Công việc kỳ lạ ở vùng đất lạnh nhất thế giới: Đếm chim cánh cụt mỗi ngày nhưng phải vượt qua 6.000 ứng viên mới được chọn, thù lao tới 2.300 USD/tháng
Bạn mệt mỏi với cuộc sống làm việc từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều hàng ngày và ngán ngẩm những khung cảnh tấp nập nhộn nhịp của phố thị, bạn đã từng khao khát thay đổi môi trường làm việc? Gần đây, một thông tin tuyển dụng siêu hấp dẫn đến từ Nam Cực đã thu hút đông đảo sự chú ý của dư luận.
Công việc kỳ lạ nhất thế giới
Gần đây, "Bưu điện xa xôi nhất thế giới", đặt tại Port Lockroy, Nam Cực đã đăng tin tuyển dụng nhân viên "đếm số lượng chim cánh cụt" tại địa phương, với nội dung công việc rất đơn giản kèm mức lương tương đối hậu hĩnh, thu nhập mỗi tháng giao động từ 1.600-2.300 USD.
Ngay sau khi thông tin tuyển dụng được đăng tải đã thu hút 6.000 ứng viên đến từ khắp nơi trên thế giới nộp đơn ứng tuyển. Trải qua cuộc sàng lọc kỹ lưỡng, 4 cô gái đến từ Anh và Úc đã xuất sắc trúng tuyển, thời gian công tác kéo dài 5 tháng, bắt đầu từ tháng 11 năm nay họ sẽ lên đường đến Nam Cực và kết thúc công việc vào tháng 3 năm sau.
Đối với những ai thích chim cánh cụt, hẳn sẽ rất hạnh phúc khi đến Nam Cực được tận mắt ngắm nhìn đàn chim cánh cụt vui đùa trong băng tuyết và đại gia đình chim cánh cụt giao lưu với nhau.
Tuy nhiên, điều kiện làm việc nơi đây mang đầy tính thử thách, yêu cầu ứng viên phải thích nghi với khí hậu giá lạnh và không gian sống tương đối giản dị, quan trọng là thể chất cũng phải thật khoẻ mạnh.
Bưu điện Port Lockroy được mệnh danh là bưu điện xa xôi nhất và lạnh nhất thế giới, nhiệt độ trung bình dưới 0°C quanh năm, môi trường sống không điện, không wifi, không nước sinh hoạt, cơ sở vật chất hạn chế, tất cả mọi người dùng chung một phòng ngủ với giường tầng và một phòng tắm cùng một toilet trong trại.
Trạm nghiên cứu ở Nam Cực. Ảnh: Sohu
Với điều kiện làm việc khắc nghiệt và phải làm việc trong 5 tháng đầy thử thách, hàng xóm duy nhất của họ chính là những chú chim cánh cụt, nên đòi hỏi họ phải chịu đựng được sự cô đơn. Trên thực tế, nội dung công việc của họ phức tạp hơn so với tưởng tượng, bao gồm vận hành bưu điện, bán tem, bảo trì các tòa nhà lịch sử địa phương, v.v.
Vào thế kỷ XX, ngoài khơi bán đảo Nam Cực, có một nơi gọi là cảng Port Lockroy, tại đây toạ lạc một căn cứ Di tích lịch sử của Anh, còn được gọi là "bảo tàng sống".
"Bảo tàng sống" được thành lập vào năm 1944, ban đầu được điều hành bởi một trạm nghiên cứu của Anh, nhằm phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học. Hiện nay, nơi đây do Hiệp hội UK Antarctic Heritage Trust của Anh quản lý, về cơ bản nơi đây được xây dựng theo hướng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, vì hơn 2.000 chú chim cánh cụt sinh sống tại đây. Ngoài các tòa căn cứ trước đây, trên đảo cũng xây thêm bưu điện và cửa hàng quà lưu niệm.
Công việc cơ bản là quản lý hơn 2.000 chú chim cánh cụt. Ảnh: Sohu
Công việc không hề dễ dàng, tỷ lệ chọi 1500:1
Sự kết hợp giữa ngắm nhìn chim cánh cụt ở cự ly gần và bưu điện xa nhất trên thế giới trở thành điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng ở Nam Cực. Nơi đây thu hút khoảng 18.000 du khách mỗi năm. Tuy nhiên, chỉ một nửa diện tích được mở cửa cho khách du lịch đến tham quan, nửa còn lại tạo môi trường sống tự nhiên cho chim cánh cụt.
Khi đến cảng Port Lockroy du lịch, du khách có thể ngắm nhìn cận cảnh những chú chim cánh cụt, mua tem, gửi bưu thiếp cũng như trải nghiệm khí hậu băng giá và quang cảnh trắng xóa tại Nam Cực.
Mặc dù hoạt động du lịch chỉ diễn ra vài tháng trong năm và quy trình không đòi hỏi nhiều nhân lực, nhưng những công việc như đón tiếp khách du lịch, quản lý cửa hàng lưu niệm, quản lý bưu điện, bảo trì các công trình lịch sử và di tích văn hóa, chăm sóc chim cánh cụt...vẫn rất cần nhân lực thực hiện các công việc trên. Do đó, Hiệp hội UK Antarctic Heritage Trust của Anh sẽ tuyển từ 4-5 người đến sinh sống và làm việc trên đảo hàng năm, nhằm duy trì môi trường du lịch và sinh thái nơi đây.
Công việc không hề đơn giản. Ảnh: Sohu
Theo Tổ chức Theo dõi Động vật hoang dã hỗ trợ Cơ quan khảo sát Nam Cực của Anh thực hiện kế hoạch thống kê số lượng chim cánh cụt và các động vật hoang dã khác trên đảo cho biết: "Công việc này trông có vẻ dễ dàng, nhưng xem xét nó ở Nam Cực, công tác thống kê thực sự khó thực hiện".
Vì vậy, những ứng viên xuất sắc được chọn đều là nhà sinh vật học và thạc sĩ khoa học, họ nổi bật về thể lực, kỹ năng, kinh nghiệm làm việc, cũng như phẩm chất và tâm lý.
4 cô gái đã vượt qua 6.000 ứng viên để được chọn. Ảnh: Sohu
Trong 4 người họ, Miley phụ trách "đếm số lượng chim cánh cụt", cô đang học tiến sĩ ngành sinh học môi trường tại Úc, lần này cô là người giám sát động vật hoang dã và phải đếm số lượng cá thể chim cánh cụt, quan sát tổ của chúng và đàn chim con mới nở.
Claire, 23 tuổi, vừa hoàn thành bằng thạc sĩ khoa học trái đất tại Đại học Oxford, cô đảm nhiệm "điều hành" bưu điện và xử lý số bưu thiếp hàng năm khoảng 80.000 tấm.
Natalie phụ trách điều hành cửa hàng quà lưu niệm, cô vừa kết hôn được 4 tháng và cô quyết định xa chồng để đến Nam Cực làm việc. Qua phỏng vấn cô bày tỏ mình rất hạnh phúc khi được đến Nam Cực! Và xem khoảng thời gian công tác như tuần trăng mật đơn độc của cô!
Lucy, cô là một nhà khoa học, cô phụ trách quản lý đoàn khách du lịch và giám sát những con tàu đến và đi, cô rất vui khi nhận được cơ hội làm việc tại Nam Cực vì công việc này giúp hoàn thành giấc mơ khoa học của mình.
Dù là môi trường làm việc thô sơ và khắc nghiệt nhưng chắc hẳn không làm khó được 4 cô gái ưu tú đã vượt qua các vòng phỏng vấn vô cùng chuyên nghiệp với tỉ lệ chọi 1500:1. Và thù lao xứng đáng cho họ, không chỉ là tiền lương mà còn là cơ hội công tác cũng như thực hiện "giấc mơ nghiên cứu khoa học" tại bán cầu Nam Cực lạnh giá của Trái đất.