Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên: Mở đầu hành trình khảo cứu di sản kiến trúc Phật giáo
Ban Văn hoá Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp các cơ quan nghiên cứu tiến hành khảo sát các chùa tháp Phật giáo khu vực Bắc Bộ nhằm chuẩn bị cho Hội thảo khoa học về "Kiến trúc Phật giáo Việt Nam - thống nhất trong đa dạng".
Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên (xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) – kiến trúc Phật giáo Kim Cương Thừa đầu tiên tại Việt Nam – đã trở thành điểm khảo sát trong ngày đầu tiên của Đoàn.
Thiết kế Bảo tháp được phỏng theo đàn tràng Mandala thể hiện một tổng thể đối xứng về không gian, an trí chư Phật, Bồ tát theo phương vị. Kiến trúc nghệ thuật này là sự thể hiện mang tính biểu tượng của tình yêu thương và lòng từ bi của Đạo Phật.
Chia sẻ trong buổi tọa đàm tại Bảo tháp, Hòa thượng Thích Thọ Lạc, Trưởng ban Văn hóa Trung Ương Giáo hội PGVN đề cao văn hóa Phật giáo tại Vĩnh phúc, bao gồm cả các trường phái Thiền Tông, Tịnh độ Tông và Kim Cương thừa đồng hành hòa hợp theo dòng lịch sử cùng với một mục đích đem lại lợi ích cho đất nước, xã hội.
Trên thực tế, các kiến trúc chùa chiền tại nơi đây mang đậm bản sắc và các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, giúp Vĩnh Phúc trở thành một điểm đến và địa chỉ vàng trên bản đồ du lịch của du khách trong và ngoài nước.
Theo chương trình, Ban Văn hoá trung ương Giáo hội phật giáo Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Viện Bảo tồn Di tích, Hội Kiến trúc sư Việt Nam sẽ tiếp tục khảo sát tại khoảng 10 ngôi chùa tiêu biểu khu vực Bắc Bộ gồm: chùa truyền thống, các ngôi chùa xây mới của các hệ phái: Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ và Thiền tông.
Dự kiến, tháng 4/2023 sẽ diễn ra Hội thảo khoa học về "Kiến trúc phật giáo Việt Nam - thống nhất trong đa dạng" nhằm xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển theo hướng kế thừa, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá kiến trúc Phật giáo tại Việt Nam.