Con đường văn hóa hữu nghị Việt – Hàn: Điểm hẹn của giới trẻ ở Hà Nội
Lễ hội "Con đường văn hóa hữu nghị Việt - Hàn" vừa diễn ra tại Hà Nội nhân kỷ niệm 30 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc (22/12/1992 – 22/12/2022).
Trong hai ngày 10-11/12/2022, tại phố Trần Văn Lai, Khu đô thị Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm - nơi được mệnh danh là "phố Hàn Quốc", "làng Hàn Quốc" ở Hà Nội, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, giải trí đã được tổ chức.
Ngoài gian hàng ẩm thực, một số hoạt động nổi bật tại lễ hội còn là gian hàng trải nghiệm K-culture (Văn hóa Hàn Quốc); gian hàng quảng bá doanh nghiệp và cơ quan Hàn Quốc. Song song đó là một số chương trình biểu diễn như nghệ thuật dân gian Hà Nội, biểu diễn âm nhạc và điệu nhảy Hàn Quốc…
Tân Đại sứ Hàn Quốc Oh Young Ju đến tham dự sự kiện và bày tỏ hy vọng người dân hai nước có dịp giao lưu, kết nối tình hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau thông qua các hoạt động văn hóa.
Chị Moon Min – một người Hàn Quốc đang sống và làm việc tại Hà Nội - cho hay chị đã đến mua sắm cho dịp Giáng sinh và rất hào hứng bởi đây là hoạt động văn hóa hấp dẫn, được những người Hàn sinh sống tại Hà Nội như gia đình chị vô cùng trông đợi.
Bà Chang Eun Sook, Chủ tịch Hiệp hội người Hàn tại Hà Nội, cho biết: Lễ hội "Con đường văn hóa hữu nghị Việt - Hàn" mang ý nghĩa khôi phục lại sự sôi động cho các khu thương mại Hàn Quốc vốn bị ngưng trệ do đại dịch Covid-19.
"Chúng tôi muốn tổ chức sự kiện thường niên. BTC muốn biến con đường văn hóa hữu nghị Việt – Hàn này trở thành địa điểm du lịch cho cả du khách Hàn Quốc và Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ và chúng tôi hy vọng người dân hai nước có dịp giao lưu văn hóa, kết nối tình bạn thông qua các hoạt động văn hóa".
Bà Chang Eun Sook cho hay công chúng người Việt, trong đó có giới trẻ, có thể thưởng thức ẩm thực truyền thống Hàn Quốc, mặc thử Hanbok cũng như tìm hiểu rõ hơn về âm nhạc Hàn Quốc, không chỉ có K-pop mà còn nhiều dòng nhạc khác.
Trong hai ngày, các nghệ sĩ đến từ các nhóm nhạc Chuncheon nongak, Hanaesori... đã trình diễn nghệ thuật múa trống truyền thống Samulnori của Hàn Quốc.
Samulnori hay còn được gọi là trò chơi tứ vật đã trở thành nét văn hóa truyền thống của Hàn Quốc suốt hàng trăm năm nay. Chỉ đơn giản gồm 4 loại nhạc cụ thô sơ, Samulnori đã tạo nên nhiều nhịp điệu mang âm hưởng dân gian, miêu tả trọn vẹn đời sống nông nghiệp thời Joseon (1392-1910) của người dân Hàn Quốc.
Lễ hội còn có sự góp mặt của hai ca sĩ Việt rất được yêu thích là Suni Hạ Linh và Trịnh Thăng Bình. Hai ca sĩ có thể hát được tiếng Hàn cũng là một ưu thế. Suni Hạ Linh từng tham gia cuộc thi "K-Pop Star Hunt mùa 2" và giải giành Ba cuộc thi "Ngôi sao Việt". Nữ ca sĩ có thể hát tốt một số ca khúc tiếng Hàn. Ngoài ra giọng ca sinh năm 1993 còn được mến mộ qua nhiều ca khúc như: Cảm nắng, Không sao mà em đây rồi, Thích rồi đấy…
Trong khi đó Trịnh Thăng Bình là một trong những "ngôi sao" được nhiều khán giả Việt Nam yêu thích qua các ca khúc nhạc trẻ như: Người ấy, Khác biệt to lớn, Chuyện chúng ta, Tâm sự tuổi 30, Vỡ tan…
Phần biểu diễn nghệ thuật "cover" K-Pop và đặc biệt là sự góp mặt của Byun Jin Sub - người hát ca khúc trong bộ phim truyền hình quen thuộc với người Việt Nam - "Reply 1988" ("Lời hồi đáp 1988"). Nam ca sĩ được biết đến là một trong những giọng ca Ballad hàng đầu được đông đảo người Hàn Quốc yêu mến.
Ban đầu sự kiện sự kiến sẽ đón 10.000 khách/ngày. Tuy nhiên con số vượt quá xa so với dự tính và lên tới 70.000 - 80.000/ngày. Điều đó chứng tỏ sự thu hút rất lớn của văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam.