc kháng sinh này, 80% thương binh không bị cưa chân tay, có thể trở về đơn vị chiến đấu...
Toàn bộ cảnh quay trong phim được lấy từ các nguồn tài liệu của Việt Nam; cảnh quay thật; cảnh dựng lại các sự kiện của chiến tranh Đông Dương, chiến dịch Điện Biên Phủ. Nội dung phim là bức tranh tái hiện diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ; cảnh quay dựng tại Điện Biên Phủ sau khi chiến dịch kết thúc, cảnh bộ đội Việt Nam ào ạt xông lên tiến công hầm De Castries, tướng De Castries bị bắt, cuộc gặp gỡ cựu chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; các trận đánh của của Việt Minh giải phóng các địa phương...
Karmen đã tìm gặp tướng De Castries (tướng Đờ Cát) để ghi lại suy nghĩ về chiến dịch Điện Biên Phủ, sự thất bại của Pháp ở chiến trường Việt Nam. Một nguồn tư liệu quý cho bộ phim phải kể đến Pierre Schoendoerffer (1928 - 2012) - nhà văn, đạo diễn, nhà quay phim chiến tranh cho quân đội Pháp. Ông đã quay được nhiều cảnh trận chiến, nhưng khi quân Pháp thất bại và ngừng bắn, ông đã phá hủy toàn bộ số cảnh quay này, nhưng vẫn giữ lại 6 cuộn phim dài 1 phút. Sau này, Pierre Schoendoerffer đã chuyển tư liệu đã giữ cho đạo diễn Roman Karmen.
Nhiều cảnh quay thật tại Hà Nội như cuộc duyệt binh mừng chiến thắng ngày 01/01/1955; cảnh khôi phục vết thương chiến tranh, xây dựng kinh tế - xã hội ở miền Bắc... Cuối phim là hình ảnh đoàn tàu đang di chuyển trên đường ray với lời chúc cách mạng Việt Nam đạt nhiều thắng lợi.
Vài nét về đạo diễn Roman Karmen
Roman Karmen (1906 - 1978) là một trong những nhà làm phim tài liệu vĩ đại nhất thế kỷ XX. Ông thường có mặt ở những sự kiện nóng bỏng nhất của lịch sử để ghi dấu ấn quan trọng bằng những thước phim. Tháng 6/1941, Karmen là một trong số ít nhà quay phim đầu tiên sát cánh cùng Hồng quân trên các chiến tuyến chống phát xít Đức. Ông đã quay được nhiều cảnh chân thực về cuộc chiến đấu bảo vệ Leningrad, Moskva… Trở về quê hương, ông say sưa với đề tài xây dựng đất nước Xô viết.
Ngoài nước Nga Xô viết, ông có mặt ở những điểm những điểm nóng trên thế giới để quay những thước phim thời sự quý giá: Karmen đến với những chiến sĩ của khởi nghĩa Quảng Châu và Nam Kinh (Trung Quốc) năm 1934 - 1935 để có phim tài liệu; quay những thước phim nóng bỏng về cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha (1936); phim "Trung Hoa trong chiến đấu" về cuộc kháng Nhật của nhân dân Trung Quốc (1938); đến chiến trường Điện Biên Phủ làm phim tài liệu "Việt Nam"...
Karmen tâm sự: "7 tháng ở Việt Nam, thời gian trôi nhanh đến mức không kịp nhận ra những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh đã qua, những ngày hòa bình đầu tiên đã đến. Trong tôi không thể nào phai mờ được những kỷ niệm về các cuộc gặp gỡ với nhân dân Việt Nam, những trẻ em, bộ đội, du kích, những bộ trưởng, thầy giáo, công nhân, nông dân… Lần đầu tiên trong đời, tôi đến đất nước này và suốt đời tôi còn yêu mến nó. Trong giờ phút chia tay, tôi muốn tin rằng mình sẽ trở lại, sẽ thấy một Việt Nam hạnh phúc, thống nhất, không bị chia cắt bởi bất kỳ vĩ tuyến nào. Những cái bắt tay, những cái ôm hôn cuối cùng với những con người tôi yêu quý...".
Với những cống hiến cho dân dân Việt Nam, ngày 18/7/1955, Nhà nước Việt Nam đã tặng thưởng đạo diễn Roman Karmen Huân chương Lao động hạng Nhất...