Đi cầm đồ ở Mỹ
(Thethaovanhoa.vn) - Thưa anh chị!
Cuối tuần rồi, người bạn sống cùng khu nhờ khiêng hộ anh cái đàn piano kiểu dựa tường để anh mang đi cầm đồ. Anh còn bảo tôi đi cùng giúp khiêng nó xuống xe.
Tôi cứ nghĩ tiệm cầm đồ phải là một cửa hiệu nằm ở khu phố đông người da màu, nhếch nhác và có mùi tội phạm.
Nhưng tôi nhầm. Cửa hiệu ấy không chỉ có cái tên mĩ miều “Vương miện”, mà nó nằm ở một trong những con phố văn minh ở phía tây bắc gồm nhiều cơ quan công quyền và người giàu ở.
Thậm chí tiệm cầm đồ ấy thoạt nhìn cứ tưởng cửa hàng bán nhạc cụ với hàng trăm cái đàn guitar treo lơ lửng trên những chiếc kệ để đủ các loại đồ trong đó có cả dàn trống hay organ. Nhạc cụ là một trong những món đồ hay được đi “cắm” nhất ở đây bên cạnh những món đồ trang sức.
Bạn tôi đặt cái đàn ở đó và vay 300 USD. Anh hẹn một tháng sau sẽ tới lấy về, cầm tờ hoá đơn đề cả phí và lãi suất 12% (phí là 10%). Tức là anh sẽ phải trả cả vốn và lãi là 336 USD sau 30 ngày.
12% được coi là thấp trong mặt bằng cầm đồ chung trên toàn nước Mỹ, nhưng những nơi cao hơn cũng thường chỉ “chém” gấp đôi, trong khi một thành phố ồn ào như New York tính cả phí và lãi một tháng là 14%. Tất cả các bang trên toàn nước Mỹ đều quy định mức lãi suất và phí trần để các tiệm cầm đồ khó thành những cửa hàng “bóp cổ” người nghèo.
Nhưng điều đáng kể nhất ở đây là cách người ta làm để ngăn chặn các cửa hàng cầm đồ không trở thành mắt xích của một đường dây mua bán đồ ăn cắp. Người hàng xóm của tôi phải chìa giấy tùy thân của mình mới được để chiếc piano của anh lại rồi vay tiền.
Ngày nào cũng vậy, các tiệm cầm đồ phải gửi tới cảnh sát danh sách các mặt hàng mà họ tiếp nhận với cả những thông tin chi tiết như hãng sản xuất, model và cả số seri (nếu có). Nếu không, cửa hàng có thể sẽ bị quy tội tiếp nhận đồ ăn cắp.
Và với những món đồ mà người gửi không tới lấy, các tiệm cầm đồ cũng chỉ được phép bán chúng sau một thời gian nhất định. Có bang quy định là 15 ngày, nhưng khắt khe như Bắc Carolina yêu cầu tới ba tháng, chỉ để cảnh sát dễ bề điều tra nếu như có các vụ báo trộm trong thời gian đó.
Những quy định ngặt nghèo khiến cho cả thủ đô nước Mỹ chỉ có 17 tiệm cầm đồ. Và trong cuộc khủng hoảng kinh tế khiến cho nhiều người Mỹ trở nên nghèo đi, toàn nước Mỹ với 50 bang mới chứng kiến sự bùng nổ của khoảng 13.000 tiệm cầm đồ, còn tiếng nói của Hiệp hội Các nhà cầm đồ càng trở nên có trọng lượng. Và cũng vì thế mà người Việt ở Mỹ với những tố chất khá thích hợp với lĩnh vực hoạt động này lại gần như đứng ngoài, hoặc cũng chỉ sắm vai khách hàng.
Những nơi được cho là có nhiều tiệm cầm đồ nhất ở Mỹ là quanh các sòng bạc, nơi các con bạc có thể cầm cố tài sản (thường là xe và nữ trang) để tiếp tục những cuộc chơi đỏ đen sau khi đã cháy túi.
Nhưng hệ thống ấy cũng không dễ dàng biến thành đường dây phạm tội khi chỉ tính riêng cấp liên bang cũng đã có tới 13 bộ luật khác nhau hoặc được xây dựng riêng hoặc có những phần quy định để điều chỉnh hoạt động cầm đồ vốn đã ở Mỹ từ thế kỷ 18. Thế nên, nếu có ai đó giới thiệu là làm ở tiệm cầm đồ ở Mỹ thì anh chị cũng đừng nghĩ họ là dân anh chị.
Chúc anh chị sức khỏe, và hẹn ở thư sau!
Phạm Tấn (Washington D.C)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần