Cùng Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến 'đi quanh quanh' Hồ Tây
(Thethaovanhoa.vn) - Viết về những gì đã và đang diễn ra tại Hồ Tây, Chuyện quanh quanh Dâm Đàm (NXB Trẻ) là cuốn sách mới nhất của Nguyễn Ngọc Tiến, người vẫn thường được biết tới với những khảo cứu khá nghiêm túc và công phu về Hà Nội.
Cũng cần nhắc lại, trước khi xuất bản, một phần nội dung cuốn sách đã được giới thiệu trên báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) vào năm 2019 với 15 kỳ “Khám phát Hồ Tây”.
Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với tác giả.
* Xin hỏi vui một chút, tại sao lại là cái tên cổ “Dâm Đàm” thay vì Hồ Tây quen thuộc? Và tại sao lại là “quanh quanh” - nghe có vẻ vừa đủng đỉnh, vừa ngẫuhứng,trong khi cuốn sách lại là một công trình khảo cứu khá nghiêm túc?
-Cái tên không chỉ để gọi mà trong không ít trường hợp nó còn gợi cảm xúc, ký ức cho nhiều người.Về địa dư, tên Hồ Tây rất đơn giảnlà cái hồ ở phía tây của kinh thành Thăng Long. Nhưng tên Dâm Đàm lại khác, vừa để gọi nhưng cũng chỉ một trạng thái khác của hồ khi thời tiết thay đổi. Và cái mịt mù ấy dễ khiến người ta liên tưởng nhiều chuyện được cất giấu trong đó, điều này cũng gây ra sự tò mò.
Còn lại, “quanh quanh” quả thật nghe rất đủng đỉnh và ngẫu hứng. Nó cũng là tính từ để khẳng định “chuyện của tôi chỉ quanh quanh ở Hồ Tây thôi vì không gian hồ rộng lắm”.
* Vậy, cơ duyên để viết một cuốn khảo cứu riêng về Hồ Tây đến với anh từ bao giờ? Trong những trang viết về Hà Nội trước đó, anh đã “động tới” nó nhiều chưa?
-Trong thập niên 1980 và 1990, tôi viết khá nhiều bài về Hồ Tây và các làng quanh hồ nhưng nó vẫn chỉ là bài lẻ.Ý tưởng viết thành cuốn sách xuất hiện khi tôi nhận lời tham gia chuyên mục “Kể chuyện Hà Nội”trên kênh VOV Giao thông. Trong hơn 2 năm cộng tác, tôi kể đủ chuyện, xưa có nay có, vui có buồn có. Khi kể về sen Hồ Tây thì biên tập viên chương trình muốn tổ chức thành chuyên đề các chuyện quanh Hồ Tây, dĩ nhiên tôi đã đáp ứng mong muốn của họ. Tuy nhiên, vì thời gian cho chuyên mục chỉ có 5 phút nên nhiều chuyện không thể kể chi tiết. Hoặc, có những chuyện hay song vì nhiều lý do nên không thể kể được hoặc có thông tin mới lạ lại không có “chuyện”. Bởi thế, khi kết thúc chương trình với VOV Giao thông, tôi đã chấp bút thành sách.
* Một chút chia sẻ của anh về những câu chuyện ấy, cũng như những gì khiến anh ấn tượng nhất?
- Hồ Tây và không gian cận hồ là vùng đất cổ, bằng chứng là thập niên 60, các nhà khảo cổ đã tìm thấy rìu bằng đồng ở khu vực này. Hồ Tây là nơi sản sinh ra nhiều truyền thuyết, những truyền thuyết này đã làm nên TÂM THỨC Hà Nội. Không chỉ là mảnh đất cổ với nhiều tầng văn hóa mà nơi đây còn là mảnh đất lịch sử khi Hai Bà Trưng nổi dậy chống quân Đông Hán vào mùa Xuân năm 40 ở cửa sông Hồng với hồ. Quanh hồ cũng là mảnh đất cho phái thiền Tào Động mở rộng, các nhà sư đã chọn Hồ Tây làm nơi dựng chùa, vì thế hiện nay rất nhiều chùa quanh hồ có dấu ấn của thiền Tào Động.
Nhưng ấn tượng nhất với tôi có lẽ là các quán rượu sen ở làng Võng Thị, khách đi thuyền từ làng Tây Hồ sang Võng Thị thưởng thức rượu sen và nghe ca nương đàn hát. Rất tiếc là đến triều vua Gia Long thì thú giải trí tao nhã này không còn.
* Vậy, các tư liệu về Hồ Tây được anh khai thác từ những nguồn nào? Và để hoàn thiện cuốn sách, hẳn anh đã có những chuyến “quanh quanh Hồ Tây”- có thể là thực địa viết bài, hoặc có thể là những chuyến đi rong chơi từ khi còn trẻ?
-Cũng như các cuốn khảo cứu đã xuất bản, tư liệu tôi sử dụng chủ yếu là chính sử, dã sử, văn hóa dân gian,dư địa chí, văn bia và báo chí các thời kỳ... Có một nguồn khác cũng cung cấp nhiều thông tin giá trị là các cuốn sách của người Pháp viết về du lịch quanh Hồ Tây từ cuối thế kỷ XIX, về hồ, nước thải, cá hay cung cách quản lý hồ... Tất nhiên, không thể thiếu ký ức thời học sinh khi tôibơi thuyền, nhảy tầu điện lên chợ Bưởi. Vì thế trong cuốn sách ngoài “phần cứng”, có nhiều đoạn là cảm xúc cá nhân...
* Nếu Hồ Gươm vẫn được mặc định là trung tâm văn hóa của Hà Nội trong gần một thế kỷ qua, thì Hồ Tây sẽ là gì với thành phố, theo anh?
- Từ cái làng nhỏ ven sông Tô Lịch dần trở thành một vùng đất sầm uất vào thế kỷ thứ VIII khi nhà Đường xây thành Đại La, có thể khẳng định Hồ Tây và vùng đất “quanh quanh” là cái rốn văn hóa của Thăng Long-Hà Nội. Nó còn là cái nôi của nhiều nghề truyền thống. Hoặc về sinh thái, Hồ Tây là máyđiều hòa tự nhiên, giữ cho nhiệt độ Hà Nội không quá cao trong ngày nắng nóng.
* Nhiều độc giả trung niên vẫn ấn tượng pha lẫn tiếc nuối khi nhớ về một Hồ Tây mênh mông rộng và đẹp hơn rất nhiều trong quá khứ. Anh có chia sẻ suy nghĩ ấy không?
thập niên 1970, 1980, vào buổi chiều đẹp trời,đứng ở đường Thanh Niên ta có thể nhìn thấy núi Ba Vì mờ mờ và nhìn sang phía Tây sẽ không thấy bờ, khiến cảm giác hồ mênh mông rộng lớn. Hồ Tây từng có sen Bách diệp, có sâm cầm nhưng nay những đặc sản này chỉ còn trong ký ức của một lớp người. Các làng nghề làm giấy, dệt lĩnh- thứ lụa cao cấp thời bao cấp - vẫn còn nhưng nay đã mất. Những làng cổ đẹp như tranh bị đô thị hóa vội vàng khiến làng thì mất mà phố thì không ra phố. Cuối cùng, tương lai Hồ Tây vẫn là Hồ Tây nhưng không còn mềm mại - khi bê tông vây kín chùa, đình, đền và hồ thì như chiếc ao lớn mà thôi.
* Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện.
Vài nét về tác giả Nguyễn Ngọc Tiến Tác giả Nguyễn Ngọc Tiến sinh năm 1958 tại Hà Nội, từng có nhiều năm làm báo. Anh viết nhiều cuốn sách khảo cứu như 5678 bước chân quanh hồ Gươm, Đi ngang Hà Nội, Đi dọc Hà Nội... và từng nhận giải ở hạng mục Tác phẩm tại giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2012 do TT&VH tổ chức. |
Hoàng Nguyên (thực hiện)