Có thể bạn chưa biết: Vượt trước 2 tiếng là đủ tạo nên một 'đế chế'
Vào ngày 14/2/1876, trước thời đại của chúng ta ngót một thế kỷ rưỡi, Alexander Graham Bell nộp đơn ở Boston xin cấp bằng sáng chế cho một kỹ thuật mới mà sau này sẽ có tên là "điện thoại".
Lát sau, đối thủ của ông là Elisha Gray cũng hớt hải cầm tờ đơn có nội dung tương tự chạy tới, xét về mặt kỹ thuật còn có trội hơn Bell gấp bội. Nhưng luật là luật: hơn nhau một nháy mắt vẫn là hơn, huống hồ hẳn 120 phút.
Cho dù đế chế của ông có phát triển lớn đến đâu, và phát minh của ông đã từng làm cho cuộc đời này tươi đẹp lên bao nhiêu, vâng, cho dù hậu thế có tôn vinh sản phẩm của ông cho đến ngày nay hay không - vẫn thật khó để nói rằng Alexander Graham Bell là một người lương thiện.
Xuất xứ may mắn
Học trò hôm nay đọc trong sách giáo khoa hoặc xem trên Wikipedia các dữ kiện về Bell, nói chung cả thế giới hôm nay coi ông là người phát minh ra điện thoại. Nhưng thực tế là khi ông luôn tự coi mình là người khởi đầu vĩ đại, sau khi đăng ký bằng sáng chế cho thiết bị này vào ngày 14/2/1876, sớm hơn Elisha Gray đúng hai tiếng đồng hồ, và ông lờ tịt đi một chi tiết quan trọng là đối thủ cạnh tranh của ông đã vượt xa ông về mặt kỹ thuật.
Ngày nay người ta kính cẩn gọi sản phẩm mới nhất dựa trên ý tưởng cách mạng của Bell là điện thoại "thông minh" - một phẩm chất mà không phải người nào cũng có. Nhưng nó đã trở thành một vật dụng hằng ngày ở hầu hết mọi nơi trên thế giới. Chưa chắc ai cầm nó trên tay cũng thực sự hiểu làm thế nào có thể nói chuyện với những người ở bên kia thế giới và lướt mạng dò tin thời sự hoặc kiểm tra hộp thư, nhưng hàng tỉ người dùng ngày nay coi dịch vụ này là điều hiển nhiên.
Vào thế kỷ 19, khi điện báo được coi là đỉnh cao của sự phát triển kỹ thuật, chưa ai mơ được đến ngày được nói chuyện trực tiếp với người ở xa.
Điện báo, nói cho cùng, chỉ nhanh chóng mang lại khả năng vận chuyển các câu chữ được viết ra từ nơi này sang nơi khác bằng cách sử dụng xung điện. Vì vậy, sự phát triển của điện thoại là một cuộc cách mạng thực sự: khi Bell nộp đơn xin cấp bằng sáng chế của mình, ngay cả những người trước đây coi thiết bị này như một trò chơi vô bổ cũng bắt đầu nhận ra tác động của nó, nếu mọi người thực sự có thể nói chuyện với nhau ở khoảng cách xa.
Khi Bell chào đời ở Edinburgh (Scotland) vào năm 1847, cha của ông, một giáo sư dạy môn hùng biện, đã rất quan tâm đến việc mở rộng khả năng của ngôn ngữ: ông là người phát triển ra một trong những bộ chữ phiên âm đầu tiên. Mẹ ông chăm sóc bệnh nhân khiếm thính và là người hết lòng ủng hộ ý tưởng rằng họ nên được nuôi dạy bằng ngôn ngữ nói chứ không phải ngôn ngữ ký hiệu.
Nhà phát minh lận đận
Bản thân là một học sinh yếu kém, chỉ nhờ kỳ vọng thái quá của cha mẹ mà Bell học tiếng Latin và tiếng Hy Lạp ở Edinburgh và năm 17 tuổi trở thành giáo viên tại Học viện Diễn thuyết và Âm nhạc Weston House ở Elgin (Scotland).
Sau đó, anh theo cha đến Đại học University College ở London, nơi anh nhận làm giảng viên về hùng biện.
Quay lại đồng hồ trước đó một chút, cụ thể là vào năm 1861, Philipp Reis người Đức ở Frankfurt đã trình bày một thiết bị có thể truyền lời nói qua khoảng cách bằng năng lượng điện. Ông gọi nó là "Telephon".
Là giáo viên vật lý, ông đã chế tạo thiết bị dựa trên cấu trúc tai người: thoạt tiên, ông ấy khắc hình một cái vành tai bằng gỗ, ở phần "lỗ tai" ông kéo căng một màng mỏng làm từ ruột lợn, tương tự như màng nhĩ. Một tấm bạch kim và một chốt kim loại được gắn lên màng, mô phỏng xương truyền âm trong tai người. Tiếp điểm bạch kim này là một phần của mạch điện chạy bằng pin.
Bất cứ ai nói vào tai nhân tạo này đều làm cho màng rung lên và tạo ra sự biến điệu của dòng điện, từ đó tạo ra các rung động âm thanh, được chuyển đổi thành xung điện chạy qua một cuộn dây và được một cây đũa kim loại tiếp nhận.
"Ngựa không ăn gỏi dưa leo" - được truyền lại là câu đầu tiên Philipp Reis nói qua điện thoại trong cuộc thử nghiệm tại nhà mình.
Rủi thay, chất lượng truyền âm quá kém khiến ở đầu kia "điện thoại" chẳng ai hiểu gì. Bước đột phá lớn đã không xảy ra ở Đức.
Alexander Bell đã biết về thiết bị này ở Đức vào năm 1862 và bị mê hoặc kể từ đó. Cha anh trao giải thưởng cho các con trai, nếu họ thành công trong việc cải tiến mô hình của Reis để nó truyền tín hiệu ổn định. Sau khi một con trai ông chết vì lao phổi, cả nhà di cư đến Massachusetts (Mỹ) để tìm khí hậu tốt hơn.
May và rủi: cách nhau 2 giờ
Vào khoảng năm 1873 - Alexander Bell lúc này là giáo sư ở Boston - ông cố gắng phát triển một "điện báo hòa hợp" có thể gửi nhiều tin cùng lúc. Năm 1874, Bell tiến hành thí nghiệm ghi lại sóng âm. Khi luật sư Gardiner Greene Hubbard và doanh nhân Thomas Sanders nghe về các thí nghiệm, họ đã thúc ông bỏ hết tâm trí vào lĩnh vực còn tối mù này.
Ngày 14/2/1876, lúc 2 giờ chiều, ông đã nhờ luật sư Hubbard đăng ký ý tưởng của mình như một bằng sáng chế - tức là chỉ có ý tưởng chứ chưa hề có một mô hình hoạt động thực sự. Xét cho cùng, bằng sáng chế lẽ ra phải thuộc về nhà phát minh Elisha Gray, giám đốc điều hành và cổ đông của nhà sản xuất thiết bị điện báo lớn nhất ở Hoa Kỳ. Điện thoại của người đàn ông này đã tinh vi đủ mức hoạt động tương đối ổn định. Nhưng, như đã kể, Gray đến muộn 120 phút.
Trong công ty của Bell, thợ máy Thomas A. Watson là người đã hoàn chỉnh dần chiếc máy điện thoại. Câu đầu tiên mà người ta hiểu rõ ràng được cho là đã được truyền đi vào ngày 10/3/1876. Ông chủ nói với trợ lý của mình ở một phòng kế nên: "Watson, come here. I need you" (Watson, qua bên này. Tôi cần anh). Cảnh này đã được tái hiện vô số lần trong các bộ phim giáo khoa.
Riêng Grey thì chẳng được ai biết đến. Hoặc chỉ biết đến qua cuộc tranh cãi về bằng phát minh lớn nhất trong lịch sử. Bằng sáng chế đã được cấp cho Bell vào ngày 7 tháng 3, và Gray cho thấy rằng đối thủ của ông đã sử dụng một điện trở đặc biệt do Gray chế ra. Thậm chí một nhân viên của văn phòng bằng sáng chế thừa nhận đã ăn hối lộ, nhưng dư luận không muốn nghe điều đó.
Điều chắc chắn là Bell đã tận dụng các cơ hội thương mại của mình một cách tối đa và tàn bạo. Cùng Sanders, Hubbard và trợ lý Watson, ông thành lập Công ty Điện thoại Bell vào năm 1877 và thành công vang dội.
Dù lúc đầu hầu như không ai quan tâm đến phát minh này. Bell thậm chí còn đồng ý bán bản quyền sáng chế cho công ty của Elisha Gray với giá 100.000 đô la, nhưng Gray tự ái lắc đầu. Các công ty điện báo của Mỹ cũng thù ghét công ty Bell. Công ty Western Union đã nhờ Thomas Alva Edison phát triển một chiếc điện thoại với công nghệ khác. Lập tức Bell khởi kiện công ty đó vi phạm bằng sáng chế.
Nhưng tiếp theo là một sự bùng nổ chưa từng có: năm 1879 đã có tổng đài điện thoại ở 20 thành phố trên toàn thế giới và năm 1881, hầu hết các thành phố ở Hoa Kỳ trên 15.000 dân đều có mạng điện thoại. Năm 1885, Alexander Graham Bell thành lập Công ty Điện thoại và Điện tín Hoa Kỳ (AT&T). Là công ty lớn nhất của loại hình này, nó nhanh chóng thống lĩnh thị trường.
Vĩ thanh
Bell tiếp tục nghiên cứu và quan tâm đến nhiều lĩnh vực khác. Một nghiên cứu của ông về người điếc ở Martha's Vineyard sau này bị lạm dụng một cách vô nhân đạo: không chỉ ở Hoa Kỳ, nhiều người khiếm thính bị triệt sản mà họ không hề hay biết. Bản thân Bell cũng đã làm việc với các tổ chức để đưa ra luật nhằm ngăn chặn sự sinh sôi nảy nở của những "chủng tộc khiếm khuyết".
Alexander Graham Bell qua đời năm 1922, chấm dứt một nhân cách chỉ có thể được mô tả là rất u ám. Và tất cả chỉ nằm ở 120 phút cách biệt.
Câu đầu tiên được truyền đi qua điện thoại là vào ngày 10/3/1876. Ông chủ nói với trợ lý của mình ở một phòng kế nên: "Watson, come here. I need you" (Watson, qua bên này. Tôi cần anh).