Đêm nhạc Richard Clayderman: Đẳng cấp thương mại và bình dân nghệ thuật
Clayderman đến Việt Nam lần thứ hai này (lần đầu là năm 1999 tại TP.HCM) trong một cơn sốt vé bị đồn là giả. Nhưng với khán phòng 3.500 chỗ kín người, tin đồn coi như sai.
Mài ký ức... ra tiền
Nhạc Clayderman bình dân nhưng giá vé không bình dân (từ 600 ngàn đến 6 triệu đồng). Khán giả phần lớn là trung niên, những người đã có ký ức sâu đậm khi nghe nhạc Clayderman qua băng cassette hoặc đĩa CD vài thập niên trước.
Chính Clayderman cũng thấu hiểu sức mạnh của ký ức. Khi ông chơi một bản nhạc mới trong phần dạo đầu, khán giả hào hứng vừa phải. Nhưng đến khi giai điệu cực kỳ quen thuộc của A Comme Amour và Ballade Pour Adeline vang lên, khán giả vỗ tay như vỡ òa. Bởi họ nghe thấy không chỉ tiếng đàn mà còn cả tuổi trẻ của mình.
Trên thế giới, người trong nghề tranh luận không ngớt về thứ nhạc mà họ cho là “dành cho người mới tập chơi” của Clayderman, về việc ông “tái sản xuất” những bản nhạc cổ điển của Beethoven, Mozart và các bài hát nhạc phim kinh điển (Love Story, Romeo & Juliette, My Heart Will Go On) cho đàn piano. Nhưng từ một góc nhìn khác, đó là hướng đi khôn khéo của Clayderman. Ông tận dụng ký ức của khán giả về những bài hát khác, những nghệ sĩ khác, khiến họ yêu mến mình.
Chẳng hạn, khán phòng Trung tâm Hội nghị Quốc gia tối 23/8 vẫn lặng người khi nghe liên khúc nhạc Titanic, bản nhạc You Raise Me Up hay nhún nhảy với âm nhạc của ABBA, Stevie Wonder mà Clayderman chơi. Dù Clayderman chơi piano theo giai điệu bài hát khá đơn giản, ít sáng tạo, khán giả vẫn xúc động do “lây lan” cảm xúc từ những giai điệu gốc.
Thậm chí, Clayderman “vay mượn” cả điệu kèn (phát ra từ đĩa playback) trong điệp khúc bài You Raise Me Up, và đoạn nhạc đó còn... gây xúc động hơn phần chơi piano của chính ông.
Có thể gọi tên hướng đi đó là ăn theo, nhưng ăn theo thông minh. Clayderman đã đứng trên vai “những người khổng lồ” để rồi chính bản thân ông cũng trở nên khổng lồ, ít nhất là về độ nổi tiếng và tiền bạc. Ông là nghệ sĩ dương cầm kiếm được nhiều tiền bậc nhất thế giới.
Không nên mong đợi nhiều hơn
Lời tuyên bố “Tôi là người chơi nhạc bình dân” của Clayderman với báo chí trước đêm hòa nhạc cũng là cách rào đón khôn khéo. Ông chủ động giảm mức độ kỳ vọng ở khán giả, nhất là những ai đòi hỏi những màn diễn đỉnh cao. Những người đó sẽ thất vọng một cách không đáng.
Trong đêm diễn, Clayderman chơi nhạc với sự hỗ trợ của dàn nhạc dây Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, nhưng dàn nhạc như bị chìm lấp bởi nhạc đệm điện tử từ đĩa playback. Dù điều này giúp làm sôi động những bản nhạc vốn hơi đơn điệu nhưng âm thanh vẫn không đủ đã tai trong một khán phòng quá rộng như Trung tâm Hội nghị Quốc gia.
Thêm một bất ngờ khác nằm ở phong cách biểu diễn của Clayderman. Nhìn những bức ảnh lãng tử, mắt xanh tóc vàng của ông thời trẻ, ít ai mường tượng được danh cầm lại tấu hài duyên đến vậy. Ông kết hợp những màn diễn hài ngắn bằng các động tác quạt, lau mồ hôi, nói liến thoắng tiếng Pháp, dùng súng nhựa bắn muỗi nhồi bông... gây cười cho khán giả. Đến cả phong cách cũng bình dân hóa, nhưng điều này lại giúp Clayderman gây thiện cảm hơn, bù đắp chút nào cho phần âm nhạc.
Đằng sau không khí vui vẻ và thân thiện bề nổi, đêm nhạc thực sự chưa thỏa mãn người xem. Cuối chương trình, khi Clayderman chơi toàn nhạc phẩm mới và màn kết thúc hơi cụt khiến người xem “bối rối”. Khôn khéo đến đâu cũng không thể làm hài lòng tất cả. Nhưng khi bỏ tiền ra để xem một nghệ sĩ thương mại (Clayderman thậm chí còn bị gọi là “doanh nhân” - businessman ở Pháp), khán giả không nên mong đợi nhiều hơn.
Mi Ly
Thể thao & Văn hóa