Đi tìm bài tủ của HLV Troussier và U22 Việt Nam
U22 Việt Nam dưới triều đại HLV Philippe Troussier dường như chưa thực sự hình thành được những miếng đánh sở trường để chọc thủng lưới đối phương, và SEA Games 32 chính là nơi mà chiến lược gia người Pháp chứng tỏ khả năng của mình.
Trong suốt quá trình chuẩn bị kéo dài hơn 1 tháng, U22 Việt Nam dưới triều đại HLV Troussier không có được dấu ấn nào thực sự đậm nét. Các mảng miếng chiến thuật, bài đánh mang lại khả năng sát thương cao gần như chưa thành hình, khi các học trò của ông vẫn loay hoay chuyền bóng theo bề ngang sân.
Sau trận thua U22 Iraq ở Doha Cup, vấn đề này được cải thiện đáng kể bằng nhiều đường chuyền vượt tuyến theo chiều dọc từ trung vệ lên tiền đạo, nhưng kết quả vẫn là con số 0 tròn trĩnh. Tiền đạo cắm là Văn Trường luôn bị đặt vào thế phải xoay lưng với khung thành đối phương và không có đủ sự hỗ trợ từ đồng đội.
Một bài đánh khác là việc cặp tiền đạo cánh đi bóng ngoặt vào trong rồi tung ra cú sút, mà Thanh Nhàn, Quốc Việt mà từng mang lại thành công, và đây là miếng đánh khá tiềm năng cho đoàn quân áo đỏ khi cả Lê Văn Đô, Quốc Việt, Văn Khang, Thanh Nhàn và Tuấn Tài đều có thể đem đến hy vọng.
Bài đánh tiếp theo là các đường bóng được đưa xuống đáy biên rồi căng ngược trở lại hoặc chuyền ngang cho tiền đạo hoặc tuyến 2 dứt điểm lại chưa xuất hiện nhiều. Đây là bài tập được HLV Troussier áp dụng khá dày trong các buổi tập nhưng vẫn chưa đem lại hiệu quả (áp dụng trong trận gặp UAE và Kyrgyzstan).
Ở triều đại HLV Park Hang Seo, ngoài việc phòng ngự khu vực và thực hiện các đường phản công, U22 hay đội tuyển Việt Nam có những miếng đánh sở trường rất rõ ràng. Tại SEA Games 30 trên đất Philippines, đoàn quân áo đỏ trở thành vua không chiến với hơn lượng lớn bàn thắng được ghi bằng đầu (tỉ lệ không chiến thành công trong nhiều trận đấu lên tới hơn 80%).
Bên cạnh đó, những tình huống sút xa của Văn Hậu, Hoàng Đức, Tiến Linh cũng tỏ ra lợi hại không kém. Trong kỳ Đại hội tiếp theo diễn ra trên sân nhà, U23 Việt Nam có tỉ lệ ăn bàn rất cao từ các đường bóng xuống biên ngang rồi căng ngược lại. Bàn thắng của Hùng Dũng ở trận đấu gặp Myanmar là ví dụ điển hình nhất.
Các miếng đánh sở trường ở mỗi triều đại HLV không phải tự nhiên mà có. Đây là kết quả của quãng thời gian tập luyện xuyên suốt và tuỳ thuộc vào tình hình nhân sự, lực lượng cầu thủ. Hơn 1 tháng tập trung của chiến lược gia người Pháp và U22 Việt Nam là tương đối ngắn ngủi để lối chơi được định hình.
Trong bối cảnh cầu thủ tại Việt Nam hiện tại có chiều cao trung bình thấp, không quen với việc cầm bóng, chơi bóng chủ động thì lối chơi mà HLV Troussier áp dụng lại càng gặp nhiều khó khăn. Ông thầy sinh năm 1955 cần rất nhiều thời gian để "xoá đi" tư tưởng "chiếu dưới" cho các cấp độ đội tuyển.
Nhìn vào V-League thì cũng thấy không nhiều CLB chủ trương kiểm soát bóng và có lối chơi định hình rõ ràng. Một số đội bóng còn sẵn sàng đá kiểu 8-0-2, phó mặc cho cặp tiền đạo ngoại "tự ăn, tự chịu" ở phía trên. Điều này đem đến cho cầu thủ tư tưởng phòng ngự nhiều hơn thay vì chơi bóng, kiểm soát, áp đặt lối chơi lên đối thủ.
Nói vậy để thấy, HLV Troussier nếu muốn tiếp tục theo đuổi lối chơi kiểm soát, ban bật cùng U22 Việt Nam tại SEA Games 32 sẽ gặp nhiều rủi ro. Thậm chí, ông có thể còn phải đánh đổi thành tích để kiên trì với triết lý của mình.
Khi đó, chính chiến lược gia người Pháp còn phải đối mặt với bài toán niềm tin, và chắc chắn ông Troussier phải cần tới sự kiên định của những nhà quản lý cũng như các cầu thủ để thay đổi bộ mặt, lối chơi của U22 và đội tuyển Việt Nam.
Thế nhưng, để được như vậy, HLV Troussier cũng cần phải chứng minh được rằng lối đá mà ông lựa chọn là hợp lý, có hy vọng phát triển tại Việt Nam, mà chỉ tiêu phù hợp nhất là việc U22 Việt Nam lọt vào tới chung kết SEA Games.