Chuyện về con người và những chú chó
(Thethaovanhoa.vn) - Bạn có ăn thịt chó không? Câu trả lời có thể là "có", hoặc "không". Dù bạn trả lời ra sao, tôi vẫn rất tôn trọng sự lựa chọn của bạn và cả khẩu vị của bạn nữa.
Câu chuyện thứ nhất, vừa mới xảy ra, có cả clip minh họa, ấy là chuyện về một chú chó bị đâm bằng dao dã man trên phố Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội. Theo lời tường thuật thì sự việc như sau: một anh đang dắt chó đi dạo thì bị một chú chó ta thả rông của một người lạ từ đâu nhào đến cắn xé. Anh rất cố gắng để tách hai chú chó ra, nhưng người chủ của chú chó ta đã bất ngờ dùng dao lao tới tấn công chú chó khiến anh vô cùng hoảng sợ.
Một chú chó bị đâm trọng thương thì đương nhiên không thể gọi là... một vụ án mạng, và thông thường thì người ta chỉ xót xa cho con chó một chút, rồi đi tiếp. Nhưng những gì diễn ra thì thật sự làm chúng ta phải suy nghĩ. Trước tiên là tình cảm của người chủ chó. Chỉ có một mình và chú chó thì bị thương quá nặng, anh chỉ còn biết đứng ôm cổ chú chó của mình và kêu gào cầu cứu. Và một sự việc tiếp theo còn đáng ngạc nhiên hơn: một thanh niên chở bạn gái đi qua, đã... bỏ bạn gái bên đường để đưa chú chó đi bệnh viện.
Những hình ảnh tiếp theo thì lần đầu tiên tôi mới được trông thấy: chú chó được cứu chữa trong bệnh viện, dĩ nhiên chú không nằm trên cáng hay trên giường bệnh, mà nằm dưới nền phòng cấp cứu. Nhưng như thế cũng đủ ngạc nhiên rồi. Tình hình sức khỏe của chú chó vẫn đang được cập nhật trên mạng...
Câu chuyện thứ hai thì thê lương hơn. Chuyện diễn ra ở TP.HCM. Anh thanh niên vì quá thương chú chó yểu mệnh của mình nên đã mua một tủ đá về để... bảo quản. Hàng ngày đi làm về, anh lại mang "thi hài" của chú chó ra vuốt ve. Anh còn tổ chức sinh nhật cho nó.
Câu chuyện cảm động này, sau khi được thông tin trên báo cũng gây ra những dư luận trái chiều. Tuy đa số độc giả đều chia sẻ với tình cảm của anh thanh niên, nhưng cũng rất nhiều người khuyên anh nên vượt qua những tình cảm bi lụy ấy để có cách xử lý hợp tình hợp lý với chú chó đã qua đời.
***
Thực ra, chuyện lớp trẻ yêu quý và chăm sóc thú cưng là chuyện hết sức bình thường. Các chú chó, mèo được nuôi nấng chăm sóc như những thành viên trong gia đình, được tắm gội, mát xa, làm đẹp, khi ốm đau được chăm sóc thú y, được gửi đến "bệnh viện chó mèo", và nếu chẳng may qua đời thì được chôn cất rất chu đáo.
Nhà thơ dân gian Bảo Sinh còn lập ra cả "nghĩa trang" chó mèo ngay trong khuôn viên nhà mình để mọi người có thể đến đó thuê chỗ, "an táng" cho những con thú cưng có... bia mộ đàng hoàng. Và cũng gần như... con người, sau khoảng 3 năm, thì "bốc" đi, để xương cốt vào trong một nhà kho, dành chỗ trong nghĩa trang cho những thú cưng khác.
Trong số những con thú cưng, chó là loài phổ biến nhất và vẫn được coi là trung thành và hiểu ý chủ nhất.
Có hàng ngàn, hàng vạn những câu chuyện về sự trung thành của loài chó. Mà có lẽ điển hình nhất là chú chó tên là Hachiko ở Nhật Bản. Chuyện xảy ra cách đây gần 100 năm, từ khi Hachiko còn ngày ngày đi đón ông chủ của mình ở ngoài ga, cho đến khi ông chủ đột ngột qua đời, nhưng 9 năm, 9 tháng và 15 ngày sau đó, chú vẫn kiên trì ra ga chờ đợi cho đến lúc chết. Người ta tạo một bức tượng chú bằng đồng trước cửa ga Shibuya và chữ Hachiko, tên chú, trở thành một khái niệm mới, biểu thị cho sự trung thành.
Tình cảm với những loài vật nói chung, và loài chó nói riêng, thì ai cũng có, thậm chí chúng trở thành một phần ký ức của mỗi người gắn liền với từng giai đoạn của cuộc đời.
***
Các cụ nói "nhân sát vật". Con người có quyền giết con vật để phục vụ cho cuộc sống của mình (lấy thực phẩm). Ông cha mình, đã ăn thịt chó từ hàng ngàn năm qua, mà vẫn nuôi chó, yêu chó đâu có kém chúng ta ngày nay? Và cũng không vì ăn thịt chó mà ông cha mình... bị cho là kém nhân văn hơn con cháu bây giờ.
Thế nhưng, ứng xử với loài vật ra sao lại thể hiện tính thiện của mỗi con người. Ăn thịt chó là bình thường, nhưng hành hạ dã man loài vật, trong đó có loài chó thì là... bất lương.
Kẻ cầm dao xông vào đâm trọng thương con chó để... trả thù cho con chó của mình, rõ ràng phải xem lại về tính thiện, hôm nay là trong ứng xử với con chó, ngày mai là trong ứng xử với con người. Ở chiều ngược lại, những người cứu giúp chú chó bị thương, từ người qua đường, đến các y bác sĩ trong bệnh viện, là những tấm gương về lòng nhân ái.
Và xét cho cùng thì ở đây không chỉ là câu chuyện con người thương con chó còn là sự tôn trọng giữa những con người với nhau.
Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa