Đạo diễn Lê Quý Dương: 'Người làm sân khấu không thể… dũng cảm một mình'
Cuối tuần qua, vở sân khấu trải nghiệm Huyền thoại tuổi thanh xuân của đạo diễn Lê Quý Dương vừa được biểu diễn tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội) nhân dịp khai trương "Không gian sân khấu trải nghiệm văn hóa lịch sử truyền thống dân tộc". Không phải lần đầu ra mắt (vở diễn đến với công chúng từ 2023), thế nhưng không ít khán giả vẫn lần thứ 2 xem vở diễn với sự xúc động nghẹn ngào…
Đạo diễn Lê Quý Dương trò chuyện với Thể thao và Văn hóa (TTXVN).
Không chọn diễn viên chuyên nghiệp
* Điều gì khiến anh chọn "Huyền thoại tuổi thanh xuân" - vở diễn về 10 cô gái tại Ngã ba Đồng Lộc" -để làm sân khấu trải nghiệm tại không gian của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam?
- Trước hết, nhiều du khách - đặc biệt là khách quốc tế đến Việt Nam, trong đó có cả nhiều người bạn của tôi - thường bày tỏ mong muốn có nhận thức đầy đủ về truyền thống văn hóa, lịch sử của người dân Việt Nam. Thậm chí, nhiều du khách từng thắc mắc với tôi rằng tại sao một dân tộc nhỏ bé như Việt Nam, lại có thể chiến thắng được nhiều kẻ thù ngoại xâm như vậy? Bởi thế, tôi muốn đi sâu vào khai thác truyền thống lịch sử, với câu chuyện của những người anh hùng, câu chuyện của những thế hệ đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc.
Thêm nữa, đây là một cơ hội để cho các bạn trẻcó thể tìm hiểu, đến với lịch sử của cha ông một cách sống động, sáng tạo, không khô khan như trên trang sách. Vở diễn này từng nhận nhiều phản hồi tích cực từ công chúng, và tôi muốn nó xuất hiện thường xuyên hơn, qua không gian trải nghiệm tại bảo tàng.
* Anh quan tâm đến khán giả trẻ từ khi nào và như thế nào ở những đề tài mang tính truyền thống như vậy?
- Tôi quan tâm qua nhiều chương trình mình đã làm, từ Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm, Chung tay thắp sáng nhà giàn DK1, đến những chương trình về Đoàn thanh niên. Tôi nhận thấy rõ ràng là bộ phận khán giả trẻ của chúng ta rất quan tâm, muốn hiểu hơn về lịch sử Việt Nam. Nhưng có lẽ chúng ta cần có những hình thức phong phú phù hợp để thu hút họ.
* Vậy vì sao anh lại không chọn những diễn viên chuyên nghiệp cho vở diễn?
- Tôi e ngại chính sự chuyên nghiệp đấy, bởi tôi cần sự hồn nhiên của tuổi thanh xuân trong cách diễn. Quan trọng hơn, tôi muốn tuyển những diễn viên vào vai 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc với nét giống về diện mạo, nhân dáng - và hơn thế, có tính cách và cảm xúc giống với nhân vật.
Thực sự, làm việc với những bạn trẻ không chuyên rất vất vả, nhưng đổi lại, họ có sự chân thật và diễn rất vào.
Riêng về phần đọc lời dẫn, tôi chọn giọng đọc của diễn viên Hoàng Cúc, bởi muốn có được cảm xúc từ một người cùng thời đại với những nhân vật trong vở diễn!
* Được biết trong các tác phẩm từ trước đến nay của anh, yếu tố truyền thống và hiện đại luôn song hành. Với vở này thì sao?
- Cũng như vậy. Trong tất cả những tác phẩm đã làm, tôi luôn quan tâm kết hợp giữa giá trị truyền thống và các yếu tố hiện đại, công nghệ kỹ thuật hiện đại, cách nhìn và lối dàn dựng hiện đại. Điều đó rất quan trọng, thay vì chỉ thiên về một phía.
Ở Huyền thoại tuổi thanh xuân, các yếu tố công nghệ hiện đại như video, màn hình… được sử dụng hết sức tiết chế. Yếu tố truyền thống của vở diễn là cách tôi xử lý không gian và mối quan hệ giữa người xem và diễn viên. Đó là sự phá bỏ khoảng cách của "hiện đại", trở về đúng khoảng cách của truyền thống như những sân khấu chèo, tuồng, hay đờn ca tài tử - khi khán giả và sân khấu rất gần nhau. Nhưng câu chuyện của vở diễn vẫn đầy hiện đại. Hai yếu tố này kết hợp để dẫn dắt, khiến người xem cảm nhận như được sống trong không gian của nhân vật. Ngoài ra, cách kể chuyện, tính cách, câu chuyện của các nhân vật cũng rất đời, rất dung dị, không để khán giả bị ngợp vì những điều gì lớn lao.
"Với thời lượng 60 phút, sân khấu trải nghiệm Huyền thoại tuổi thanh xuân sẽ có các suất diễn định kì vào 20h ngày thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam".
Cần những khán giả có tầm vóc
* Thời gian qua, nhiều loại hình nghệ thuật cũng đề cao tính tương tác với công chúng. Theo anh xu thế này là do đâu và hiệu quả đến đâu?
- Khán giả ngày càng thông minh, hiểu biết hơn nên việc tương tác rất quan trọng, để vở diễn có sức sống bền vững hơn. Nếu vẫn để khoảng cách giữa người xem và khán giả, sân khấu biểu diễn nói riêng và sân khấu kịch nói chung sẽ đi chậm so với thời đại rất nhiều.
Tại Hiệp hội Sân khấu thế giới, nơi tôi đang là Chủ tịch Ủy ban Festival và Hợp tác quốc tế, các chương trình có tính tương tác cao cũng thường được quan tâm, hỗ trợ, vì đó là sự kết nối từ bên trong, giữa những con người với nhau. Đó là giá trị mà ở những chương trình sử dụng nhiều công nghệ không có, thậm chí yếu tố văn hóa không nhiều.
* Vậy anh nghĩ sao trước những quan điểm rằng nghệ thuật sân khấu bây giờ đã lỗi thời?
- Nhận định như vậy chưa đầy đủ. Đầu tiên phải nhìn từ khái niệm rộng: Nghệ thuật biểu diễn đang phát triển rất mạnh trên toàn thế giới. Sân khấu biểu diễn là hình thức nghệ thuật xuất hiện đầu tiên và còn lại cuối cùng của văn minh nhân loại. Không có gì thay thế được cho loại hình nghệ thuật dùng chính con người bằng xương thịt để diễn tả cuộc sống con người một cách trực tiếp sống động - trong khi ở nhiều loại hình khác, chúng ta đều thưởng thức nghệ thuật gián tiếp qua người nghệ sĩ.
Và thực tế, sân khấu kịch cũng không bao giờ lỗi thời nếu câu chuyện của vở diễn đảm bảo chức năng đi tiên phong khi đề cập đến những vấn đề nóng bỏng của xã hội. Những vở diễn của Lưu Quang Vũ được dựng lại sau nhiều năm nhưng vẫn đông khán giả là ví dụ.
* Và làm sân khấu bây giờ cũng phải rất dũng cảm - như anh vừa chia sẻ với khán giả sau đêm diễn. Nhưng anh sẽ dũng cảm đến đâu?
- Đến khi còn có sức và có thể! Nhưng, với một tác phẩm sân khấu, người làm nghệ thuật dũng cảm tới đâu mà thiếu sự hỗ trợ của khán giả,của các cơ quan liên quan, thì cũng không thể sống lâu.
Và đặc biệt, với tôi, sự hỗ trợ đến từ văn hóa của khán giả luôn là một vấn đề lớn. Hãy đặt câu hỏi: Khán giả có đủ tầm vóc của một công dân quan tâm đến văn hóa, lịch sử, truyền thống, xã hội hay không? Không quan tâm và chỉ đợi có giấy mời để xem vở, điều đó đã đủ để sân khấu lỗi thời!
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Vài nét về đạo diễn Lê Quý Dương
Đạo diễn Lê Quý Dương (sinh năm 1968 tại Hà Nội), là thủ khoa Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội khóa 1985- 1990, chuyên ngành Lý luận Phê bình Sân khấu. Năm 1990, anh đoạt Huy chương Vàng với kịch bản sân khấu đầu tay Chợ đời.
Trong quá trình làm nghề, anh đã đoạt các giải thưởng về Văn học kịch của bang New South Wales, giải Nghệ thuật biểu diễn Winston Churchill với vở Tiệc thịt (Meat Party) - giải Đạo diễn xuất sắc với vở Lời thì thầm từ thế giới bí mật (Whispers From the Secret World) của Tổ chức Asianlink. Giải thưởng cho Vở kịch hay nhất bang Queensland (Úc) với vở Đất mẹ (Motherland).
Hiện anh là Chủ tịch Ủy ban Festival và Hợp tác quốc tế của Hiệp hội Sân khấu thế giới (IFCPC/ITI).
Vài nét về vở diễn
Huyền thoại tuổi thanh xuân là câu chuyện tái hiện khung cảnh chiến trường Ngã ba Đồng Lộc, năm 1968 - nơi 10 cô gái thanh niên xung phong đã sống, chiến đấu, học tập, lao động sản xuất và anh dũng hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ. Sân khấu được tái hiện với nhiều chi tiết sống động và chân thực với vỏ bom, lồng gà, bao đất… Nhiều chi tiết có thật được đưa vào vở diễn như việc nhà văn Ngô Thảo tặng xe đạp cho một cô dân quân, chi tiết một trong 10 liệt sĩ bị bỏng lưng do nồi cám gạo đun đổ vào người…