Cởi mở, nhưng cần đồng bộ
(Thethaovanhoa.vn) - Sau một thời gian dài, trong giới làm công tác biểu diễn nghệ thuật, rất nhiều người cho rằng việc xin cấp phép lưu hành các bài hát sáng tác trước năm 1975 ở các tỉnh phía Nam là rất nhiêu khê.
- Bộ VH,TT&DL: Ca khúc không xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến
- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Không cần cấp phép bài hát đã quen thuộc
- Sự thật thông tin 'cấp phép Quốc ca’
Việc cấp phép có nhiều bất cập khiến dư luận nhiều lần lên tiếng than phiền. Đỉnh điểm là việc Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) cập nhật hơn 300 ca khúc “nhạc đỏ” vào “Danh mục phổ biến các bài hát sáng tác trước năm 1975” trên trang web của Cục.
Ngày 23/5/2017, Bộ VH,TT&DL đã ký văn bản gửi Cục NTBD yêu cầu Cục khẩn trương, nghiêm túc thực hiện một số nội dung theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Trong đó có nội dung có lẽ rất nhiều người vui mừng. Đó là: “Các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác”.
Như vậy, nếu Cục NTBD thực hiện đúng theo nội dung chỉ đạo này thì trong tương lai gần, các bài hát “nhạc vàng”, “nhạc sến”, “nhạc bolero”… sáng tác trong vùng tạm chiếm trước năm 1975 nếu đáp ứng những yếu tố nêu trên sẽ được tự do trình diễn mà không cần phải xin Cục cấp phép như trước đây.
Sẽ qua rồi cái thời nhiêu khê, “chầu chực” của việc làm đơn xin và đợi Cục NTBD cấp phép. Có thể nói, đây là một chuyển biến rất lớn trong việc phổ biến các tác phẩm âm nhạc, nó như đi từ thái cực này qua thái cực khác.
Trả lời phỏng vấn Báo Thể thao & Văn hóa ngày 23/5, Cục trưởng Cục NTBD Nguyễn Đăng Chương có nói: “Với các ca khúc nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, không xâm phạm lợi ích quốc gia thì sẽ không cần cấp phép phổ biến, không phân biệt sáng tác ở đâu, thời gian nào…Chúng tôi sẽ có văn bản hướng dẫn các Sở VH,TT&DL khi thẩm định ca khúc cho phép tổ chức biểu diễn các chương trình nghệ thuật”.
Điều đó cũng có nghĩa là trách nhiệm thẩm định ca khúc sẽ do các địa phương chia sẻ, thay cho Cục Nghệ thuật biểu diễn, tuy vẫn phải có sự thẩm định của cơ quan quản lý văn hóa các tỉnh, thành, nhưng mọi thủ tục có lẽ sẽ đơn giản, thuận tiện hơn và thời gian sẽ nhanh chóng hơn.
Tuy nhiên, liệu có xảy ra tình trạng địa phương này thì đồng ý cho phép biểu diễn, còn địa phương khác thì không cho? Làm sao có một sự thống nhất đồng bộ cũng là điều mà Cục NTBD phải nghĩ đến.
Và những bài hát được các sở VH,TT&DL các tỉnh thành cho phép lưu hành, nó có giá trị lưu hành trên toàn quốc hay không hay vẫn có tình trạng có địa phương không chấp nhận vì bài hát “chưa phù hợp với tình hình địa phương”? Bên cạnh đó, Cục cũng phải thường xuyên cập nhật những bài hát được các địa phương cho lưu hành, công việc có lẽ sẽ vất vả hơn việc Cục cập nhật những bài hát do chính mình cấp phép trước đây.
Nhưng nhìn chung là với chỉ đạo của Phó Thủ tướng và Bộ VH,TT&DL trong việc lưu hành các bài hát trước năm 1975, mọi người có cảm giác là cởi mở, thuận tiện hơn. Tuy nhiên, hiệu quả đến đâu là do Cục triển khai thực hiện và thực tế sẽ là câu trả lời thiết thực nhất. Chúng ta hãy chờ đợi và hy vọng…
Bình Minh
Thể thao & Văn hóa