Chuyên gia quốc tế: 'Covid-19 sẽ tiếp tục nhưng đại dịch gần kết thúc'
(Thethaovanhoa.vn) - Hơn hai năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều quốc gia hiện đang cố gắng "sống chung với COVID-19". Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo rằng các biến thể mới tiềm tàng và tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 không đồng đều có thể đe dọa nỗ lực khôi phục cuộc sống bình thường của các nước trên thế giới.
Khi nhà nghiên cứu sức khỏe toàn cầu Mỹ Christopher Murray viết rằng "COVID-19 sẽ tiếp tục nhưng đại dịch gần kết thúc" trên tạp chí y khoa The Lancet vào cuối tháng 1, ông đã tổng hợp hy vọng của nhiều cơ quan y tế quốc gia trên thế giới về triển vọng dịch bệnh sắp được đẩy lùi.
Trong những tuần trước trước dịp đánh dấu 2 năm Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là đại dịch vào tháng 3/2020, các quốc gia như Anh và Đan Mạch đã dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế được áp đặt nhằm ngăn dịch bệnh lây lan. Nhiều bang của Mỹ cũng nới lỏng quy định đeo khẩu trang và các quy tắc khác.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết sự thay đổi này đánh dấu sự khởi đầu của việc học cách "sống chung với COVID-19", khi số ca tử vong trên toàn cầu giảm xuống trong bối cảnh biến thể Omicron dù dễ lây lan nhưng ít gây bệnh nghiêm trọng hơn "càn quét" thế giới. WHO dự đoán "giai đoạn cấp tính" của đại dịch có thể kết thúc vào giữa năm nay - nếu khoảng 70% dân số thế giới được tiêm chủng.
- Sau Mỹ, Israel cho phép tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi
- Tiêm chủng vaccine Covid-19 đầy đủ giảm nguy cơ tử vong tới 11 lần
Tây Ban Nha nằm trong số các quốc gia kêu gọi cách tiếp cận xem COVID-19 là bệnh đặc hữu, có nghĩa là sẽ có các đợt bùng phát theo mùa nhẹ hơn mà nhân loại có thể sống chung, chẳng hạn như bệnh cúm. Tuy nhiên, nhà virus học tiến hóa Aris Katzourakis tại Đại học Oxford (Anh) bày tỏ lo ngại về vấn đề này, cho rằng "từ 'đặc hữu' đã trở thành một trong những cách dùng sai nhiều nhất về đại dịch".
Trong bài viết "Một căn bệnh có thể trở thành bệnh dịch, vừa lan rộng vừa gây chết người" trên tạp chí Nature tuần trước, ông Katzourakis đã chỉ ra rằng bệnh sốt rét đã cướp đi sinh mạng của hơn 600.000 người vào năm 2020, trong khi 1,5 triệu người tử vong vì bệnh lao.
Theo kịch bản "tốt nhất và hợp lý", sẽ có những đợt bùng phát theo khu vực hoặc theo mùa quy mô nhỏ hơn, vì số lượng ca mắc COVID-19 cao hơn dẫn tới ít ca bệnh cúm hơn.
Trong trường hợp xấu nhất, các biến thể mới khó lường tạo thành các đợt bùng phát dịch bệnh nguy hiểm lặp đi lặp lại, đòi hỏi các nước phải khôi phục các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt. Các kết quả khác nhau phụ thuộc vào hai yếu tố khó lường chính: khả năng xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và khả năng của vaccine để bảo vệ chống lại căn bệnh này trong thời gian dài.
Khi nói đến vaccine, biến thể Omicron vừa là lời cảnh báo vừa là cuộc thử nghiệm. Nhiều nhà dịch tễ học cho rằng chỉ cần để dịch COVID-19 lây lan mà không được kiểm soát sẽ tạo thêm nhiều cơ hội để biến thể này đột biến thành các biến thể mới.
Không có gì đảm bảo rằng những biến thể mới như vậy có ít gây bệnh nghiêm trọng hay không. Ông Katzourakis lưu ý có một quan niệm sai lầm phổ biến rằng virus phát triển theo thời gian để trở nên lành tính hơn, song thực tế chưa chắc như vậy, viện dẫn biến thể Delta có độc lực mạnh hơn chủng virus gốc xuất hiện đầu tiên ở Vũ Hán (Trung Quốc).
Tuy nhiên, ít nhất vaccine ngừa COVID-19 vẫn rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh chuyển biến nặng và nguy cơ tử vong - đặc biệt là mũi tiêm nhắc lại thứ ba đã được triển khai trên khắp thế giới.
Một số kết quả sơ bộ gần đây của các thử nghiệm được thực hiện trên động vật cho thấy các loại vaccine đặc hiệu như vậy không có hiệu quả cao hơn trước biến thể Omicron so với các loại vaccine đã có. Tuy nhiên, vẫn còn một cách khác, đó là mở rộng thay vì thu hẹp phạm vi phòng bệnh của vaccine.
Ba nhà nghiên cứu, trong đó có Cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci, đã kêu gọi bào chế một "vaccine phòng virus corona toàn cầu", sẽ bảo vệ không chỉ chống lại COVID-19 mà còn các virus corona khác trong tương lai có thể lây nhiễm từ động vật sang người và gây ra một đại dịch khác.
Các nhà nghiên cứu đã viết trên Tạp chí Y học New England vào cuối tuần qua rằng: "Chúng ta phải ưu tiên phát triển các loại vaccine có khả năng bảo vệ rộng rãi". Tuy nhiên, để phát triển loại vaccine như vậy đòi hỏi phải vượt qua những trở ngại lớn.
Trong khi đó, WHO nhấn mạnh rằng cách tốt nhất để chấm dứt "giai đoạn cấp tính" của đại dịch COVID-19 là các nước giàu chia sẻ vaccine ngừa COVID-19. Theo WHO, chỉ có 13% người dân châu Phi đã được tiêm chủng đầy đủ vào cuối tháng trước - thấp hơn nhiều so với mục tiêu 70% cần thiết vào giữa năm nay.
Phương Oanh/TTXVN