Điện Biên Phủ - nguồn cảm hứng bất tận: Những mốc son của thơ và văn xuôi
"Cùng với quân và dân ta, lực lượng văn nghệ sĩ ở các chuyên ngành văn học nghệ thuật hợp thành được xem như một binh chủng vô cùng đặc biệt, đóng góp tích cực trong việc khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, tinh thần chiến đấu và quyết chiến, quyết thắng của các chiến sĩ trên mặt trận Điện Biên Phủ".
Đó là phát biểu của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nêu ra tại hội thảo khoa học Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật được tổ chức ít ngày trước tại Điện Biên nhân Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
Từ sự vào cuộc sớm nhất của thơ
Nhìn lại những thành tựu trong sáng tác, có thể thấy đề tài Điện Biên Phủ đã khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho hầu hết các loại hình văn học nghệ thuật, trong đó để lại dấu ấn hơn cả có lẽ là văn học mà sớm nhất phải kể đến địa hạt thi ca.
Theo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến (Hội Nhà văn Việt Nam), cho đến nay, các tác phẩm văn học viết về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vẫn là những mốc son chói lọi trong hành trình sáng tạo văn chương của các nhà thơ, nhà văn trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Dễ nhận ra, tác phẩm đầu tiên mang chất tráng ca hào hùng và được sáng tác rất kịp thời là bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của nhà thơ Tố Hữu.
Khi ấy, tuy ông không có mặt trực tiếp ở chiến hào Điện Biên Phủ nhưng bài thơ ông viết ở không xa chiến trường, vẫn mang hơi thở thời sự nóng bóng của trận mạc, vẫn thấm đẫm mùi thuốc súng và máu xương của bao anh hùng đã hy sinh vì đất nước. Bài thơ đã đi vào cuộc sống, đi vào lòng người với những vần thơ dễ hiểu, dễ nhớ: "Tin về nửa đêm/ Hỏa tốc hỏa tốc/ Ngựa bay lên dốc/ Đuốc chạy sáng rừng/ Chuông reo tin mừng/ Loa kêu từng cửa/ Làng bản đỏ đèn, đỏ lửa/ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên…".
"Qua 70 năm không ai có thể quên được bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của nhà thơ Tố Hữu là bài thơ hay nhất và cũng ra đời sớm nhất ca ngợi chiến thắng lịch sử vang dội này. Sau 70 năm, bài thơ này vẫn ngân vang như khúc ca lịch sử mang dấu ấn hiện thực cách mạng của phong cách thơ Tố Hữu luôn có mặt kịp thời ở mọi điểm nóng của đất nước. Dòng thơ hiện thực cách mạng này sau đó đã được Tố Hữu chuyển hóa thành dòng thơ lãng mạn cách mạng" - nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nhấn mạnh thêm.
Cùng với Tố Hữu, còn có Chính Hữu - một nhà thơ quân đội từng có mặt trong những chiến hào khét mùi bom đạn ở chiến trường Điện Biên. Để rồi, ông đã cho ra đời những thi phẩm khắc họa sự gian khổ, hy sinh không tiếc máu xương của chiến sĩ ta với tình đồng chí luôn cháy bỏng trong tim.
Tiêu biểu phải kể tới bài thơ Giá từng thước đất, nhà thơ Chính Hữu đã ngợi ca tình đồng đội luôn sống chết chiến đấu bên nhau trên từng thước chiến hào Điện Biên Phủ: "Năm mươi sáu ngày đêm bom gầm pháo giội/ Ta mới hiểu thế nào là đồng đội/ Đồng đội ta/ là hớp nước uống chung/ Nắm cơm bẻ nửa/ Là chia nhau một trưa nắng, một chiều mưa/ Chia khắp anh em một mẩu tin nhà/ Chia nhau đứng trong chiến hào chật hẹp/ Chia nhau cuộc đời, chia nhau cái chết...".
Đến năm 1955, trong bài thơ Đất nước, nhà thơ Nguyễn Đình Thi lại một lần nữa khai thác cảm hứng Điện Biên với hình tượng sử thi sống động, sáng chói. Bốn câu kết, ông viết: "Súng nổ rung trời giận dữ/ Người lên như nước vỡ bờ/ Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa". Theo nhà thơ Nguyễn Đình Thi, để có cảm hứng viết những dòng thơ tài hoa với hình tượng kỳ vĩ và rực rỡ này, nhất là hai câu: "Súng nổ rung trời giận dữ/ Người lên như nước vỡ bờ" là nhờ âm hưởng của chiến thắng Điện Biên Phủ oai hùng vào trưa ngày 7/5/1954, mà gần một năm sau ông mới có dịp tái hiện lại.
Sau những Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Giá từng thước đất hay Đất nước, cảm hứng thi ca về chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn được nối dài cho đến hôm nay. Trong đó, mảng đề tài viết về sự thay da đổi thịt của Điện Biên, ký ức trở lại chiến trường xưa hoặc sự bày tỏ lòng biết ơn các anh hùng liệt sĩ được nhiều nhà thơ lựa chọn có thể kể tới như: Thóc mới Điện Biên của Chế Lan Viên, Một Bế Văn Đàn của Xuân Diệu, Nhìn lại Điện Biên của Xuân Sách, Mộ chiến sĩ vô danh của Nguyễn Đức Mậu, Trở lại Điện Biên của Anh Ngọc,…
Đến những dấu ấn của văn xuôi
Trong khi đó, ở địa hạt văn xuôi, tiêu biểu phải kể đến tiểu thuyết Người người lớp lớp (1955) của Trần Dần. Đây là tác phẩm văn xuôi đầu tiên xây dựng hình tượng người lính khá tròn trịa trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Theo đó, nhân vật trong Người người lớp lớp đã được tác giả xây dựng với những tính cách rất riêng và đầy đủ binh chủng, từ bộ binh, pháo binh đến hậu cần, văn công…
Còn một số tiểu thuyết khác viết về đề tài chiến dịch Điện Biên Phủ gây ấn tượng như Bốn năm sau của Nguyễn Huy Tưởng. Tác phẩm được sáng tác năm 1959, nói về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở chiến trường Điện Biên Phủ. Ở Bốn năm sau, tác giả đã phác họa những nét hồi sinh tại vùng đất chiến trường xưa, đồng thời gợi lên những ước mơ và cả những tâm tư của bao người một thời cầm súng chiến đấu.
Hoặc, tiểu thuyết Cao điểm cuối cùng của Hữu Mai đã tái hiện chân thực cuộc chiến khốc liệt của ta với địch ở ngọn đồi A1. Khi ấy, thời gian được đo bằng những trận chiến khốc liệt của hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ của ta đã dũng cảm bám trụ, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, giành giật từng tấc đất với kẻ thù, quyết tâm bảo vệ trận địa. Còn không gian là những cảnh bom đạn rung trời, chiến hào đọng máu, những đợt tấn công như vũ bão của bộ đội ta, những đợt chống phản công dữ dội, những giây phút sinh tử một còn, một mất,… cho đến giây phút đánh chiếm hoàn toàn cứ điểm để kết thúc chiến dịch.
Ngoài những tiểu thuyết kể trên, theo ThS Nguyễn Ngọc Bảo (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Điện Biên), "điểm mạnh nhất của văn xuôi về chiến dịch Điện Biên Phủ là hồi ức, hồi ký của những người đã trực tiếp tham gia chiến dịch".
Đáng chú ý phải kể đến 2 cuốn hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, do nhà văn Hữu Mai thể hiện là: Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử và Đường tới Điện Biên Phủ. Đây là những tác phẩm đã tái hiện gần như đầy đủ các giai đoạn chuẩn bị, hành quân, tiếp cận chiến trường Điện Biên Phủ của bộ đội ta, rồi các quyết định quan trọng nhất trong chỉ đạo chiến dịch như kéo pháo vào rồi kéo pháo ra, ngày giờ nổ súng, thay đổi chiến lược, chiến thuật, những trận đánh long trời lở đất,… ở tầm vĩ mô.
***
Tuy nhiên, vẫn theo ThS Nguyễn Ngọc Bảo: "Mặc dù đề tài chiến dịch Điện Biên Phủ rất dễ khai thác vì tầm vóc vĩ đại của chiến thắng và tầm ảnh hưởng của nó đến trường quốc tế, nhưng do hoàn cảnh lịch sử đất nước phải lao ngay vào phản ánh, cổ vũ cho cuộc chiến đấu khốc liệt ở miền Nam nên đề tài này mới chỉ khai thác được phần nào".
Từ ý kiến của ThS Nguyễn Ngọc Bảo, Thể thao và Văn hóa tiếp tục trở lại với chủ đề Điện Biên Phủ trong các sáng tác văn học nghệ thuật trong các số báo tuần tới.
Sau những "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên", "Giá từng thước đất" hay "Đất nước", cảm hứng thi ca về chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn được nối dài cho đến hôm nay.
(Còn nữa)