Điện Biên Phủ - nguồn cảm hứng bất tận: 'Điện Biên vẫy gọi' - Khúc tráng ca và tình ca
Tôi cùng sinh viên K42 Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đã có mặt trong chương trình tổng duyệt vở kịch nói Điện Biên vẫy gọi của Nhà hát Kịch nói Quân đội do Giám đốc, Đại tá, NSƯT Mai Phương - chỉ đạo nghệ thuật; Đại tá Đỗ Toàn - chủ nhiệm công trình cùng ê-kíp sáng tạo: đạo diễn - NSND Lê Hùng; tác giả kịch bản - PGS-TS Nguyễn Tất Thắng... Một giờ học thực hành môn Cơ sở văn hóa Việt Nam về chủ đề Tổ quốc, tình yêu nước đã mang lại bao cảm xúc cho cô trò chúng tôi ngay trước thềm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Cùng các đơn vị nghệ thuật trong cả nước, tiếp nối truyền thống từ Đội kịch Chiến Thắng (Tổng đội Văn công Quân đội) - đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp về sân khấu kịch nói đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, Nhà hát kịch nói Quân đội luôn hướng về Điện Biên bằng tác phẩm nghệ thuật thiết thực gắn với từng mốc kỷ niệm 50 năm, 60 năm và 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhân kỷ niệm 50 năm (2004), Nhà hát dựng vở Thông điệp từ Điện Biên (kịch bản: nhà văn Nguyễn Khắc Phục, đạo diễn: NSƯT Lê Hùng, cố vấn nghệ thuật: NSND Đình Quang). Kỷ niệm 60 năm (2014), Nhà hát dựng vở Nhiệm vụ hoàn thành (kịch bản: Xuân Đức, đạo diễn NSND Lê Hùng). Và năm 2024, vở Điện Biên vẫy gọi là công trình nghệ thuật trọng điểm của Nhà hát Kịch nói Quân đội kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Hội tụ anh tài
Trước giờ tổng duyệt, cô trò tôi đã có cuộc gặp gỡ với PGS-TS Nguyễn Tất Thắng - tác giả kịch bản vở Điện Biên vẫy gọi. Ông cho biết kịch bản được chuyển thể từ bút ký về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Đề tài Điện Biên luôn gợi cảm hứng lớn cho các văn nghệ sĩ. Ông đã ấp ủ đề tài này từ lâu và cảm xúc đến rất nhanh khi được mời viết kịch bản cho Nhà hát Kịch nói Quân đội.
Trong rất nhiều sự kiện lớn làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, tác giả chỉ chọn một lát cắt về lực lượng dân công tham gia chiến dịch. Lúc đầu, ông hứa sau ba tuần sẽ chuyển kịch bản cho Nhà hát. Nhưng cảm xúc tràn trào khiến ông đã rút ngắn thời gian hoàn thành kịch bản chỉ trong 2 tuần.
PGS-TS Nguyễn Tất Thắng chia sẻ "Thông điệp thể hiện trong vở kịch với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ không chỉ là chiến thắng về mặt quân sự mà còn là chiến thắng của tình người, tinh thần đoàn kết, sức mạnh tập thể, sự đồng lòng của quân dân nhân dân với nội dung cốt lõi là "Toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh".
Dẫn truyền cảm xúc trong vở kịch là chất anh hùng ca, bi tráng, lẫm liệt, hào hùng, mà vẫn giàu chất thơ, bát ngát tính nhân văn. Vở diễn thêm một cách nhìn về Điện Biên từ chiều sâu truyền thống lịch sử, văn hóa Việt Nam. Sức mạnh nội sinh cội nguồn văn hóa Việt đã thể hiện xuyên suốt vở diễn.
Tính đến nay, NSND Lê Hùng đã dàn dựng ba vở kịch đề tài Điện Biên cho Nhà hát Kịch Quân đội. "Đã có nhiều chương trình làm về Điện Biên, nhưng chưa có chương trình nào nói trực diện về sự hy sinh thầm lặng của lực lượng dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên. Tôi tin khán giả xem sẽ đồng cảm với nhóm tác giả, tri ân với sự hy sinh vô bờ bến của lực lượng dân công hỏa tuyến đã góp phần to lớn làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ" - NSND Lê Hùng kể.
Nội dung vở kịch đề cập hành trình lên Điện Biên của một đội ngũ hùng hậu là lực lượng dân công, bộ đội chủ lực, thanh niên xung phong, lực lượng phục vụ chiến dịch, nhân dân địa phương trên dọc đường lên Điện Biên nơi đoàn dân công đi qua...
Là những người nông dân chân lấm tay bùn, chân chất, mộc mạc, ra đi từ các làng quê, thân thuộc với giếng nước, gốc đa, họ là minh chứng hùng hồn cho tinh thần yêu nước tiềm ẩn trong từng huyết quản, cùng cả dân tộc ra mặt trận. Với ý chí quyết tâm đánh đuổi giặc xâm lăng, họ mang ý thức trách nhiệm của công dân, bất chấp mọi hiểm nguy, vượt qua mưa bom bão đạn quân thù, kiên trì vận chuyển hàng hóa theo yêu cầu của chiến dịch. Họ còn minh chứng cho tinh thần lạc quan, sẵn một lòng tin về một ngày mai tươi sáng. Vì thế, trên đường lên Điện Biên, âm thanh nổi bật là tiếng hò, tiếng hát, tiếng cười vang dẹp tiếng đạn bom, gian khổ.
Trong biển người lên Điện Biên trùng trùng ra trận, tác giả đã xây dựng các nhân vật tạo ra điểm nhấn như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Vĩnh "thật thà", Long "bảnh trai", vợ chồng bác sĩ Hiền - Hảo, cô y tá, Đội trưởng dân công, dân công Liên... Trong đó, tác giả tập trung xây dựng đậm hơn hai nhật vật Long và Lan trong hành trình đến Điện Biên và cùng góp sức mình cho ngày giải phóng Điện Biên.
Chạm đến trái tim
Bối cảnh đầu vở kịch Điện Biên vẫy gọi là không gian làng tề (làng bị quân Pháp chiếm đóng và kiểm soát trước năm 1954) khi có các đoàn bộ đội, thanh niên xung phong, dân công lên Điện Biên đi qua. Vở kịch xoay quanh câu chuyện của hai thanh niên nông dân cùng làng quê miền trung du là Phong Lan (Kim Dung đóng) và Long "bảnh trai" (Lê Khả Sinh đóng). Hai người yêu nhau, đều là người làng tề, cùng thân phận bị áp bức, chung chịu kiếp con hầu, người ở cho gia đình địa chủ.
Là những thanh niên trong làng tề, Long, Vĩnh, Lan... cùng giúp đỡ, dẫn đường cho các đoàn bộ đội và dân công lên Điện Biên đi qua làng an toàn, tránh sự truy đuổi của địch. Long "bảnh trai" trốn khỏi làng tề đi theo cách mạng, tham gia chiến dịch Điện Biên. Còn Lan ở lại lo việc nhà cũng lặn lội lên Điện Biên tìm Long. Hai người hẹn ước cùng tham gia Chiến dịch Điện Biên và sẽ cưới nhau tại mảnh đất Điện Biên sau ngày chiến thắng.
Lan đi sau tham gia đoàn dân công vận tải, làm công tác cứu thương ở trạm quân y. Cô hòa mình cùng đội quân ra trận lên giải phóng Điện Biên không quản ngại khó khăn, gian khổ, băng rừng, vượt núi, qua sông, thồ hàng, vác thương binh... và tìm chồng chưa cưới. Trên hành trình lên Điện Biên, Lan chứng kiến không khí hừng hừng, sôi nổi chung; thấy được sức mạnh đoàn kết, tinh thần yêu nước của những đoàn dân công ngày đêm góp sức lực, mong ước đánh đuổi quân xâm lược, vững tin ngày giải phóng…
Có nhiều phân cảnh xúc động, chạm đến trái tim, lấy đi bao nước mắt của khán giả. Phân cảnh cô gái dân tộc Thái dẫn đường cho dân công chở hàng lên Điện Biên khi hy sinh mà không một ai biết tên cứ nhói đau, quặn thắt. Là anh lái đò làm nhiệm vụ chở bộ đội qua sông đã nằm yên trên con thuyền của mình vì bom của Pháp mặc cho tiếng gọi đò lạc vào thinh không. Cảnh cô dân công Liên bé nhỏ, gầy gò bị lạc đoàn vì quá yếu không đủ sức chở hàng lên Điện Biên đành tụt lại phía sau và hy sinh. Cảnh cụ trưởng trò (nghệ sĩ Văn Chung) tuổi cao chí khí càng cao vẫn trong tư thế người đi đầu, dẫn dắt đoàn quân bằng câu hò, giọng hát, phơi phới niềm lạc quan tin vào ngày mai chiến thắng. Cảnh vợ chồng bác sĩ Hiền - Hảo gặp nhau tại quân y viện không có thời gian để nhìn nhau, chào nhau, chỉ giao tiếp bằng vài câu ngắn gọn, rồi vào việc cấp cứu thương binh. Cảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Trung tá, NSƯT Đới Anh Quân - Phó Giám đốc Nhà hát Kịch nói Quân đội đóng) cùng bộ đội và dân công hô vang quyết tâm chiến thắng. Hình tượng vị Tổng Tư lệnh chiến dịch giản dị, gần gũi, thắm tình quân dân khi ân cần hỏi thăm, động viên từng chiến sĩ, đoàn dân công. Đại tướng bắt nhịp câu thơ Phong Lan tặng chồng chưa cưới đang ở mặt trận Điện Biên: "Anh đi chiến dịch Điện Biên... hò lơ/ Tóc xanh em đợi lòng son em chờ... Hò lơ/ hớ lơ lắng ta nghe tiếng ai đang hò lờ"... Hòa cùng giọng hò Quảng Bình - quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - là sự cộng hưởng giọng hò từ các miền quê Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh...
Cảnh Long làm nhiệm vụ kéo pháo vào trận địa, bị thương một tay vẫn mong sớm được ra khỏi trạm quân y để cùng đồng đội sát cánh chiến đấu. Cảnh Long tếu táo kể chuyện vui và giận khi đồng đội trêu, nhắc đến Lan... Nhất là phân cảnh có Lan tạo nên hiệu ứng cảm xúc rất lớn cho vở kịch. Hành trình lên Điện Biên, Lan cố sức, gồng mình chở những bao tải gạo quá sức mình. Rồi chở Liên trên chiếc xe đạp thồ. Liên mất, Lan đau đớn an táng bạn dưới gốc cây và đi tiếp lên Điện Biên. Cảnh Lan cho máu đồng đội đến kiệt sức. Và cảnh Lan cứ lịm dần rồi hy sinh ngay trong vòng tay yêu thương của Long và đành lỗi hẹn một đám cưới sau ngày chiến thắng…
Cái chết gieo mầm cho sự sống tại chính mảnh đất Điện Biên sau chiến thắng, cựu chiến binh Long bị mất một cánh tay tâm sự cùng Lan chạm đến trái tim khán giả: "Lan ơi đã 6 năm rồi, năm nào anh cũng lên đúng ngày em hy sinh thắp nén hương cho em. Lan ơi, u em mất rồi. Trước khi mất, cụ có trăng trối lại rằng phải đưa Ngọc Lan, em gái của em, lên mảnh đất Điện Biên này xây dựng cuộc sống mới chăm sóc mộ phần cho em, Lan ơi. Em có khôn thiêng thì phù hộ cho anh và Ngọc Lan nhé...".
Huy động tổng lực
Làm nên thành công cho vở diễn phải kể đến sự đầu tư công phu thiết kế mỹ thuật sân khấu; sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả âm thanh, ánh sáng, tạo nên hiệu ứng chân thực của tiếng súng, tiếng pháo rền vang... Sự khốc liệt của "chảo lửa" Điện Biên đã mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả.
Ghi nhận sự nỗ lực cống hiến của toàn bộ ê-kíp sáng tạo trong một vở diễn phải huy động gần như toàn bộ nghệ sĩ - chiến sĩ Nhà hát, Trung tá Vũ Thu Phong đồng cảm, chia sẻ: "Nghe giọng đồng đội có những bạn như lạc đi vì tập luyện quá nhiều, nhưng đã hóa thân trọn vẹn vào nhân vật của mình khiến tôi vô cùng xúc động".
Đại tá, NSƯT Mai Phương - Giám đốc Nhà hát Kịch nói Quân đội khẳng định: "Điện Biên vẫy gọi là công trình nghệ thuật trọng điểm trong năm của Nhà hát Kịch nói Quân đội đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024). Nhà hát đã huy động tổng lực đội ngũ nghệ sĩ, chiến sĩ tham gia với một tinh thần nỗ lực cao nhất, phát huy tinh thần sáng tạo để hoàn thành tốt nhất vai diễn, cùng hướng về Điện Biên bằng trách nhiệm, tâm huyết của nghệ sĩ - chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. Sau hơn 2 tháng luyện tập tích cực, say sưa đến quên ngày, quên tháng, có ngày tập đến 3 ca, quên cả mệt mỏi, quên cả những bận rộn đời thường cho gia đình để hôm nay có thể báo cáo tổng duyệt vở Điện Biên vẫy gọi. Sau khi công diễn tại Hà Nội, Nhà hát có kế hoạch đưa vở Điện Biên vẫy gọi đi biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân ở các đơn vị, địa phương trong cả nước...".
Văng vẳng chất tráng ca lời của Đại tướng hòa trong tiếng nhạc hùng tráng - lời hiệu triệu sức mạnh toàn dân sục sôi, khí thế quyết tâm của cuộc kháng chiến toàn dân bước vào chiến dịch: "Bây giờ Điện Biên đang vẫy gọi, mọi người theo tôi!"...
Sau buổi tổng duyệt, vở Điện Biên vẫy gọi đã được công diễn tại Nhà hát Lớn; biểu diễn cho 3.000 cán bộ, chiến sỹ tại Học viện Khoa học Quân sự; ghi hình phát sóng trên VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam (phát vào ngày 28/4, phát lại vào ngày 5/5/2024) và tiếp tục biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân trong cả nước hướng đến chào mừng 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.