Đạo diễn Leon Le: Câu nói mà tôi sợ nhất là: 'chỉ vậy thôi'!
(Thethaovanhoa.vn) - Trong khi phim Song lang của đạo diễn Leon Le (Leon Quang Lê) không thành công ngoài phòng vé, một chiến dịch có tên "Cho Song lang thêm tuần nữa" đã được phát động, nhằm đề nghị các rạp chiếu bố trí thêm suất chiếu cho bộ phim này.
Trước Song lang, công chúng điện ảnh từng biết đến những phong trào như Giải cứu phim Việt, hay kêu gọi khán giả Việt đừng quay lưng với phim Việt. Phải chăng, chính những định kiến quá nặng nề của khán giả về phim Việt đã và đang khiến cho không ít những bộ phim "chết yểu" trên đường đua ra rạp chiếu?
Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với Leon Quang Lê, đạo diễn và cũng là đồng biên kịch của Song lang.
* "Song lang" không phải phim gây sốt phòng vé nhưng lại là phim có những khán giả sẵn sàng xem đi xem lại nhiều lần. Nói cách khác, khán giả của phim không nhiều về số lượng nhưng lại rất chất lượng. Anh nghĩ gì về điều này?
- Tôi phần nào vui vì có được một lượng khán giả chất lượng, thực sự yêu thích bộ phim của mình và dành cho nó rất nhiều tình cảm. Tôi không nghĩ rằng, những điều rất riêng tư với mình lại có nhiều người cảm thông đến như vậy.
Tuy nhiên, với tư cách là người cộng tác với những nhà đầu tư, những nhà sản xuất thì tôi có trách nhiệm, có sự lo lắng về doanh thu của phim. Bởi, nếu phim không có khán giả thì sau này sẽ rất khó để tìm kiếm những nhà đầu tư cho những bộ phim tương tự như Song lang.
* Với một dự án như "Song lang", hành trình tìm nhà sản xuất đã đầy gian nan, và đến khi ra rạp, lại là những khó khăn khác?
- Tôi chỉ mong, những khán giả chưa xem phim đừng bị định kiến về những gì thoáng qua. Như nhiều người nói: Vỏ cuốn sách chưa chắc quyết định nội dung. Khán giả chưa xem phim, đừng vội đánh giá Song lang mà tội nghiệp! Bên ngoài bạn thấy đó có thể là một bộ phim về đam mỹ (đề tài đồng tính nam) hay tưởng đó là một bộ phim về cải lương - những đề tài mà mình không thích. Nhưng ở Song Lang, câu chuyện không hoàn toàn là cải lương mà cũng chẳng phải chỉ là đam mỹ.
*Anh có nghĩ, chính bởi thế mà phim kén khán giả, bởi nhiều khán giả ra rạp, muốn bộ phim... nghiêng về đam mỹ hơn nữa?
-Thực ra, tôi khá bực bội và khó chịu với một số cách thể hiện tình yêu trên màn ảnh, nhất là tình yêu đồng giới. Đó cứ phải là những cảnh nóng đập vào mắt người xem. Riêng trong phim ảnh Việt Nam, những nhân vật LGBT (đồng tính, song tính, chuyển giới) bị bóp méo rất nhiều theo cách thiếu tôn trọng. Chính vì vậy, tôi nhất quyết hướng đi của mình trong Song lang phải khác.
Và qua phản ứng của khán giả tôi nhận thấy rằng không ít khán giả của mình đã bị phim ảnh Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung về tình yêu "làm hư". Họ nghĩ rằng cái gì cũng phải tới đích và mất đi cảm nhận về sự đẹp đẽ của những gì chớm nở và chưa tới. Đó là điều đáng tiếc, bởi khi đó con người đã không còn sự kiên nhẫn nữa, cái gì cũng phải tới và tới cho nhanh, phải lên đỉnh điểm.
Mục đích của Song lang là đi ngược lại những điều ấy. Đam mỹ cũng có rất nhiều thể loại, chữ tình yêu cũng rộng lớn vô cùng. Tình yêu của hai người đàn ông không có nghĩa là họ phải đến với nhau về thể xác họ vẫn có thể là những người đàn ông yêu nhau theo một phong cách lãng mạn nhưng sự lãng mạn ấy cũng rất bao la.
Bá Nha - Tử Kỳ cũng là một tình yêu, thầy trò cũng là một tình yêu ... và tôi không muốn khán giả bị đóng khung rằng đam mỹ nghĩa là thế này, thế kia. Để rồi đến khi vào rạp, họ sẽ bị định kiến để rồi thất vọng vì đã đợi chờ một điều hoàn toàn khác. Hãy mở lòng ra để đón chờ những thứ thú vị hơn.
* Xem "Song lang", từng khuôn hình thấy đủ mộng mơ, hoài cổ. Anh tâm huyết với những điều ấy, nhưng đó cũng là một điểm khiến khán giả "hiểu lầm", bởi nhiều khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ tại Việt Nam, không mấy mặn mà với những gì nệ cổ?
- Tôi không biết phải làm sao để thay đổi định kiến của khán giả. Điều đó thực sự đáng tiếc. Khi có định kiến, họ không cho mình cơ hội và họ cũng tước đi cơ hội của chính họ rồi.
Trên mạng, có rất nhiều khán giả chưa xem nhưng đã nói bộ phim của tôi giống Bá Vương Biệt Cơ hay một phần đạo nhái của Sài Gòn Lovestory. Mà tôi biết, một số những khán giả ấy có thể họ chưa xem phim của mình thậm chí chưa xem cả những phim kia... nhưng họ sẵn sàng nói theo phong trào, hòa theo đám đông mà không tự mình suy nghĩ cho mình.
* Anh từng làm một số phim ngắn và có những hoạt động nghệ thuật ở nước ngoài. Vậy, trải nghiệm của anh về việc làm phim ở Việt Nam như thế nào?
- Làm phim ở Việt Nam ngoài những khác biệt rất rõ về điều kiện tư duy thì cái khó nhất chính là sự vô kỷ luật và dễ dãi với bản thân. Sự vô kỷ luật ấy diễn ra từ trên xuống dưới từ producer, phục trang, bối cảnh, diễn viên... với nhiều biểu hiện khác nhau. Làm nghệ thuật, muốn đạt tới đỉnh cao của chính bản thân mình thì không thể nào không có kỷ luật.
Đây chính là điều cần thay đổi, nhất là đối với thế hệ trẻ. Các bạn trẻ cần được giáo dục, huấn luyện để trở nên chuyên nghiệp hơn trong tất cả các khâu. Và trong quá trình làm việc, câu nói mà tôi sợ nhất là: Chỉ vậy thôi. Khi mọi người tự hài lòng với những gì hiện có, thì không thể mong có được một thứ tốt hơn.
* Vậy sau dự án "Song lang", điều anh mong muốn là gì?
- Một môi trường nghệ thuật có kỷ luật, và khán giả cũng cần có kỷ luật để không dễ dãi.
Khán giả đến xem phim hãy tắt điện thoại và cho phép bản thân được trải nghiệm hoàn toàn. Cũng đừng dễ dãi khi chọn những bộ phim, bởi khẩu vị của mỗi người có thể khác nhau, nhưng hôm nay ăn thịt thì ngày mai nên ăn rau.
Tôi nghĩ, khán giả cũng cần nghiêm khắc với bản thân, đôi khi đổi món để làm phong phú hơn kiến thức, tư duy của chính mình. Tôi mong muốn khán giả đến rạp xem phim không có nghĩa rằng Song Lang là một bộ phim rất hay. Đơn giản, mỗi khán giả cần xem, nên xem những bộ phim khác nhau, để đầu óc mình phong phú hơn...
* Cám ơn anh về cuộc trò chuyện!
Nội dung cuộc trò chuyện cùng đạo diễn Leon Quang Lê và diễn viên Liên Bỉnh Phát (vai diễn Dũng Thiên lôi) được ghi hình tại studio của Báo Thể thao và Văn hóa, phát sóng trong chương trình Radar Văn hóa trên kênh TTXVN vào 17h30 thứ 6 tuần qua. Phát lại vào 8h20 thứ 7 và 12h30 thứ 4 tuần này. |
Yên Khương