Đạo diễn Lê Hoàng: 'Đàn ông cứ đến Tết là vờ... ngu ngốc'
(Thethaovanhoa.vn) -Trước những tranh cãi bất tận về cuộc chiến “Tết nhà nội – Tết nhà ngoại”, đạo diễn Lê Hoàng cũng nhập cuộc bằng một thông điệp thẳng thắn: “ Đàn ông mở miệng ra cấm vợ về ngoại đón tết là… ngu”
- Sao Việt đua nhau kể về 'cuộc chiến' Tết nhà nội – Tết nhà ngoại
- Kể chuyện 'ăn Tết nhà ngoại', phim 'Xuân không màu 2' khiến chị em rưng rưng
- Diễn viên Bảo Thanh khiến fan rơi nước mắt vì câu chuyện 'ăn Tết nhà ngoại'
Vị đạo diễn này viết trên facebook cá nhân: “2 tuần nay lại thấy nổ ra cuộc chiến về Tết nhà nội, nhà ngoại, âu cũng là từ cái film ngắn Xuân không màu 2 mà ra cả, làm Lê Hoàng tôi chả thể đứng ngoài cuộc.”
Từ khoảng 2 tuần trước, phim ngắn Xuân không màu 2 (Xuân không về) - do Huỳnh Lập đạo diễn đã được các độc giả nữ đón nhận khá hào hứng và mau chóng cán mốc 1 triệu view sau khi ra mắt. Như tóm tắt của Lê Hoàng, nội dung chính của phim là chuyện một anh chồng vô tình “nghe trộm” được mong muốn ăn Tết nhà ngoại của vợ, - để rồi bỗng nhiên anh ta lần đầu tiên dắt tay vợ về đón tết bên ngoại với sự cổ vũ nhiệt tình của bố mẹ chồng.
“Kéo xuống bình luận, các chị em phụ nữ mặc sức tung hô anh chồng này là “soái ca”, “chồng người ta”, rồi share ầm ĩ chỉ với mục đích “bắn tin” đến các đức ông chồng của mình “Nhìn chồng người ta mà học hỏi kìa”. Các bà tưởng thế là hay, tưởng bấy nhiêu là đủ để khiến lão chồng của mình thay đổi. Nhưng các bà sai rồi – đạo diễn Gái nhảy viết.
Ông phân tích: “Đàn ông, vốn dĩ là một sinh vật rất thông minh. Một trong những bằng chứng hùng hồn của sự thông minh ấy là rất nhiều khi chúng lừa được đàn bà, kể cả đàn bà xấu lẫn đàn bà đẹp, đàn bà béo lẫn đàn bà gầy. Thế nhưng, chả hiểu sao, cái sinh vật vốn dĩ thông minh ấy… cứ đến Tết đột nhiên lại trở nên ngu ngốc, cụ thể là việc anh ta không thể giải quyết nổi một cái việc “cỏn con” là cho vợ về đón Tết bên ngoại.
Loại ngu thứ nhất, đó là các ông cứ hễ mở miệng ra là cấm vợ về ngoại đón Tết, mở miệng ra là dọa ly dị ly hôn nếu vợ về ngoại đón Tết. Thể loại này thì ….. là tận cùng của ấu trĩ. Ai đời lại đi bô bô cái miệng như thế, câu “ếch chết tại miệng” đích thị dành cho các ông rồi. Bảo sao mà thiên hạ chửi các ông là gia trưởng, hẹp hòi và khoanh các ông vào danh sách “cấm cho chúng nó đẻ trứng”.
Các ông nên nhớ, cơ bản bà Ngoại là nhân vật rất hữu ích. Ngoại thương con gái, do đó bắt buộc phải thương chàng rể và sau đấy thương tiếp cháu ngoại tới điên cuồng. Cần đi chơi xa, cần gửi con khẩn cấp hay trông nhà chỉ phone là Ngoại đến hoặc chị ấn vô là Ngoại hớt hải nhận. Thế nên, chả có lý do gì để công khai bài xích bà Ngoại như thế vào dịp Tết cả, vì cuối cùng kẻ thiệt chả ai khác chính là các ông mà thôi.”
“Loại ngu thứ hai, thực ra là đã tiến hóa hơn loại đầu tiên rất nhiều” – Lê Hoàng bình luận thêm – “Họ vô tâm không biết vợ có mong muốn về ngoại đón Tết, giống như cái anh chồng trong film Xuân không màu 2 mà chị em đang hết lời ca tụng đấy.
Nhưng Lê Hoàng tôi khẳng định, 90% đàn ông Việt Nam biết vợ muốn được về ngoại đón Tết. Lúc các ông đón nàng về dinh, có cô dâu nào, có mẹ vợ nào không khóc? Họ khóc vì biết từ nay sẽ khó để về sum vầy bên nhau, chả ông nào không thấy. Thế nên ông nào bảo không biết, là nói láo. Các ông biết, nhưng cũng phải giả vờ như không biết, vì không biết không có tội mà, vốn dĩ đàn ông hay bị gán cho là “vô tâm”, đây chẳng phải lý do quá hợp lý để trở nên vô can trong vụ này hay sao.
Nếu không giả vờ vô tâm, thì các ông lại đột nhiên không trở nên yếu đuối một cách… bất bình thường. Trước khi Xuân đến nửa tháng, các ông bỗng nhiên bối rối về chuyện đi lại khó khăn (dù rằng chặng đường về nhà bà ngoại có khi còn chẳng xa bằng chặng đường họp lớp cấp 1 cấp 2), bối rối về tiền bạc không dư dả (dù rằng số tiền đó có khi chỉ bằng 3-5 bữa nhậu hải sản), bối rối về việc khó để vượt qua truyền thống gia đình, bối rối vì không muốn ba mẹ buồn lòng (dù các ông lâu lâu vẫn cãi bố cãi mẹ để làm không ít việc mình thích), bối rối vì mình là con trưởng trong gia đình 2-3 anh em (dù vợ các ông có khi lại còn là con duy nhất trong nhà), bối rối về việc cả nhà cần nghỉ ngơi tại chỗ (dù chả năm nào ông yên vị được nổi 3 ngày Tết quanh 4 bức tường), bối rối về chuyện hàng xóm dị nghị thế nào (dù các ông có khi còn chả biết nhà hàng xóm đang ở nhà hay đi vắng).
Đấy, các ông chỉ nhẹ nhàng đưa ra những khó khăn, thổ lộ những suy nghĩ nhìn qua rất lấy làm lương thiện, khiến cho bà vợ giằng xé giữa về ngoại hay ở lại, lo cho chồng to khỏe, con mập ú, hay lo cho ông cha bà mẹ rầu rĩ xa xa.
Cuối cùng, vợ các ông tưởng rằng về nhà ngoại là một gánh nặng vô cùng khủng khiếp đè lên đôi vai yếu ớt của chồng mình. Và bản năng hi sinh của 1 người phụ nữ trỗi dậy,, vợ các ông sẽ “tình nguyện” không về nhà ngoại đón Tết, sẽ “tình nguyện” làm đại sứ thân thiện giúp cho hình ảnh của các ông vẫn lung linh trong mắt bố mẹ vợ, dù rằng Tết này họ lại 1 lần nữa lủi thủi một mình.
Thế cuối cùng thì các lão có ngu không? KHÔNG. Chả ông nào ngu cả. Các ông chỉ giả vờ ngu để lừa vợ mình thôi, các ông sắm vai một gã đàn ông vô tâm, hoặc một gã đàn ông yếu đuối không vượt qua được áp lực gia đình chỉ là để tránh mang tiếng ác là “trọng nam khinh nữ”, là gia trưởng cổ hủ mà thôi.”
Phim "Xuân không màu 2"
Bức xúc, đạo diễn này kết luận: “Tôi nói thật, chẳng có đàn ông ở đâu mà làm hài lòng các bà vợ dễ hơn đàn ông Việt. Nếu như ở phương Tây, đón Tết bên ngoại là việc bình thường, thì ở xứ ta, đấy lại là một đặc ân vô cùng xa xỉ.
Có khi 10 năm lấy chồng các ông mới cho vợ về ngoại 1 lần, thế mà cũng đủ để trở thành “người hùng” trong mắt vợ và nhà ngoại. Cứ thử nghĩ mà xem, chỉ cần các ông cứ gật đầu một cái, thậm chí là tự mình đề xuất thi thoảng cả gia đình về ngoại đón Tết vào dịp giao thừa… chỉ một khoảnh khắc thôi, các ông sẽ “lên tiên” cả năm, thậm chí cả đời.”
Lúc cưới vợ, ông nào chẳng nắm tay vợ thủ thỉ “Anh sẽ mang đến hạnh phúc cho em suốt đời”, vậy giờ thì các ông làm đi, chứng minh đi. Đừng làm những gã đàn ông vô tâm hay yếu đuối vào những thời khắc quan trọng như thế này.”
Sơn Tùng