Con cháu từ Pháp về giỗ vua Thành Thái theo nghi thức cung đình Huế
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng ngày 24/3 tại An Lăng, Huế (Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, nơi thờ các vua Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân và một số con cháu các vua), lế giỗ (lễ kỵ) vua Thành Thái được diễn ra theo nghi thức cung đình Huế xưa với sự tham gia của nhiều họ hàng vua.
Ông Georges Vĩnh San, con trai trưởng vua Duy Tân cùng vợ là bà Monique từ Pháp đã bay về Việt Nam để tham dự lễ giỗ lần này.
Ông Georges Vĩnh San (áo dài xanh), con trai trưởng vua Duy Tân cùng vợ là bà Monique (áo dài đỏ bên phải) từ Pháp bay về Việt Nam để làm lễ kỵ vua Thành Thái
Sau khi đến dâng hương tại lăng vua Thành Thái và Duy Tân, con cháu trong dòng tộc đã về tại điện Long Ân để làm lễ giỗ vua Thành Thái theo đúng nghi thức cung đình Huế xưa.
Ông Nguyễn Phước Bảo Tài (cháu nội vua Thành Thái) cùng vợ và con gái từ Vĩnh Long về Huế thăm mộ cha và giỗ ông nội
Ông Nguyễn Phước Bảo Tài (52 tuổi, cháu nội vua Thành Thái) cùng vợ và con gái từ Vĩnh Long ra Huế để thăm mộ cha và giỗ ông nội. Được biết, vì gia cảnh khó khăn nên gia đình ông Bảo Tài đã được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố Đô Huế giúp đỡ tiền vé máy bay và chỗ ở trong những ngày ra Huế.
Con cháu trong gia đình đến dâng hương tại lăng vua Thành Thái
Sau khi dâng hương tại lăng vua Thành Thái, gia đình trong dòng tộc đã qua dâng hương tại lăng vua Duy Tân
Ông Bảo Tài chia sẻ: Sau 10 năm, tôi mới được cùng gia đình quay lại Huế để giỗ ông nội và thăm mộ cha. Vì hoàn cảnh khó khăn nên nhờ các lãnh đạo, ban ngành đoàn thể giúp đỡ nên tôi mới có điều kiện để ra Huế lần này. Đó là niềm vinh hạnh lớn cho gia đình tôi.
Lễ giỗ vua Thành Thái được diễn ra theo nghi thức cung đình Huế xưa.
Vua Thành Thái sinh 14/03/1879 (nhằm 22/02 năm Kỷ Mão), là con thứ 7 vua Dục Đức, tên húy là Bửu Lân, được đưa lên làm vua năm 1889, trở thành vị vua thứ 10 của Triều Nguyễn lúc ông 10 tuổi. Sau khi làm vua niên hiệu là Thành Thái. Đầu năm 1890, Thành Thái cho xây dựng lăng mộ của vua cha ngay tại nấm mồ thiên táng đó và đặt tên là An Lăng. Năm Thành Thái thứ 11 (1889), nhà vua cho xây dựng điện Long Ân ở phía phải lăng mộ làm nơi thờ cúng vua cha. Năm 1907, vua Thành Thái bị truất ngôi vì có tư tưởng chống Pháp, và bị đi đày biệt xứ. Năm 1947, vua Thành Thái được trở về nước và sống ở Sài Gòn. Tháng 3/1955, ông mất tại Sài Gòn, thọ 76 tuổi. Thi hài được hoàng tộc đưa về an táng trong khuôn viên lăng Dục Đức. Theo tư liệu của Trung tâm Bảo tồn Di Tích Cố đô Huế, vua Thành Thái có 19 con trai và 26 con gái. |
Thanh Nhàn