'Đặt cược' tính mạng để giữ linh vật Việt
1. Triển lãm Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam diễn ra từ 7-17/11, bày khoảng 60 hiện vật, từ thời Lý, Trần, Hậu Lê đến Nguyễn, được tạo tác bằng các chất liệu đá, gốm, sành, gỗ, đồng; và một số tư liệu hình ảnh, phim, bản vẽ.... Đáng chú ý, trong triển lãm xuất hiện hình ảnh của sư tử và nghê lần đầu tiên ra mắt công chúng.
Bà Nguyễn Thị Yến, cán bộ hưu trí của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, một trong những người đã lặn lội khắp miền Bắc trong những ngày chiến tranh phá hoại của Mỹ để sưu tập linh vật cổ nhớ lại: “Việc sưu tập linh vật cổ truyền thống rất khó khăn. Ngoài những nỗ lực của các cán bộ Bảo tàng còn là cả những phút sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng để đưa hiện vật về giữ gìn. Đơn cử như con nghê tại đền Vua Lê Thánh Tông, tỉnh Thanh Hóa. Linh vật này được tạo tác từ thế kỷ 17. Sừng sững tồn tại qua bao biến thiên thăng trầm của thời cuộc, đến cuối thập niên 60, đầu thập niên 70 của thế kỷ 20, di tích nơi con nghê ngự bị bom Mỹ oanh tạc. Nghê bị hất chỏng chơ. Hay tin, chúng tôi vội tới di tích khi tiếng động cơ máy bay giặc vẫn gầm rú trên đầu.”
Theo lời kể của bà Yến, khi đoàn cán bộ đến nơi, chân con nghê đã bị long ra. “Và hiện tại, dù đã phục chế, nhưng nếu để ý kỹ, chân con nghê vẫn còn vết tích. “Vết sẹo” đó không làm giảm đi giá trị của con nghê cổ mà ngược lại, nó càng bồi đắp thêm trầm tích lịch sử dân tộc lên hình hài con nghê 400 tuổi.”- Bà Yến nói.
2. Chuyện về con nghê trong đền thờ vua Lê Thánh Tông ở Thanh Hóa là một trong 60 câu chuyện, 60 thân phận với những cuộc hành trình khác nhau để đến được triển lãm linh vật cổ đầu tiên tại Việt Nam này. Theo lời kể của bà Yến, thời điểm bảo tàng tiếp nhận nhiều nghê, sư tử nhất là thời điểm chiến tranh, đặc biệt là chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ.
“Bom đạn khắp nơi, đình đền chùa bị tàn phá nặng nề. Những linh vật vượt qua sự thử thách ngặt nghèo của lịch sử đã có mặt ở đây” - bà Yến nói.
Kế đó là thời bao cấp, nhiều gia đình tư sản hay những người sưu tập đồ cổ gạo cội cũng đã rao bán các linh vật cổ do thiếu thốn. Vào thời điểm đó, gần như chỉ có Bảo tàng là nơi sẵn sàng mua những thứ “xa xỉ” thiêng liêng này.
“Ngoài chiến tranh, bao cấp, những linh vật trong bảo tàng chúng tôi còn đến trong một bối cảnh khác. Đó là thiên tai, bão lũ” - ông Nguyễn Văn Thư, GĐ Bảo tàng tỉnh Nam Định, đơn vị đóng góp khoảng 20 trong tổng số 60 linh vật tại triển lãm chia sẻ.
Những gì vương sót lại trong đống đổ nát sau cơn bão là những mảng chạm, linh vật cổ trăm năm của ông cha. Và bảo tàng tỉnh đã thu thập tất cả các hiện vật có giá trị để lưu trữ trưng bày.
“Những giá trị thẩm mỹ, văn hóa của các linh vật thuần Việt đã được nhiều người đề cập. Song theo tôi, những con nghê, sư tử trong triển lãm này còn gửi gắm một thông điệp khác. Đó là những “nhân chứng” lịch sử, biểu tượng về sự hiên ngang và sức sống của một dân tộc luôn luôn phải đối mặt với thiên tai, địch họa” - ông Thư nói.
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa