'Của biếu là của lo...'
(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện biếu quà, tặng quà Tết cho cấp trên những năm gần đây vẫn luôn được nhắc đến vào dịp cuối năm. Trong tuần vừa qua, Hà Nội cũng đã ký ban hành Chỉ thị số 02-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc tổ chức Tết năm 2021. Trong đó yêu cầu thực hiện nghiêm chủ trương không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức...
Trong văn hóa của người Việt, tặng quà Tết vốn là việc bày tỏ lòng tri ân, sự kính trọng đối với ông bà, cha mẹ, cùng những người đã giúp đỡ mình, là sự sẻ chia đối với những hoàn cảnh khó khăn của cộng đồng... Nhưng chẳng nhớ là từ bao giờ, nét đẹp văn hóa này đã bị biến tướng.
Những năm cuộc sống còn khó khăn, món quà biếu vào dịp này thường là những sản vật quê hương, gắn với địa phương, vùng miền. Có khi chỉ là cân chè ngon, chục trứng gà, nải chuối, quả bưởi bày bàn thờ hoặc là vài cân gạo nhà trồng được… Giá trị của món quà không quá lớn nhưng chan chứa tình cảm, thể hiện sự biết ơn và thân thiết, quý mến nhau.
Theo thời gian, giá trị của quà biếu cũng tăng dần. Giờ đây, quà biếu là những hiện vật có giá trị tùy theo mức độ mối quan hệ, đa phần là hàng ngoại nhập… càng đắt tiền càng tốt. Nhưng sự thay đổi lớn nhất chính là người ta biếu quà cho nhau, cụ thể là biếu cấp trên, có khi chỉ nhằm những mục đích, động cơ khác chứ không hẳn là vì quý mến hay là tri ân. Và có người nhận thì sẽ có người biếu. Dần dần việc “đi Tết sếp” được coi như là tất yếu…
Một vài năm trở lại đây, mặc dù năm nào cũng có công văn, chỉ đạo từ trung ương đến địa phương nghiêm cấm việc này, nhưng xem ra chuyện biếu, tặng quà lãnh đạo các cấp dịp lễ tết vẫn bị lạm dụng, biến tướng dưới nhiều hình thức. Đến mức, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương cuối năm ngoái. Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu: “Thực hiện tinh thần nêu gương, không tranh thủ dịp Tết này cấp dưới biếu quà cấp trên, các ngành các cấp không phải ra Hà Nội mang quà biếu, xe cộ ùn ùn tới nhà các lãnh đạo”.
- Đen Vâu, JustaTee tung MV 'Đi về nhà' ngập tràn không khí Tết
- Hà Nội xin ý kiến Chính phủ chủ trương bắn pháo hoa dịp Tết Dương lịch 2021
Thói biếu xén để cầu cạnh chẳng phải là... một tất yếu xã hội. Theo logic, phải có cấp trên nhận biếu xén thì mới có người dưới biếu xén. Nhưng nếu cả 2 phía đều "nói không", thì chuyện lợi dụng lễ tết để biếu xén, cầu cạnh sẽ không có đất để tồn tại nữa. Lúc đó, việc biếu tặng quà chắc chắn sẽ trở về nguyên nghĩa của "văn hóa quà tặng": sự tri ân, sự động viên, chia sẻ...
Ngược thời gian trở lại, không phải là bây giờ chuyện quà cáp, biếu xén mới được nói đến. Tôi nhớ đến “Sự tích quả dưa hấu”, một câu chuyện cổ tích mà nhiều đứa trẻ đã đọc hồi còn nhỏ.
Chuyện kể về Mai An Tiêm, là người con nuôi được vua Hùng hết mực yêu thương. Chàng có những đức tính tốt đẹp của con người: Thông minh, chăm chỉ, giàu lòng thương người, lại chính trực, không thích xu nịnh.
Thói thường, các quan được một chút lộc vua thì nâng niu ca tụng; riêng An Tiêm thường bảo: "Của biếu là của lo, của cho là của nợ!".
Hẳn là sống trong chốn cung đình, chàng cũng đã nhận thấy thói biếu xén, cầu cạnh, "vay trả, trả vay" như thế nào qua những thứ gọi là quà biếu, nên vận dụng sự đúc rút đó của dân gian . Nhưng câu nói ấy của chàng đã khiến vua cha tức giận. Ông ra lệnh đày chàng ra đảo hoang cùng vợ và 2 con nhỏ, thứ duy nhất được mang theo là con dao cùn. Rồi một ngày, chàng phát hiện được những hạt giống mà đàn chim bỏ lại, bèn đem gieo trồng. Sau vài tháng chăm sóc, vườn cây lạ đã ra một thứ quả lòng đỏ, vỏ xanh, ngọt ngào, mọng nước. Chàng đặt tên quả là dưa hấu và đem đổi lấy gạo và muối cho gia đình…
Nhà vua đã rất ngạc nhiên về tinh thần của con mình. Vua đã hạ lệnh cho chàng trở về đất liền đem những hạt giống theo và chỉ dạy cho muôn dân cách trồng.
Quà biếu Tết này cho nhau, có lẽ là dưa hấu chăng, không chỉ gợi nhắc đến sự tự lực, tự vươn lên của Mai An Tiêm mà còn là biểu tượng của sự no đủ, viên mãn?
QUỐC KHÁNH