Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, từ biên tập tới viết văn
Cả 10 năm kể từ 2012, Nguyễn Hoàng Diệu Thủy kín đáo "núp" trong trang thông tin xuất bản của cuốn sách, với vai trò biên tập viên. Mãi tới 2021, cây bút này mới xuất hiện trên bìa sách, với tư cách tác giả tập tản văn Trong vòng tay mẹ (NXB Thế giới), ký Diệu Thủy. Một trang trong tác phẩm đầu tay này đã được tuyển vào giáo khoa Tiếng Việt 3, tập 1, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.
Bài tập đọc Trò chuyện cùng mẹ của Nguyễn Hoàng Diệu Thủy được dạy trong chủ điểm Mái nhà yêu thương, kéo dài 4 tuần, dạy cùng văn, thơ của Vũ Quần Phương, Phong Điệp, Huỳnh Mai Liên, Hà Yên, Dương Thụy, Phạm Hổ, Trần Đức Tiến…
Người viết, người biên soạn khéo kết nối
Mỗi tác giả trong chủ điểm này góp một cái nhìn về đời sống gia đình. Nguyễn Hoàng Diệu Thủy kể chuyện hai bé gái được "trò chuyện cùng mẹ" hằng đêm. Học bài này, các em lớp 3 được thầy cô hướng dẫn đọc hiểu một văn bản giàu chi tiết văn học, giàu nhạc tính, nhờ các từ láy xuất hiện với tần suất cao (7 lần):
"Thời gian vui nhất trong buổi tối của Thư và Hân là trước khi đi ngủ. Đã thành thói quen, ba mẹ con sẽ đọc sách, rồi thủ thỉ chuyện trò. Những câu chuyện của ba mẹ con thường nối vào nhau không dứt. Vì thế, sắp đến giờ ngủ, mẹ phải nói rành rọt từng chữ: Năm phút nữa thôi nhé. Nhưng đôi khi chính mẹ nấn ná nghe chuyện của con, làm năm phút cứ được cộng thêm mãi. Ba mẹ con có nhiều điều để nói với nhau lắm. Hôm thì ba mẹ con bàn luận về các nhân vật trong quyển sách vừa đọc. Hôm thì mẹ kể cho hai chị em về công việc của mẹ. Có hôm, mẹ lại kể về ngày mẹ còn bé. Thỉnh thoảng mẹ pha trò khiến hai chị em cười như nắc nẻ.
Hai chị em cũng líu lo kể chuyện cho mẹ nghe. Em Hân bao giờ cũng tranh kể trước. Em hay kể về các bạn ở lớp mẫu giáo, về những trò chơi em được cô dạy, hay những món quà chiều mà em ăn rồi lại muốn ăn thêm nữa. Thư thì kể cho mẹ nghe chuyện được cô giáo mời đọc bài văn trước cả lớp, về những bài toán thử trí thông mình các bạn thường đố nhau trong giờ ra chơi…
Ba mẹ con rúc rích mãi không chán. Chỉ là đến giờ ngủ thì phải ngủ thôi".
Để hiểu kĩ hơn nội dung văn bản, theo người soạn giáo khoa, thầy cô giáo phân vai, học sinh vào vai, biến lời kể của tác giả thành lời thoại của nhân vật Thư và Hân; các em được đọc thêm một trích đoạn ngắn của Vũ Tú Nam viết về quan hệ nội, ngoại trong một gia đình.
Trong văn bản của Nguyễn Hoàng Diệu Thủy có một dấu hai chấm (:). Các nhà biên soạn giáo khoa coi đây là cơ hội để học sinh biết thêm một khái niệm ngữ pháp, để đưa vào phần luyện tập các bài tập đọc những câu văn hay của Thanh Tịnh, Ma Văn Kháng, Trần Hoài Dương, Ngô Quân Miện… Người viết, người biên soạn khéo kết nối để có những cơ hội như thế cho người học, giúp các em hiểu rõ cách dùng loại dấu câu này.
Không theo bất kỳ sách văn mẫu nào
Năm 2021, tập tạp văn Trong vòng tay mẹ của Nguyễn Hoàng Diệu Thủy được vào danh sách 16 tác phẩm chung khảo Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn. Ngay năm sau, chị nhận giải Khát vọng Dế Mèn, khi tác phẩm Đu đưa trên ngọn cây bàng gửi dự thi mới chỉ ở dạng bản thảo.
Đọc truyện dài Đu đưa trên ngọn cây bàng, độc giả - cả thiếu nhi và người lớn - được "đu đưa" với nhiều câu chuyện tức cười, được say với chất hài vốn là thứ hiếm hoi trong nền văn học có lúc đề cao thái quá chức năng giáo dục mà quên giải trí.
Độc giả được cười suốt buổi chiều cùng nhân vật người kể chuyện - cô học sinh lớp 5 tên Thủy, học nhóm cùng các bạn Nga, Ngọc, Trâm của mình. Các em cùng làm bài văn tả con lợn không theo bất kỳ sách văn mẫu nào. "Con lợn nhà em tên là Mỹ Linh. Mỹ Linh nặng khoảng 40 cân. Mỹ Linh có làn da hồng hào và mịn màng làm em rất ghen tị". Bé Thủy tả chân như thế rồi bình luận: "Tôi viết chân thành như vậy vì da tôi đen cháy mà". Cô bé tinh nghịch tạo dư ba bằng một toàn cảnh tích hợp hiệu ứng của cảm nhận thính giác và thị giác, cũng chân thành không kém "Tiếng ngòi bút của mấy đứa soạt soạt trên giấy".
Độc giả được vừa cười, vừa hát nhạc chế (bài Trái đất này là của chúng mình) cùng với các nhân vật: "Cái bếp này là của chúng mình/ Quả bí xanh bay giữa nồi canh".
Chưa hết, ngòi bút dẫn chuyện Nguyễn Hoàng Diệu Thủy còn dẫn độc giả tới khung cảnh khoáng đãng, thi vị của câu cổ ngữ "thứ nhất quận công, thứ nhì…". Thứ nhì ở đây là: "Trăng sáng vằng vặc trên đầu và gió mát rười rượi trong tóc. Vừa ị tôi vừa mê mải chọn những cái đòng đòng vừa độ bứt ăn…".
Dám cù, biết cù bạn đọc như thế, nhưng chương cao trào, chương đỉnh của truyện dài này lại là một trường đoạn trữ tình đẫm nước mắt. Tác giả đưa vào diễn biến truyện, cái chết của một người mẹ, mẹ cái Linh, để truyện đột biến, dẫn tới đoạn những đứa bé đi tìm mẹ mới cho Linh. "Tôi lôi xềnh xệch cái Linh đi, thằng Kiên chạy phía sau. […]. Cả ba đứa thở hổn hển. […]. Mẹ đang ngôi bàn máy khâu ngẩng lên. […]. "Mẹ - giọng tôi lạc đi. - Mẹ nhận cái Linh làm con nhá mẹ nhá. Mẹ nhìn chúng tôi, nhìn mảnh khăn trắng xộc xệch trên đầu cái Linh, phút chốc mắt mẹ tôi ầng ậng nước. "Các con lại đây" - Mẹ giơ tay".
Bạn đọc có thể chẳng biết biên tập viên là ai
Khi được hỏi ở truyện dài Đu đưa trên ngọn cây bàng (NXB Phụ nữ Việt Nam & Nhã Nam, 2022) những kỹ thuật dựng truyện nào, phép dụng văn nào, Nguyễn Hoàng Diệu Thủy trả lời: "Kỹ thuật văn chương là một quá trình tích lũy lâu dài thông qua việc đọc và biên tập nhiều năm, thành thử để chỉ ra một kỹ thuật nào cụ thể, được học từ tác giả hoặc tác phẩm nào, sẽ rất khó. Nhưng vì là một biên tập viên lâu năm và đã xử lý nhiều bản thảo, nên tôi có ý thức nhất định về cấu trúc. Truyện này được dựng theo cấu trúc tuyến tính, một mạch chính với phần cao trào nằm ở gần cuối, mỗi chương gồm những câu chuyện ngắn và cũng có một cao trào riêng".
Chị nói thêm: "Tôi viết nhiều câu chuyện ngắn ngắn rồi ghép thành chương để các bạn nhỏ dễ đọc. Tôi cũng khá chỉn chu về câu chữ, chắc cũng do phải sửa câu chữ qua nhiều năm. Bản thảo của tôi khi được chuyển cho một biên tập viên khác xử lý thì hầu như không phải can thiệp gì nhiều, trừ vài lỗi chính tả".
Lại hỏi: "Trong hơn 100 tác phẩm chị đã biên tập, có cuốn nào bắt đầu từ đề nghị chủ động của người biên tập không, hay tất cả đều từ bản thảo mà các nhà văn gửi tới?". Nguyễn Hoàng Diệu Thủy cho biết: "Công việc biên tập của tôi có hai mảng, mảng sách văn chương và mảng sách phi hư cấu. Đối với mảng sách văn chương, dù là tác giả chủ động gửi bản thảo đến, hoặc do đề nghị của biên tập viên, thì quá trình sáng tạo của người viết cũng khá riêng tư. Do đó đối với các tác giả giàu kinh nghiệm thì bản thảo của họ ít cần can thiệp biên tập. Nhưng đối với các tác giả ít kinh nghiệm thì biên tập viên có thể đề xuất các cách chỉnh sửa để bản thảo trở nên chỉn chu trước khi in".
"Đối với mảng sách phi hư cấu, bao gồm sách về lịch sử, văn hóa, giáo dục, sách dùng cho cha mẹ, phong cách sống, kỹ năng sống, thì việc phát triển tác giả và phát triển nội dung của biên tập viên rất quan trọng, đa số sách ở mảng này là do sự chủ động của biên tập viên".
Diệu Thủy ví dụ về công việc biên tập ở khâu ý tưởng. "Cuốn truyện tranh Tết là nhất, nhất là Tết của họa sĩ Mèo Mốc xuất phát từ ý tưởng của tôi, do tôi rất thích có một cuốn sách để bán vào dịp Tết cho trẻ em. Tôi đã bàn ý tưởng này với Mèo Mốc, tiếp đó tôi cùng nhóm biên tập đóng góp những nội dung nhất định cho họa sĩ, để từ đó họa sĩ với óc sáng tạo riêng đã phát triển ý tưởng thành một cuốn sách thú vị".
Cuốn Tết là nhất, nhất là Tết cũng đoạt giải Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn năm 2021, đã được tái bản nhiều lần. "Nhìn thấy một cuốn sách do mình khởi xướng được bạn đọc yêu mến, được giải thưởng, tôi rất vui, dù nhiều bạn đọc có thể chẳng biết biên tập viên là ai và có vai trò gì" - Nguyễn Hoàng Diệu Thủy chia sẻ.
Dù đã cầm bút, nhưng Nguyễn Hoàng Diệu Thủy vẫn say mê biên tập để bạn đọc có thêm những sách mới. Vậy là chúng ta đang có một biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy âm thầm làm việc, bên cạnh một nhà văn đang dần lộ diện.