Điện Biên Phủ - nguồn cảm hứng bất tận: Sân khấu Lệ Ngọc với 'Mệnh lệnh từ trái tim'
Tôi có mặt trong chương trình tổng duyệt vở kịch nói Mệnh lệnh từ trái tim của Sân khấu Lệ Ngọc tại Nhà hát Lớn (Hà Nội).
Từ sảnh nhà hát đã thấy ngập tràn không khí chiến thắng Điện Biên. Tôi chia sẻ niềm vui cùng các nghệ sĩ trong vai các chiến sĩ Điện Biên, các cô gái Thái trong bộ áo cóm duyên dáng, chụp ảnh chung với "tướng De Castries" NSND Lê Chức, "nữ trợ lý y tế Genevieve de Gallard" NSND Thu Quế và các sinh viên lớp diễn viên Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.
1. Sau vở kịch Điện Biên vẫy gọi của Nhà hát Kịch nói Quân đội, Mệnh lệnh từ trái tim là vở kịch của Sân khấu Lệ Ngọc - sân khấu xã hội hóa, góp thêm công trình nghệ thuật thiết thực chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
Trong một thời gian ngắn (khởi dựng ngày 6/4, tổng duyệt ngày 29/4), với hơn trăm diễn viên tham gia, cả ê-kíp sáng tạo Mệnh lệnh từ trái tim nếu không có tinh thần quyết chiến, quyết thắng của chiến sĩ Điện Biên, nếu không bằng nhiệt huyết, đam mê của người nghệ sĩ... cùng hướng về Điện Biên nhân 70 năm chiến thắng thì làm sao một sân khấu xã hội hóa "tay không" (không cơ sở vật chất, không diễn viên, không kinh phí...) như Sân khấu Lệ Ngọc lại có thể dàn dựng được vở diễn có quy mô hoành tráng như vậy về chiến thắng Điện Biên Phủ!
Đảm nhận giám đốc sản xuất và tổng chỉ huy, NSƯT Nguyễn Văn Hải khá áp lực trước một đề tài lớn mà trước đó đã được nhiều nhà hát dàn dựng rất thành công và bản thân anh cũng đã từng tham gia. Để có cái gì mới, hấp dẫn cho khán giả là nỗi lo thường trực của anh cùng tập thể lãnh đạo: NSND Lệ Ngọc, nghệ sĩ Nguyễn Thế Vinh, Catherine Nguyễn... Với sự hỗ trợ từ Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Kịch nói Quân đội, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, cùng nỗ lực, quyết tâm của toàn bộ ê-kíp sáng tạo, vở diễn đã kịp ra mắt khán giả Thủ đô. Đó là câu trả lời thuyết phục nhất của các nghệ sĩ đã thực hiện trách nhiệm cao nhất với mệnh lệnh từ trái tim để "Một ngọn đuốc trao tay nhiều thế hệ/ Mang Điện Biên trong mỗi con người" (Hữu Thỉnh).
Vở kịch không đi vào toàn bộ diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ mà chọn những lát cắt quan trọng làm rõ sức mạnh của toàn dân tộc, trong đó tập trung vào sự kiện quan trọng nhất trong cuộc đời cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với một "quyết định lịch sử" chuyển từ phương châm "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc".
Có nhiều phân cảnh xúc động, chạm đến trái tim, lấy đi bao nước mắt của khán giả. Đó là cảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (NSƯT Trần Quang Khải đóng) chứng kiến cảnh những khẩu đại bác được các chiến sĩ vất vả kéo lên các cao điểm với những đôi tay phồng rộp, tứa máu và bao chiến sĩ đã hy sinh anh dũng; cảnh Đại tướng nhận mệnh lệnh của Trung ương và lời dặn dò của Bác. Cảnh từng đoàn xe thồ nô nức, tấp nập ngày đêm thồ gạo, thực phẩm, tải đạn, vũ khí, quân dụng... băng qua rừng núi phục vụ chiến dịch. Cảnh lớp lớp dân công hỏa tuyến từ nhiều vùng miền của đất nước vẫn hò hát vang rừng: "Hò lơ... hớ lơ, lắng ta nghe tiếng ai đang hò lờ". Cảnh bà Mùi (NSND Lệ Ngọc) thể hiện sự bộc trực, chân chất, dù tuổi cao, sức khỏe không tốt vẫn trốn chồng theo đoàn dân công, làm bất cứ công việc gì miễn là được góp một phần công sức cho chiến dịch Điện Biên.
NSND Lệ Ngọc và NSƯT Lê Chí Kiên đã tung hứng đầy ăn ý, dí dỏm, hài hước tạo điểm nhấn sức mạnh của nhân dân cho vở diễn. Cảnh dân công đói lả nhiều ngày, bước đi chậm chạp, nặng nề xin gạo từ xe thồ của ông Mùi khiến khán giả lặng đi vì xúc động...
2. NSƯT Nguyễn Văn Hải từng được đóng vai Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vở Lá đơn thứ 72 với hơn 200 suất diễn, đoạt 1 Huy chương vàng trong nước và 2 Huy chương quốc tế. Đây chính là kinh nghiệm quý cho nghệ sĩ tự tin tiếp tục đóng vai Bác Hồ tại Chiến dịch Điện Biên Phủ trong vở kịch Mệnh lệnh từ trái tim.
Sự xuất hiện của lãnh tụ trong một số phân cảnh đã tạo điểm nhấn sáng cho vở diễn: Cảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Bộ Chính trị họp thông qua quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, quyết định cử Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ. Cảnh Người tiễn Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường ra Mặt trận với lời dặn dò: "Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh". Cảnh Bác xúc động nói với Đại tướng Võ Nguyên Giáp rằng đã mang về cho Bác nhành hoa ban Điện Biên - Tây Bắc. Cảnh Người tặng huy hiệu "Chiến sĩ Điện Biên Phủ" cho các cán bộ, chiến sĩ lập công xuất sắc... NSƯT Nguyễn Văn Hải xúc động nói: "Được đóng vai Bác Hồ là một vinh dự rất lớn và vai nào tôi cũng nguyện diễn bằng tinh thần và trái tim của mình".
Vai tướng De Castries tuy không nhiều đất diễn, nhưng NSND Lê Đại Chức đã hóa thân vào vai diễn thành công, diễn mà như không diễn để thấy thái độ chủ quan, huyênh hoang, ngạo nghễ, coi thường đối thủ.
Trong Sở chỉ huy Pháp tại Điện Biên Phủ, De Castries nghe điện thoại của tướng Na-va "Xin ngài hãy yên tâm, mọi việc đã sẵn sàng tại Điện Biên Phủ. Bẫy đã giương... chỉ chờ Việt Minh đưa đầu vào và sập bẫy... Ha... ha... ha... Tôi mong sẽ sớm đón ngài lên Điện Biên mừng chiến thắng". De Castries chủ quan rằng "Với địa hình cực kỳ hiểm trở, Việt Minh không thể đưa pháo hạng nặng lên đây được".
Khi được Charles Piroth (nghệ sĩ Tuấn Vũ) - chỉ huy pháo binh - khích mưu viết thư thách thức tướng Giáp, De Castries đọc, ra lệnh cho Gallard - nữ trợ lý y tế - viết thư gửi tướng Giáp: "Đại tá De Castries chỉ huy trưởng cứ điểm Điện Biên Phủ. Kính gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngài còn chần chừ gì nữa mà không cho quân xuất trận? Hoặc Đại tướng không tin sẽ chiến thắng trận này? Hoặc Đại tướng đã hết tin tưởng vào giá trị các tướng lĩnh và sự hăng hái của quân sĩ? Tướng Giáp, ông đã hứa với bộ đội và dân chúng ăn Tết ở Điện Biên thì nên giữ lời. Mời ông đến. Tôi chờ Đại tướng". Khi nghe câu hỏi của Gallard về cái thế ở dưới thấp của lòng chảo Điện Biên Phủ, thường trực chiếc mũ nồi đỏ trên đầu, De Castries thách thức: "Được lắm, họ từ trên cao bắn xuống chúng tôi ư? Tôi sẽ đội cái mũ ca-lô đỏ đứng giữa trời để họ trông rõ hơn mà bắn!". Và khi bị bắt sống, tướng De Castries bỏ chiếc mũ nồi, bước đi chậm chạp chúi về phía trước...
Vở Mệnh lệnh từ trái tim là công trình nghệ thuật hướng về Điện Biên Phủ với tấm lòng tri ân sâu sắc tiếp tục được biểu diễn phục vụ công chúng. Dù còn có một vài hạn chế, song vở kịch đã làm nổi bật chất hùng ca hào hùng của dân tộc trong cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh. Chúc mừng Sân khấu Lệ Ngọc đã thực hiện mệnh lệnh từ trái tim, thể hiện ý thức chính trị, trách nhiệm công dân, nghệ sĩ - chiến sĩ trên mặt trận văn nghệ, tri ân với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chiến thắng Điện Biên Phủ "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Ê-kíp "Mệnh lệnh từ trái tim"
Từ kịch bản của nhà viết kịch Nguyễn Thanh Bình, NSND Hoàng Lâm Tùng lần đầu tiên tham gia vai trò đạo diễn cho Sân khấu Lệ Ngọc, đã sáng tạo hết mình cùng các nghệ sĩ: Ngô Thắng (thiết kế sân khấu), Gia Phượng, Hồng Sơn (âm thanh, ánh sáng), Thế Toàn (biên tập âm nhạc)...
Làm nên thành công cho vở diễn này là sự đóng góp của hàng trăm diễn viên trong vai bộ đội, dân công hỏa tuyến, trong đó có các tuyến các nhân vật lịch sử như NSƯT Nguyễn Văn Hải (vai Bác Hồ), NSƯT Trần Quang Khải (vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp), NSƯT Hoàng Tùng (vai Tổng Bí thư Trường Chinh), nghệ sĩ Anh Tuấn (vai Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tá Phạm Kiệt), NSND Lê Đại Chức (Tướng De Castries), NSND Lệ Ngọc (vai bà Mùi), NSND Thu Quế (vai Gallard - nữ hoàng của mặt trận), NSƯT Chí Kiên (vai ông Mùi), Huy Hoàng (vai ông Tân), Diệu Linh, Thanh Long, Trần Tú, Công Phùng...