'Đại gia' hàng hiệu Burberry gặp khó do nhu cầu hàng xa xỉ giảm
Thương hiệu thời trang xa xỉ Anh Quốc Burberry vừa báo cáo lợi nhuận giảm 34% sau khi doanh số bán hàng tại Trung Quốc - thị trường lớn nhất của hãng - giảm mạnh trong quý IV/2023.
Trước đó, Burberry đã cảnh báo rằng việc đạt được mục tiêu đưa thương hiệu 168 năm tuổi lên phân khúc cao cấp hơn, trở thành định nghĩa "Xa xỉ hiện đại kiểu Anh", khó khăn hơn dự kiến do nhu cầu hàng xa xỉ giảm.
Ngày 15/5, Burberry cho biết doanh số bán hàng của họ giảm 12% trong quý IV năm ngoái, chủ yếu bị kéo xuống bởi mức giảm 19% ở thị trường Trung Quốc, xóa sạch khoản tăng trưởng đạt được trước đó trong năm 2023. Lợi nhuận hoạt động của Burberry trong cả năm 2023 đạt 418 triệu bảng Anh (526,4 triệu USD).
Doanh số bán hàng tại London, thị trường quê nhà của Burberry, giảm 17%. Nguyên nhân dẫn tới kết quả đáng thất vọng này được Giám đốc điều hành của Burberry Jonathan Akeroyd đổ lỗi cho việc thiếu dịch vụ mua sắm miễn thuế cho khách du lịch. Ông Akeroyd cho biết: "Chi tiêu của khách du lịch Trung Quốc tại các cửa hàng của chúng tôi ở London chỉ bằng một nửa so với trước đại dịch, trong khi tại Paris thì con số này đã tăng hơn gấp ba lần".
Doanh số bán hàng của hãng thời trang xa xỉ này tại châu Âu tăng 8% trong quý cuối năm 2023. Ông Akeroyd nói rằng mặc dù kết quả tài chính không đạt được kỳ vọng ban đầu của công ty, họ đã đạt được tiến bộ tốt trong việc định vị lại thương hiệu.
Thương hiệu thời trang Anh Quốc này đang tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh trong phân khúc thời trang cao cấp như Hermes và Prada, những công ty đã báo cáo doanh số bán hàng tăng trong cùng kỳ. Tuy nhiên, toàn bộ ngành hàng xa xỉ trên toàn cầu nói chung vẫn đang gặp khó khăn. Kering, chủ sở hữu của Gucci, đối thủ cạnh tranh gần nhất của Burberry, chứng kiến doanh số bán hàng quý I/2024 giảm 10%. Tập đoàn hàng xa xỉ lớn nhất thế giới, LVMH, chủ sở hữu của thương hiệu Louis Vuitton, cũng báo cáo doanh số bán hàng yếu hơn trong quý gần nhất do chi tiêu cho các mặt hàng xa xỉ chậm lại.
Sau vài năm khởi sắc do đại dịch, các công ty xa xỉ phẩm hiện đang phải đối mặt với nhu cầu yếu hơn ở một trong những thị trường lớn nhất của mình là Trung Quốc. Tâm lý người tiêu dùng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã xấu đi do thị trường bất động sản sụt giảm kéo dài và tình trạng kinh tế sụt giảm.
Ông Adam Crisafulli, cựu nhà phân tích của ngân hàng JPMorgan kiêm người sáng lập công ty nghiên cứu thị trường Vital Knowledge, cho biết các cảnh báo về doanh thu khá bi quan, làm tăng thêm lo ngại về tình hình nhu cầu của người tiêu dùng cao cấp.
Kering, tập đoàn cũng sở hữu Saint Laurent và Balenciaga, đã bị ảnh hưởng nặng nề hơn hầu hết các đối thủ do hoạt động chi tiêu cho xa xỉ phẩm thấp hơn. Năm 2023, tập đoàn này đã công bố một cuộc cải tổ quản lý nhằm vực dậy hoạt động kinh doanh.
Đối với các thương hiệu hàng xa xỉ, xung đột ở Trung Đông đã làm tăng thêm sự bất ổn về địa chính trị đối với triển vọng của ngành, vốn đã bị "lu mờ" bởi lạm phát. Người mua sắm ở Mỹ và châu Âu thận trọng hơn trong chi tiêu và kỳ vọng về sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch ở Trung Quốc đã bị chệch hướng bởi cuộc khủng hoảng bất động sản.
Burberry đã cố gắng vực dậy hoạt động trong vài năm qua, nâng cao thương hiệu và mức giá, song điều này khiến hãng đặc biệt nhạy cảm với việc nhu cầu suy yếu. Những nỗ lực khởi động lại thương hiệu Akeroyd của Burberry cho đến nay vẫn gặp trở ngại.
Đối với Burberry, châu Mỹ tiếp tục là thị trường “khó nhằn”, với doanh số bán hàng tại các cửa hàng tại đây giảm 12% trong quý IV và cả năm 2023.
Burberry hy vọng việc cung cấp nhiều sản phẩm hơn, bao gồm cả may đo quần áo nam và nữ cổ điển với các mức giá trải rộng hơn, sẽ thu hút những khách hàng cao cấp tiếp tục chi tiêu.
Giám đốc sáng tạo của Burberry Daniel Lee đóng vai trò then chốt trong việc định vị lại thương hiệu này. Ông đã trình làng bộ sưu tập thứ ba tại Tuần lễ thời trang London vào tháng 2/2024, tập trung vào dòng áo khoác ngoài- vốn được xem là di sản đặc trưng của thương hiệu này.