"Cuốn cổ thư của một mẫu thần": Cùng Nguyễn Hoàng Diệu Thủy tìm về "căn tính mẫu"
Sau Đu đưa trên ngọn cây bàng (Giải Khát vọng Dế Mèn 2022), cảm hứng "về nguồn" tiếp tục là nguồn mạch chính của Nguyễn Hoàng Diệu Thủy. Lần này, với Cuốn cổ thư của một mẫu thần (NXB Kim Đồng, 2024), chị không dừng lại ở khai thác kho ký ức tuổi thơ, mà đi xa hơn trên con đường của hư cấu, tưởng tượng.
"Về nguồn" vì vậy mang một ý nghĩa kép: Về một miền quê cụ thể, quê mẹ ở một vùng núi hoang sơ, mà cũng là về lại nguồn mạch văn hóa được lưu giữ trong những cuốn sách, bởi những người nặng lòng với quê hương xứ sở.
Chứa đựng nguồn mạch văn hóa
Đây là chuyện kể về việc hai chị em Mai và Pu bị bố mẹ "thả" về quê ở với ông bà, tách rời khỏi điện thoại, iPad - những thứ chiếm vai trò quá lớn trong đời sống những đứa trẻ đô thị - với mong muốn hai đứa trẻ sẽ được "rèn luyện cho cứng cáp", "kết nối với tự nhiên và nguồn cội".
Hai đứa trẻ nhanh chóng thích nghi với không gian thiên nhiên tươi đẹp, những món ăn hấp dẫn, nhất là có thêm bạn mới thú vị giỏi giang. Những người bạn mới Hiên, Dân sẽ đưa chúng vào những cuộc phiêu lưu thót tim cũng như sát cánh bên nhau cùng khám phá ra những bí ẩn liên quan đến cuốn sách cổ. Nhóm bạn nhỏ giúp được ông Lủ tìm lại cuốn sách của mẫu thần, từ đó nhận ra sự gắn kết với cội nguồn.
Thời gian ngắn ngủi ở quê mẹ đã giúp hai chị em, nhất là Mai, có sự lớn lên vượt bậc về nhận thức cũng như tâm hồn.
Tính ra, đề tài "về nguồn" không mới trong các tác phẩm viết cho thiếu nhi những năm gần đây, khi ngày càng nhiều các nhà văn nhận ra đời sống đô thị khiến cho trẻ em mất đi sự kết nối với thiên nhiên và truyền thống, sống thiếu trong một thế giới ngỡ đủ đầy. Nhưng với Cuốn cổ thư của một mẫu thần, Nguyễn Hoàng Diệu Thủy đã đẩy vấn đề đi xa hơn: Một cuộc về nguồn - văn hóa, được kết nối bởi những cuốn sách.
Mai đã say mê thế giới được mở ra bởi những cuốn sách trong thư viện của ông Tròn, trong đó có những truyện kể dân gian, kể về chiếc túi khôn, nàng Thơm… Đặc biệt là cuốn cổ thư của ông Lủ, "những trang sách con chữ màu đen nhánh, trông ngay ngắn đẹp mắt lắm, trên nền giấy hơi láng và có gì đó ánh lên lấp lánh dưới ánh điện", trong đó chứa những trường ca nhiều khúc hát, được hát lên vào những dịp khác nhau, đồng hành buồn vui cùng đời sống con người.
Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Hoàng Diệu Thủy chọn quê mẹ chứ không phải quê cha làm nơi trở về của những đứa trẻ. Chị muốn khám phá lại "căn tính mẫu" từ cội nguồn, theo đó: "Người mẹ với khả năng sinh nở, nuôi dưỡng con cái, được hóa thân thành rất nhiều mẹ siêu phàm… Nàng Thơm chính là hình ảnh của mẹ Đất". Mai nhận ra sự kết nối của cô bé với mẫu thần thông qua giấc mơ, một giấc mơ rất đẹp, dẫn dắt cô và các bạn tìm ra kẻ đánh cắp cuốn sách cổ.
Mai cũng nhận ra sự gắn kết thiết thân hơn với mảnh đất quê mẹ qua những người như ông Lủ, bà Đảy, cậu Tu, Hiên… đặc biệt qua cậu bạn mới tên Dân, mà ở cuối truyện, cậu bạn ấy chỉ muốn đi cùng trời cuối đất để tìm một chiếc vòng đẹp nhất lồng vào tay Mai.
Theo sự lần tìm của những đứa trẻ, từng mảnh ghép của quá khứ hiện ra, về Lê Sinh, nàng Mạy A, sự sáng tạo ra chữ Phạ, quá trình hình thành và phát triển của cả một cộng đồng hiện ra từ sương khói. Ba món quà nàng Mạy A để lại có ý nghĩa sâu sắc về sự trường tồn của cộng đồng dựa trên lao động và tri thức.
Từ những khám phá, chúng nhận ra mối gắn kết thiêng liêng với cội nguồn và trưởng thành hơn: "Chỉ còn mấy ngày nữa là cái Mai sẽ về thành phố với bố mẹ. Nó bỗng cảm thấy tiếc nuối tha thiết những ngày vừa rồi, những điều nó đã trải qua. Nó cảm thấy điều gì đó sâu sắc lắm đã chạm vào tâm hồn nó, nhưng nó không thể gọi tên và giải thích thành lời. Đấy có phải là sức mạnh của nguồn cội, như lời bố nói?".
Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Hoàng Diệu Thủy chọn quê mẹ chứ không phải quê cha làm nơi trở về của những đứa trẻ, chị muốn khám phá lại "căn tính mẫu" từ cội nguồn.
Nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn
Qua Đu đưa trên ngọn cây bàng (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2022), Nguyễn Hoàng Diệu Thủy đã từng thể hiện khả năng kể chuyện rất hoạt, đậm màu sắc hài hước, gần gũi với tâm hồn trẻ thơ cùng với sự biển chuyển linh hoạt trong giọng điệu phù hợp với những vui buồn trong veo được chắt ra ký ức. Đến Cuốn cổ thư của một mẫu thần, người đọc được tác giả dẫn dắt bay xa hơn trong thế giới được tạo ra bởi hư cấu, tưởng tượng, nhưng vẫn nguyên vẹn thế giới trẻ thơ với ngôn ngữ, giọng điệu hồn nhiên của trẻ.
Thế giới vùng quê miền núi bỗng như rộng ra, thêm phần huyền bí nhờ tuổi thơ không ngừng khám phá. như tác giả chỉ ra: "Người lớn chúa hay nói "trẻ con thì biết gì", nhưng chúng nó biết ối thứ mà người lớn mù tịt. Lẽ ra cũng nên nói: "Người lớn thì biết gì". Tác giả đã cài cắm, đan xen các tình tiết truyện khêu gợi trí tò mò, khiến người đọc hồi hộp, thậm chí không ít lần "thót tim" trước những pha mạo hiểm của lũ trẻ.
Lấy cuốn cổ thư làm trung tâm, các nhân vật được triển khai xung quanh cũng mang những màu sắc bí ẩn, khiến người đọc, theo bước chân của lũ trẻ, phải tự đoán, tự hỏi ai mới là thủ phạm trộm đi cuốn sách? Các nhân vật Cáo Chồn, ông Tròn, Mắt Lạnh, ông Tử Vi… đều có những dấu hiệu đáng ngờ. Điện thoại của Mắt Lạnh với dòng tin nhắn liên quan, tờ mật thư bị xé thành nhiều mảnh, cuộc gặp gỡ mờ ám giữa Mắt Lạnh và ông Tử Vi, pha bám đuổi như trong phim hành động của Dân, "người anh hùng trên chiếc xe tải", khiến câu chuyện càng gay cấn. Cuối cùng, với sự mách bảo của giấc mơ về nữ thần, Mai đã nối kết những chi tiết, để tất cả dẫn đến một dấu hiệu và một người…
Có những cú rẽ bất ngờ của nhân vật gửi gắm thông điệp nhẹ nhàng về sự đa dạng, nhiều chiều trong cách nhìn nhận con người và cuộc sống, chú Mắt Lạnh thật ra không lạnh, ông Câm thật ra không câm, người có vẻ hiền như ông Tròn thật ra không phải thế…
Cũng lấy cuốn cổ thư làm trung tâm, cách ứng xử của các nhân vật với tri thức bộc lộ con người họ. Trong đó, câu chuyện dân gian về chiếc túi khôn "không đáp lại những yêu cầu ích kỷ", tương ứng với câu chuyện về cha con ông Tròn đầy tham vọng, trẻ con biết được rằng sở hữu sách không hẳn là yêu sách, tri thức thực sự phải gắn với "lòng tử tế, trung thực, quả cảm", tỏa ra ánh sáng linh diệu của cái đẹp. Mai "như thể thấy mình thẳm sâu được tạo ra bởi cái đẹp ấy, được bao bọc bởi vẻ đẹp ấy".
Nguyễn Hoàng Diệu Thủy đã viết được một cuốn sách hấp dẫn, lồng ghép những câu chuyện có ý nghĩa giáo dục mà không tạo cảm giác khiên cưỡng, phù hợp với tâm lý trẻ thơ ham phiêu lưu, học hỏi và thả cho trí tưởng tượng bay xa. Tác giả còn khéo léo lồng ghép vào truyện những câu chuyện kể, những bài ca đẹp đẽ, những câu ca dao tục ngữ thú vị, dĩ nhiên có sự "biến tấu" phù hợp với lứa tuổi và tâm lý tiếp nhận.
Đôi khi, sự say mê của một "chị biên" (đó là cách chị tự gọi mình với tư cách là một biên tập viên sách) lộ ra trong câu chuyện qua những kiến thức, bài học liên quan đến sách, cũng như gửi gắm khá nhiều mộng tưởng vào cô bé Mai khi cho cô bé có sự trưởng thành trong nhận thức khá chóng vánh, cuối truyện cô bé ước mơ "mở một hiệu sách thật to, có đủ mọi cuốn sách trên thế giới. Có cả sách chữ Phạ. Rồi em cũng sẽ viết các câu chuyện nữa". Nhưng điều đó không làm giảm bớt sức cuốn hút của câu chuyện, để các bạn trẻ đọc và thấy rằng, "về nguồn" cũng có thể kỳ thú đến thế.
Vài nét về tác giả
Nguyễn Hoàng Diệu Thủy vốn là một biên tập viên sách giàu kinh nghiệm, đồng thời là diễn giả của các cuộc tọa đàm về sách và văn chương. Chị mới cầm bút chưa lâu nhưng đã ghi được dấu ấn nhất định.
Sách đã xuất bản: Trong vòng tay mẹ (2021), Đu đưa trên ngọn cây bàng (2022, Giải thưởng Khát vọng Dế Mèn 2022), Cuốn cổ thư của một mẫu thần (2024)…