Cối xay đạo đức?
(Thethaovanhoa.vn) - Dây đeo tất, điệu nhảy Cancan phóng túng hay họa sĩ Toulouse-Lautrec? Không lẽ chỉ vì mấy thứ lãng xẹt đó mà làm nên danh hiệu quán đêm nổi tiếng nhất thế giới Cối xay đỏ (Moulin Rouge) của kinh đô ánh sáng Paris?
Một suối tóc đỏ
... viền quanh khuôn mặt nhợt nhạt cớm nắng, buông xõa xuống bộ ngực khiêu khích nửa kín nửa hở, cặp mắt viền đen huyền bí của nàng - tất thảy đều mang lại một ấn tượng kiêu sa pha lẫn nhục cảm. La Goulue từ từ tiến vào Moulin Rouge. Paris của năm 1892, cái thời mãi mãi đi vào lịch sử với cái tên Belle Epoque, đồng nghĩa với chập tối đã ngào ngạt không khí phù hoa: ly Champagne xếp đầy bàn, tường và trần nhà lấp lánh hàng trăm tấm gương, khắp nơi phủ kín nhung the màu huyết dụ. Các khách mày râu đội mũ trụ. Sân khấu náo nhiệt như trong rạp xiếc...
La Goulue (Kẻ phàm ăn) là nghệ danh của Louise Weber, vốn là một cô làm công ở tiệm giặt trong khu Clichy. Với vẻ duyên dáng trộn lẫn trơ tráo của tuổi trẻ, nàng nhanh chóng vụt sáng trong khu ăn chơi Pigalle đang xuống cấp và khiến Paris quỳ gối. Và khi La Goulue lên sân khấu, nức nở như chú mèo con, xoạc cặp đùi dài tuyệt mỹ buộc dây đeo tất hồng lấp ló và vén váy bắt đầu điệu nhảy cancan hay chahut từng bị cảnh sát cho vào danh sách cấm thì Paris không còn biết đến rào cản đạo đức nào nữa.
Không vũ nữ nào hết mình đến điên cuồng như Weber, chẳng ai cạn sạch ly Champagne của khách hoặc cả gan bắt thân với họa sĩ Henri de Toulouse-Lautrec ở Montmartre. Ông bắt đầu vẽ các gái nhảy ở Pigalle. Cũng phải nói thêm là ông không có tình ý gì với họ, một phần cũng vì chiều cao 152 cm khiêm tốn. Bù lại thì ông mê đắm bầu không khí sa đọa do người bạn ông là Joseph Oller cùng Charles Zidler tạo ra trên sàn nhảy này. Họ là linh hồn của Cối xay đỏ từ ngày khai trương 6/10/1889.
Toulouse-Lautrec
…sáng tác một loạt áp phích quảng cáo cho Moulin Rouge, dĩ nhiên không hề dự đoán được giá trị của chúng đối với hậu thế. Nhiều bức lấy hình mẫu là La Goulue trong điệu nhảy đôi với bạn nhảy Valentin le Desosse (người không xương) ẻo lả. Vô số bản nháp ghi lại các vũ nữ trong điệu cancan - vốn làm cho Cối xay đỏ bị cảnh sát đưa vào tầm ngắm. Một thời gian dài sau khi bỏ lệnh cấm, điệu nhảy này vẫn chỉ được diễn ra khi có mặt một thanh tra của sở cẩm. Vào mấy nhịp cuối, khi đám vũ nữ vén váy cho hở quần lót in hình trái tim rồi xoạc cẳng hạ cánh trên nền sân khấu thì Moulin Rouge rung chuyển bởi tiếng hò la và vỗ tay. Không chỉ La Goulue, mà các chân dài cạnh tranh khác như Mistinguett hay Nini Patt-en-l’Air đã trở nên bất tử nhờ cancan. Mới đấy mà đã 125 năm.
Các ông bầu của Moulin Rouge còn thính mũi với các năng khiếu khác. Họ đỡ đầu cho một “nghệ sĩ” đầy mờ ám như Joseph Pujol, người chơi bài ru con Au Clair De La Lune hay quốc thiều Marseillaise bằng đường... trung tiện. Tiết mục này chinh phục cả thái tử Edward, vị vua Anh sau này, trong một chuyến du hành tới Paris 1890. Ông còn phải làm quen với vẻ hấp dẫn tục tĩu của La Goulue: “Ê hoàng tử”, nàng hú lên khi tung cẳng lên không, “chàng đãi em một ly Champagne chứ?”.
Dân Paris
... đồng lòng ở một điểm: Moulin Rouge đơn giản là độc nhất vô nhị. Ở đây có một vườn giải trí với con voi gỗ khổng lồ, chỉ có đàn ông mới được chui vào. Theo một cầu thang uốn, họ lên sân khấu phía trên để xem múa bụng, trong khi các quý bà cưỡi lừa dạo chơi. Trong 10 năm đầu, Moulin Rouge liên tục đưa ra các tiết mục mới. Dường như khán giả Paris có một cái dạ dày không đáy, khả dĩ ngốn mọi thứ giải trí và bê bối. Phải hiểu thời ấy ra bãi tắm phải mặc quần dài thì mới đánh giá được quả bom tấn đội danh kịch lịch sử với một Cleopatra khỏa thân lên sân khấu.
Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ thì mọi sự trầm lắng xuống. Moulin Rouge buộc phải trình diễn nhạc kịch, đôi khi chiếu phim để bù chi phí. Thế chiến 2 không là bối cảnh cho các trò giải trí nữa, trừ điểm sáng duy nhất là giọng ca của “con sẻ vàng” Piaf hồi năm 1944, chỉ vài ngày sau khi giải phóng Paris.
Lịch sử trớ trêu đã khiến cứu tinh của Moulin Rouge đến từ đất nước kẻ thù: Dorothea “Doris” Haug đến từ Heilbronn (Đức), sau một lần đi xem múa hồi nhỏ ở Moulin Rouge, cô hạ quyết tâm trở thành vũ nữ. Cô viết báo lấy tiền để bí mật đi học múa và qua Paris ở tuổi 25. Lần đầu thử xin việc ở Moulin Rouge, cô bị đuổi thẳng vì cho là không đủ sức nhảy cancan. Doris xin vào rạp Nouvelle Eve, và tất nhiên không dám kể cho cha mẹ biết gì về cái ổ tội lỗi đó.
Phải đợi đến 1957
... tài năng của Miss Doris mới nở rộ, dù không còn là vũ nữ mà từ nay ngồi ghế mẫu hậu của nhóm nhảy cancan ngay tại Moulin Rouge. Thậm chí các vũ nữ từ nay được đổi tên thành nhóm “Doriss Girls”. 40 năm ròng, Doris tha hồ làm mưa làm gió, mời được các ngôi sao sáng nhất về Cối xay đỏ. Chính những tên tuổi như Charles Aznavour, Jean-Claude Brialy hay Frank Sinatra làm ra danh hiệu quán đêm huyền bí này. Các vĩ nhân khác, nếu không trong ánh đèn pha thì cũng là đại khách của Moulin Rouge: Elvis Presley, Ringo Starr, George Michael, Elton John hay Salvador Dalí.
Miss Doris chỉ huy đội gái nhảy của mình với sự chính xác của một cỗ máy Đức: hợp đồng lao động chỉ cho phép họ được chênh tối đa 2 cm so với chiều cao chuẩn 177 cm, cũng như không được tăng hay giảm quá 2 kg. Người mới vào luôn phải mang áo lót bó chặt một năm, trước khi được bán khỏa thân trên sân khấu. Doris vừa qua đời cách đây hai tháng ở tuổi 87, nhưng chế độ nghiêm ngặt của Doris tồn tại chừng ấy năm hầu như không đổi. Hôm nay cancan vẫn là tiết mục tủ của Moulin Rouge. Khán giả bên những chiếc bàn màu hồng tím chỉ uống Champagne và hình dung ra mình đang đắm trong không khí Belle Epoque, thời mà Paris sống ngày nào cũng như ngày cuối cùng. Và hình như sức cảm hóa của sân khấu tạp kỹ không hề giảm sút: trung bình mỗi tối Moulin Rouge bán ra 800 chai Champagne.
Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần