'Đi tìm' Hý viện Phi Anh ở Hội An
(Thethaovanhoa.vn) - Gần đây, trên các mạng xã hội như Facebook, Instagram đang lưu dẫn một tấm ảnh được cho là mặt tiền Rạp Phi Anh ở Hội An (Quảng Nam) từ lúc mới xây dựng, gây nên nhiều thắc mắc, thậm chí tranh cãi từ những người con Hội An.
Qua tìm hiểu, chúng tôi biết được tấm ảnh này được “sửa lại” tên từ tấm ảnh chụp mặt tiền Rạp Hội An, một rạp chiếu phim từng tồn tại ở Thanh Hóa. Vậy Hý viện Phi Anh ở Hội An là như thế nào?
Đối chiếu lại với những hình ảnh của rạp đang được gia đình ông Phi Anh lưu giữ, chúng tôi được biết rằng tên nguyên gốc của rạp này là Hý viện Phi Anh. Tình cờ câu chuyện lại dẫn dắt chúng tôi về Hội An của những ngày tháng cũ.
Từ mua đất xây rạp hát bộ
Ông Phi Anh tên thật là Trương Đình Hoanh (1911-1994), xuất thân từ gia tộc Trương Đôn Hậu, làng Minh Hương, một gia tộc khá có tiếng tăm, nguyên gốc từ Phúc Kiến, Trung Hoa, sang định cư và nhập Việt tịch tại Hội An vào giữa thế kỷ thứ 18. Ngoài Hý viện Phi Anh, ông còn là chủ hiệu buôn và hiệu sách Phi Anh ra đời trước cả những hiệu sách có tiếng tăm tại Hội An như Nhất Tiếu, Trùng Dương, Rạng Đông, Lửa Hồng, Khai Trí, Bình Minh, Thống Nhất…
Mảnh đất ông Phi Anh xây dựng rạp vốn thuộc sở hữu của ông Phan Hương, một người bạn đồng niên của ông. Năm 1956, biết được ông Phan Hương muốn bán mảnh đất này, ông Phi Anh liền đề nghị mua để làm hý viện phục vụ văn hóa - nghệ thuật - giải trí cho công chúng tại địa phương.
Trong ý tưởng ban đầu của ngôi rạp này là dự kiến làm vừa đủ cho khoảng hơn 100 khách. Tuy nhiên, do địa thế miếng đất khá rộng, đồng thời tính toán cho tương lai vài mươi năm sau, khi nền biểu diễn nghệ thuật phát triển, nên sau đó gia đình đổi ý làm một hý viện lớn hơn trên diện tích vẫn còn tồn tại cho đến đầu những năm 1990, khi chưa có những biến động, xáo trộn, thay đổi như hiện nay.
Do tình hình tài chính cá nhân lúc đó không đủ để mở rộng nên gia đình một người chị ruột của ông đồng ý góp vốn vào để xây dựng hý viện. Tất cả những người góp vốn đều thống nhất giao cho ông Phi Anh đại diện và đặt tên là Hý viện Phi Anh. Đó cũng là lý do tại sao những tấm phướn, lỗ thông gió bên trong hý viện được thiết kế ba chữ TNT, mang chữ cái đầu tiên của ba họ Trương, Nguyễn, Trần - đại diện cho những người góp xây dựng.
Và cũng nhờ chữ N có không gian đủ rộng để chui đầu vào trong nên nó đã giúp đỡ biết bao nhiêu thế hệ thanh niên ngày ấy leo tường vào bên trong coi phim miễn phí. Sở dĩ họ không bị nhân viên soát vé phát hiện ra bởi bên trong hý viện được thiết kế thêm 2 hàng kệ bằng gỗ lim không có số ghế, bán với giá vé rất bình dân, dành cho công chúng lao động. Có thể nói đây là một điều đặc biệt, bởi không có nhiều hý viện trên bình diện cả nước, có kết hợp giữa ghế ngồi cho giới có khả năng tài chính và kệ gỗ dành cho giới bình dân.
Trước đó ở Hội An đã có rạp Hòa Bình chuyên chiếu phim, nên khi trình làng năm 1958, Hý viện Phi Anh chuyên về trình diễn cải lương, hát bộ. Nhưng vì nhiều lý do, rạp Hòa Bình đã tạm đóng cửa từ thập niên 1970, nên ở Hội An có một thời gian ngắn không có điểm chiếu phim nào để phục vụ cho công chúng. Do vậy, hý viện này được ông Phi Anh cho một người từ Đà nẵng đến thuê để chiếu phim. Kể từ đó, chỉ có duy nhất một rạp chiếu phim hoạt động tại Hội An cho đến những năm cuối thế kỷ 20.
Thời đó công nghệ chiếu phim đã bắt đầu phát triển loại ống kính phát hình đại vĩ tuyến, phóng to hết cỡ trên phông chiếu của rạp, nên hình ảnh rõ nét và sống động hơn. Đồng thời những bộ phim võ hiệp như Đường sơn đại huynh, Đại lộ thất sát, Mãnh long quá giang… được du nhập từ lãnh thổ Hong Kong về cũng lôi kéo công chúng đến rạp nhiều hơn. Đặc biệt là khi có những bộ phim nổi tiếng ăn khách nhất, phim sẽ được chiếu liên tục cả ngày, gọi là “chiếu suốt”. Khán giả chỉ cần mua vé một lần và ngồi xem liên tục mấy suất cũng được, nhiều người ghiền phim chỉ cần kẹp theo ổ bánh mì vào rạp là có thể ngồi xem cả ngày.
Cho đến rạp chiếu phim duy nhất ở Hội An
Sau 1975, hý viện được đổi tên thành Rạp 29/3. Đến đầu thập niên 1980, Công ty Chiếu bóng và Phát hành phim Quảng Nam - Đà Nẵng tiến hành thay đổi hiện trạng Hý viện Phi Anh, xây dựng lại mặt tiền, bỏ đi 2 hàng kệ gỗ lim bên trong rạp. Đồng thời tên mới được đặt là Rạp Hội An.
Thời bao cấp, cả thị xã Hội An chỉ có duy nhất rạp này là nơi giải trí. Những bộ phim hay của Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc và sau đó là những phim của Việt Nam với sự góp mặt của những diễn viên gạo cội như Chánh Tín, Thương Tín, Thanh Lan, Phương Thanh, Lâm Tới… luôn luôn đắt khách, đến nỗi nhiều người hâm mộ phải chấp nhận mua vé chợ đen, hoặc sắp hàng cả ngày để được mua vé xem phim.
Nhiều người ở đây còn nhớ mãi lúc chiếu bộ phim Tội lỗi cuối cùng, có sự tham gia của nam tài tử Trần Quang nổi danh từ trước 1975, với nhạc phim do Trịnh Công Sơn viết, trong đó có nhạc phẩm Đời gọi em biết bao lần. Bắt đầu từ 4h chiều là chợ Hội An vắng ngắt, bởi những gian hàng buôn bán trong chợ đều đóng cửa nghỉ sớm để về nhà lo tắm rửa, cơm nước cho kịp đến sắp hàng đợi vào coi phim suất 8h đêm. Cũng nhờ có cái rạp này mà người dân quanh xóm Phi Anh ngày đó có thể kiếm thêm thu nhập nhờ bán đủ các loại hàng rong, phục vụ khách đến xem phim.
Càng về sau, các loại hình nghệ thuật giải trí ngày càng đa dạng hơn, thêm phần hạ tầng phục vụ không được nâng cấp, nên khách đến rạp ngày càng vơi dần. Hý viện được giao cho Trung tâm Xúc tiến du lịch, thuộc Sở VH,TT&DL tỉnh Quảng Nam sử dụng làm Trạm vệ tinh ngân hàng dữ liệu văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt Nam tại Quảng Nam cho đến nay.
Mới đây, một dự án liên kết với các công ty phát hành phim để khôi phục lại hoạt động chiếu phim tại Hội An đã được lên ý tưởng, nhưng phải hoãn lại vô thời hạn vì đại dịch Covid-19 tác động.
Vật đổi sao dời, vẫn biết thời gian và lịch sử có thể mang đến nhiều thay đổi, biến động, nhưng sao trong lòng những người Hội An ngày cũ vẫn thấy vấn vương đâu đó những hình ảnh, những kỷ niệm về Hý viện Phi Anh vang bóng một thời.
Trương Nguyên Ngã