Dân số già đảo chiều xu hướng tiêu dùng
Dân số thế giới đang già đi, xu hướng mà Liên hợp quốc (LHQ) cho là "không thể đảo ngược". Và sự thay đổi này có nguy cơ ảnh hưởng đến nền kinh tế Nhật Bản và định hình lại thị trường hàng tiêu dùng, khi tỷ lệ người cao tuổi tăng lên trong khi ngày càng ít cặp vợ chồng sinh con.
Vào đầu tháng Sáu, nước này cho biết số trẻ em sơ sinh đã giảm năm thứ tám liên tiếp, chạm mức thấp kỷ lục là 727.277 trẻ sinh vào năm 2023. Cách đó vài tháng, Nhật Bản cho biết số người 80 tuổi trở lên chiếm đến 10% dân số nước này, qua đó khiến "đất nước Mặt trời mọc" trở thành quốc gia già nhất thế giới. Năm ngoái, gần 30% dân số Nhật Bản từ 65 tuổi trở lên.
Tháng 6/2023, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã công bố một gói các biện pháp trị giá hàng tỷ USD nhằm khuyến khích các gia đình sinh thêm con. Nhật Bản đang cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng nhân khẩu có thể ảnh hưởng đến nguồn kinh phí trả lương hưu và chăm sóc sức khỏe, trong bối cảnh lực lượng lao động thu hẹp và nhu cầu từ nhóm dân số già tăng vọt.
Trong bối cảnh đó, thị trường hàng tiêu dùng tại Nhật Bản đã có những biến đổi. Nhu cầu đối với sản phẩm tã người lớn ở Nhật Bản đang tăng lên, trong khi nhu cầu về tã trẻ em lại giảm xuống.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International, giá trị thị trường toàn cầu của ngành tã người lớn được ước tính ở mức 12,8 tỷ USD vào năm 2023. Con số này được dự đoán sẽ đạt gần 15,5 tỷ USD vào năm 2026. Tại Nhật Bản, thị trường tã người lớn đạt 1,7 tỷ USD vào năm 2023 và được dự đoán sẽ tăng lên 1,9 tỷ USD vào năm 2026, chiếm hơn 12% tổng thị trường toàn cầu của mặt hàng này.
Một ví dụ về các công ty đã có những thay đổi để ứng phó với xu hướng này là nhà sản xuất Nhật Bản Oji Holdings. Hồi tháng Ba, công ty này đã thông báo sẽ ngừng sản xuất tã trẻ em cho thị trường Nhật Bản trong năm nay để tập trung vào các sản phẩm dành cho người lớn mất kiểm soát hành vi tiểu tiện.
Công ty cho biết sẽ tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh tã trẻ em ở nước ngoài. Tổng doanh số tã trẻ em của Oji ở Trung Quốc, Indonesia và Malaysia đã tăng trưởng, trái ngược với sự giảm tốc tại thị trường nội địa, nơi doanh số tã người lớn của công ty này cao hơn 7,3% so với doanh số tã trẻ em vào năm 2023.
Các công ty Nhật Bản khác cũng đã bắt đầu điều chỉnh theo sự thay đổi này. Trên trang web của mình, "gã khổng lồ" điện tử Panasonic cho biết đã và đang nghiên cứu và phát triển các sản phẩm dành cho đối tượng người cao tuổi từ năm 1990.
Nhà sản xuất đồ gia dụng Zojirushi cũng đang cung cấp các tính năng sản phẩm hướng đến người cao tuổi, chẳng hạn như ấm điện có tính năng gửi email đến một địa chỉ đã đăng ký khi có người sử dụng thiết bị này, để người thân có thể theo dõi hoạt động của các thành viên lớn tuổi trong gia đình mình.
Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất ở châu Á phải vật lộn với vấn đề già hóa dân số. Hàn Quốc, quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, đã báo cáo mức thấp mới là 0,72 trẻ em trên một phụ nữ vào năm 2023, giảm so với mức 0,78 vào năm 2022. Quan ngại về tình hình này, Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập một bộ mới để giải quyết tình trạng tỷ lệ sinh thấp.
Cơ quan này dự đoán sáu quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á sẽ nằm trong top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có tỷ trọng người từ 65 tuổi trở lên cao nhất thế giới vào năm 2050, trong đó Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) dẫn đầu danh sách.