Địa phương 'ồ ạt đề xuất' xây sân bay: Quy hoạch cảng hàng không cần làm tổng thể, thận trọng
(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày vừa qua dư luận, nhà quản lý đặc biệt quan tâm về câu chuyện địa phương "ồ ạt đề xuất" xây dựng sân bay. Để có góc nhìn đa chiều từ các chuyên gia, nhà quản lý về vấn đề này, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức Hội thảo “Góp ý quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050” diễn ra sáng 3/3, tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA cho hay, trong vòng 10 năm gần đây, thị trường vận tải hàng không có sự phát triển mạnh luôn duy trì mức 2 con số với mức tăng trưởng trung bình đạt 16,5%, theo đó Việt Nam được đánh giá là một trong thị trường hàng không có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực châu Á. Do đó, việc quy hoạch từng sân bay, khả năng trung chuyển và có tính đến khả năng phát triển kinh tế-xã hội và phù hợp hàng không dân dụng và đảm bảo an ninh quốc phòng. Vì vậy, việc xây dựng quy hoạch cảng hàng không, sân bay phải có sự đồng bộ tổng thể quy hoạch của ngành giao thông vận tải, góp phần phát triển kinh tế-xã hội nói chung.
Ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho hay, quy hoạch tổng thể phát triển hàng không quốc gia cần đảm bảo phát huy hiệu quả của vận tải hàng không. Hiện Việt Nam có 22 cảng hàng không; trong đó có 9 sân bay quốc tế và 13 nội địa. Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa có cảng hàng không đầu mối lớn mang tầm khu vực thế giới, một số cảng hàng không khai thác vượt công suất thiết kế, nhiều hạng mục chưa được đầu tư nâng cấp, công suất các cảng cần được cân đối cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
“Dự báo giai đoạn 2020-2030 tốc độ tăng trưởng vận tải hành khách sẽ đạt 7,5-8,5%/năm. Năm 2031-2050, tốc độ tăng trưởng vận tải hành khách sẽ đạt 4,2-5%, vận tải hàng hóa 4,7-5,7%/năm. Do đó, tư vấn đã đưa ra đề xuất từ 2020-2030 cần thêm số sân bay để đạt con số 26 cảng hàng không, sau năm 2030 sẽ có 30 cảng hàng không. Như vậy, quy hoạch sẽ phải làm rõ các hạng mục đầu tư 2021-2030 và sau 2050 các cơ chế vốn đầu tư, con số dự báo, đề xuất các tỉnh bổ sung các cảng hàng không, các tiêu chí đánh giá thiết lập cảng hàng không mới, chính sách nào phát triển của cảng hàng không…", Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nói.
Theo đại diện Cục Hàng không Việt Nam, việc Bộ Giao thông Vận tải đang xin ý kiến về Dự thảo quy hoạch mạng cảng hàng không, do đó việc nhận được các đề xuất, ý kiến đóng góp cũng là điều bình thường. Tuy nhiên, quan điểm của Cục Hàng không Việt Nam là không phát triển ồ ạt mà đầu tư có trọng điểm, đầu tư cảng lớn mang tính cách mạng về quy mô, năng lực.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, một số tỉnh muốn đưa sân bay tỉnh mình thành sân bay quốc tế, nhiều địa phương lại có sân bay to hơn. Trong khi về nguyên tắc chúng ta phải phát triển đồng bộ. Phát triển đến đâu, đầu tư đến đấy chứ không thể tỉnh nào cũng muốn sân bay thật to, nhà ga thật đẹp. Sân bay là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ để phát triển một tỉnh. Phía địa phương cũng phải chủ động phát triển những cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư, thu hút du lịch, bởi không khách du lịch nào chỉ đến vì nơi nào đó có sân bay hoành tráng.
Đóng góp ý kiến vào dự thảo góp ý quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, TS. Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam cho rằng, quy hoạch đang được xin ý kiến chưa quan tâm đến hoạt động của hàng không chung cộng với thiếu quy hoạch các sân bay nhỏ phục vụ cho kinh tế và quốc phòng. Lộ trình xây dựng hệ thống sân bay chưa toàn diện. Với đặc thù địa – kinh tế- chính trị của Việt Nam, trong tương lai gần nhu cầu phát triển hàng không chung sẽ rất lớn. Trong lúc đó quy hoạch này chưa nêu đầy đủ vấn đề đặt ra.
Về huy động nguồn lực xây dựng sân bay, TS. Trần Quang Châu cho rằng, do việc đánh giá hiện trạng chưa được sâu sắc, đúng đắn và cần thiết do đó các giải pháp đưa ra là chưa toàn diện và có một số nơi chưa phù hợp. Chưa đưa ra được các kiến nghị về chính sách phù hợp ví như: Việc huy động nguồn lực theo phương thức xã hội hóa đầu tư xây dựng, khai thác cảng hàng không, sân bay đang rất cần có chính sách minh bạch làm rõ quyền lợị hài hòa giữa nhà đầu tư, nhà nước và nhân dân. Có như thế nhà đầu tư mới mạnh dạn, tin tưởng bỏ vốn đầu tư và xây dựng, khai thác cảng hàng không, sân bay.
Cũng theo TS. Trần Quang Châu, việc bản quy hoạch tổng thể về phát triển cảng hàng không, sân bay đưa ra quyết tâm xây dựng các cảng hàng không: Nội Bài, Chu Lai, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Long Thành là các cảng hàng không cửa ngõ quốc tế xem ra chưa đủ sức thuyết phục về lý luận và thực tiễn. Tại sao không có cảng hàng không Đà Nẵng hay Vân Đồn…?
Về nội dung trong quy hoạch là phát triển đội bay tiên tiến, hiện đại, TS. Trần Quang Châu đồng quan điểm là bản quy hoạch đưa ra phát triển đội bay tiên tiến, hiện đại là rất đúng, nhưng quy hoạch cần quan tâm đến hoạt động của hàng không chung trong tương lai thì nên đưa ra định hướng về tỷ lệ các loại tàu bay với khả năng vận tải lớn bé sao cho phù hợp để phát triển. Trong suốt thời gian từ trước tới nay các hãng hàng không đua nhau mua tàu bay lớn bay đường dài là chủ yếu. Vậy thời gian tới đây nên như thế nào? Mua các loại máy bay theo tỷ lệ nào là phù hợp?
Còn theo PGS.TS. Nguyễn Duy Đồng, Hội Khóa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam, vấn đề “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050” là một vấn đề lớn, cần phải tập trung nhiều thông tin, nhiều chuyên gia chuyên sâu trong ngành cùng với việc tập hợp nhiều số liệu quan trọng của quốc gia … thì mới có thể hoàn thành được yêu cầu như đã đặt ra.
Về vấn đề huy động nguồn vốn, PGS. TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, từ khi có đầu tư tư nhân phát triển Sân bay Vân Đồn, vấn đề huy động vốn, huy động các thành phần kinh tế cần được đặt ra một cách tường minh. Việc bố trí vốn phát triển cơ sở hạ tầng hiện nay không còn đơn giản chỉ dựa vào nguồn đầu tư công. Do đó, cần có những giả định, các phương án huy động khác nhau đối với các cấp độ khác nhau của các sân bay và phương án tài chính của các sân bay khác nhau… Việc huy động các thành phần kinh tế ngoài nhà nước cần phải được xem là một chủ trương và giải pháp.
Bên cạnh đó, việc kết nối hạ tầng các loại hình giao thông cũng là một vấn đề cần xem xét trong tổng thể. Quy hoạch cảng hàng không, sân bay phải được coi là đầu vào của các quy hoạch khác và các quy hoạch khác cũng cần được làm đầu vào cho quy hoạch cảng hàng không, sân bay.
- Dịch COVID-19: Kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài
- Cảng hàng không Nội Bài lưu ý hành khách đến trước 3 tiếng để làm thủ tục
“Không đơn thuần là phát triển hạ tầng hàng không cộng phát triển phát triển hạ tầng đường bộ công phát triển hạ tầng đường sắt công phát triển hạ tầng đường bộ là thành tổng thể hạ tầng giao thông. Các loại hình giao thông, về cơ bản là phối hợp với nhau nhưng cũng có những giai đoạn, những địa bàn các loại hình hạ tầng giao thông tranh chấp nhau về vốn, về nguồn đất đai, về nhân lực và thứ tự ưu tiên. Vì vậy, cần có những mô phỏng phương án tổng thể từ đó ra các phương án cụ thể cho từng lĩnh vực…”, PGS. TS Trần Kim Chung đánh giá.
Đi vào cụ thể vấn đề, PGS. TS Trần Kim Chung cho rằng, dự báo tình hình quốc tế và trong nước giai đoạn 2021-2030 rất quan trọng và cần thiết cho việc quy hoạch cảng hàng không và sân bay. Cần có một khảo nghiệm chi tiết, cụ thể và các phương án tình hình quốc tế.
Bên cạnh đó, cần chỉ rõ các đối thủ, đối tác của cảng hàng không, sân bay của Việt Nam với các cảng hàng không, sân bay của các nước trong khu vực, nhất là các cảng hàng không, sân bay quanh khu vực… Từ đó, kết hợp với bối cảnh, các kịch bản kinh tế trong nước để có những phương án với phát triển hạ tầng nói chung và cảng hàng không, sân bay nói riêng. Hiện tại, Đề án chỉ nói rất cô đọng về tình hình quốc tế là chưa đủ.
Còn theo PGS.TS Phạm Bích San, Viện Nghiên cứu và Tư vấn về phát triển, trong thời gian sắp tới có thể có những thay đổi lớn trong những yếu tố phát triển của nhân loại có thể có ảnh hưởng tới hàng không: các loại dịch bệnh nguy hiểm cấp độ toàn cầu gia tăng như một phản ứng tất yếu của tự nhiên đối với loài người khiến tần suất đi lại thay đổi.
Mặt khác, phương tiện đi lại cũng được dự báo có sự thay đổi nhanh về công nghệ trong thời gian tới: đường sắt tốc độ cao, ô tô tự lái và taxi bay xuất hiện dẫn đến cần có những cảng hàng không thích hợp trong khi nội dung chuyển tải sẽ có sự thay đổi lớn như hàng hóa nhẹ, gọn, dễ hỏng sẽ có cơ hội là hàng hóa chủ yếu trong vận tải hàng không và hệ thống các cảng hàng không cần hướng tới các nhu cầu vận tải sẽ là chủ chốt này cho hàng không...
Quang Toàn/TTXVN