Công nghiệp văn hóa - nguồn lực để phát triển bền vững
(Thethaovanhoa.vn) - Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa hiện nay, việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa đang trở thành một yêu cầu cấp thiết. Trên thế giới đã có nhiều nước phát triển công nghiệp văn hóa ở mức chuyên nghiệp. Ở nước ta, công nghiệp văn hóa là khái niệm mới chỉ đặt ra trong một thập niên trở lại đây. Tuy nhiên, Đảng, Nhà nước đã xác định, công nghiệp văn hóa là nguồn lực để phát triển bền vững.
Trên thế giới, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo là một lĩnh vực phát triển nhanh chóng, và là trọng tâm được nhiều quốc gia quan tâm, coi đó là lĩnh vực đột phá trong phát triển đất nước. Tốc độ trung bình của ngành này trên thế giới cũng thường gấp 1,5 lần so với mức tăng trưởng bình quân của mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, khái niệm các ngành công nghiệp văn hóa được biết nhiều từ năm 2014, khi chúng ta ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 (Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI), trong đó có một nhiệm vụ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đi đôi với việc hoàn thiện thị trường văn hoá.
Để cụ thể hóa Nghị quyết, năm 2016, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trên thực tế, ngành công nghiệp văn hóa gồm 12 lĩnh vực như quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa đều đã phát triển rất năng động và nhanh chóng trong những năm vừa qua.
Chúng ta thấy sự sôi động của các lĩnh vực này qua hàng loạt các sự kiện được tổ chức, qua doanh thu và số lượng sản phẩm và dịch vụ văn hóa - nghệ thuật. Như năm 2018, doanh thu của ngành điện ảnh khoảng 3.500 tỷ đồng; du lịch Việt Nam đón gần 15,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2017, phục vụ trên 80 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 620.000 tỷ đồng…
So với các nước trên thế giới, trong đó có các nước trong khu vực, chúng ta có chậm trễ hơn trong phát triển các ngành công nghiệp văn hoá. Trong bối cảnh đó, sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đang phải đối mặt với một số khó khăn như nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của công nghiệp văn hóa đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước chưa đầy đủ. Vì vậy, chúng ta chưa có những giải pháp cụ thể để phát triển các ngành công nghiệp văn hoá; mô hình quản lý và đầu tư chưa phù hợp, chưa có các cơ chế thích hợp cho sự phát triển công nghiệp văn hóa; thiếu hụt các kỹ năng quản trị doanh nghiệp cùng với sự bất cập về giáo dục sáng tạo; cũng như thiếu kết nối mạng lưới, và thiếu các tổ hợp, không gian sáng tạo tạo điều kiện hình thành nên hệ sinh thái khởi nghiệp, sáng tạo cho toàn xã hội…
Tuy vậy, dù chậm và gặp nhiều khó khăn hơn một số nước trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nhưng chúng ta cũng có nhiều tiềm năng to lớn trong việc phát triển các ngành công nghiệp này. Nền văn hóa phong phú, độc đáo của 54 dân tộc được hình thành qua hàng ngàn năm lịch sử với sự hiện diện của nhiều di sản văn hóa, cả vật thể và phi vật thể, cộng với những ưu đãi về vẻ đẹp thiên nhiên đặc biệt có thể trở thành những chất liệu quan trọng cho sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa. Bên cạnh đó, với qui mô dân số trẻ, nhanh nhạy trong hội nhập quốc tế, kinh tế đang trên đà phát triển sẽ là những động lực cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời gian sắp tới.
Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam cần phải xem là một công việc lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì và quyết tâm cao đối với một lĩnh vực quan trọng trong sự phát triển đất nước. Trên thực tế, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Việc thực hiện tốt Chiến lược này sẽ là giải pháp tổng thể quan trọng cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hoá.
Ở đây, mục tiêu chung của chúng ta là nhằm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa; ưu tiên phát triển các ngành có nhiều lợi thế, tiềm năng của Việt Nam.
Để làm được điều đó, chúng ta cần đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương và toàn xã hội về vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp trong việc đầu tư cho văn hóa như là một phần chiến lược kinh doanh và thể hiện trách nhiệm với xã hội, cộng đồng. Chúng ta cần xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời kỳ mới nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ văn hóa, nâng cao hiệu quả việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường; các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai, khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sỹ, các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Đồng thời, chúng ta cần phát triển nguồn nhân lực bằng cách đổi mới nội dung, chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực và cải thiện kỹ năng quản lý, kỹ năng kinh doanh trong các ngành công nghiệp văn hóa, tăng cường liên kết, hợp tác để các cơ sở giáo dục đại học, các viện nghiên cứu tham gia có hiệu quả vào phát triển nguồn nhân lực nói riêng cũng như phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nói chung. Phát triển thị trường cho các sản phẩm, dịch vụ văn hóa - nghệ thuật cũng là một giải pháp quan trọng thông qua phát triển công chúng, người tiêu dùng về năng lực hiểu biết, cảm thụ các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ văn hóa, xây dựng và phát triển thị trường sản phẩm dịch vụ văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài, có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình tham gia và phát triển thị trường quốc tế nhằm xây dựng một số thương hiệu cho các sản phẩm, dịch vụ văn hóa - nghệ thuật.
Kể từ khi triển khai Chiến lược, chúng ta đã thấy có những chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của thể của các cấp, các ngành và toàn xã hội liên quan đến phát triển các ngành công nghiệp văn hoá. Sáng tạo - yếu tố then chốt của công nghiệp văn hóa - giờ được xem là động lực của sự phát triển xã hội. Các câu chuyện như quốc gia khởi nghiệp, các tuần lễ sáng tạo, khởi nghiệp, những giải thưởng quốc gia về sáng tạo và khởi nghiệp, hay việc gần đây Hà Nội được UNESCO vinh danh là một trong những thành phố trong mạng lưới thành phố sáng tạo của tổ chức này cho thấy những tiềm năng đã biến thành sự thực, trở thành tài sản thật sự của đất nước.
Những tín hiệu vui mừng đó cho chúng ta thấy cơ sở hiện thực mà Chiến lược đặt ra là đến năm 2030 doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội; các ngành công nghiệp văn hóa phát triển một cách bền vững, đa dạng, đồng bộ và hiện đại, được ứng dụng công nghệ tiên tiến; các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế, đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển và tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa toàn cầu. Đây là mong muốn của không chỉ những người làm việc trong ngành văn hoá, mà còn là mong muốn chung của tất cả người dân trong cả nước!
Theo Cổng Thông tin điện tử Bộ VHTTDL